Khi trên thị trường liên tục có những thông tin về rau, quả, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được bày bán tràn lan thì nhu cầu và sự quan tâm của người tiêu dùng về những sản phẩm này lại càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Xã Hưng Công - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam là nơi có truyền thống trồng rau an toàn đã được chọn làm cơ sở áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ, song sau hơn 1 năm triển khai đến nay sản phẩm nơi đây vẫn chỉ được gọi là rau “thông thường”.
Một trong những cửa hàng của hệ thống Mr Sạch
“Đẻ nhưng chưa được khai sinh”
Tháng 5/2012 Hội phụ nữ xã Hưng Công đã chính thức ra mắt HTX sản xuất rau hữu cơ với sự tham gia của bốn bên: Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam, nhà khoa học, chính quyền địa phương và người nông dân.
Chương trình được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Niu-di-lân, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Đảng bộ và UBND xã và Công ty cổ phần Tâm Đạt.
Theo mô hình này người nông dân phải thực hiện quy trình trồng rau truyền thống trước đây, đó là tuyệt đối không dùng phân vô cơ mà sử dụng phân hữu cơ để trồng các loại rau; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng nguồn đất và nước sau khi đã được kiểm định, đạt yêu cầu, có hàng rào bằng cỏ voi ngăn chặn sự nhiễm bẩn từ bên ngoài vào, sản xuất cây trồng theo đúng quy trình;... Công ty cổ phần Tâm Đạt là đơn vị hướng dẫn toàn bộ quy trình kỹ thuật và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Mô hình được triển khai tại cánh đồng rộng 2 ha của thôn Cổ Viễn - xã Hưng Công - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam.
Tại đây người dân được huấn luyện 17 tuần, có đất tập trung, có hàng rào chắn, sản xuất đúng quy trình canh tác hữu cơ. Trong thời gian huấn luyện, những giảng viên giỏi chuyên môn, kỹ thuật được cử về nằm vùng tại địa phương để vừa đào tạo nghề, vừa bám sát học viên để hướng dẫn quy trình canh tác và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây rau. Sau thời gian đào tạo, Tâm Đạt đã cấp chứng nhận cho những người tham gia khóa đào tạo phương pháp trồng rau hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân trong thời gian lâu dài.
Cũng trong thời gian triển khai do không đủ nhân lực, vật lực nên sau thời gian đào tạo, Công ty Tâm Đạt đã giới thiệu hệ thống Mr Sạch thuộc công ty TNHHDV Thương mại Quốc Tế Victory Asian - một đối tác của Tâm Đạt với bà con Hưng Công cùng giám sát và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rau vẫn chưa được công nhận là rau hữu cơ theo chuẩn PGS.
Trăn trở người trong cuộc
Theo Hội LHPN tỉnh Hà Nam, sau khi được thành lập và đào tạo thì mong muốn của người nông dân lúc này là được cấp chứng chỉ PGS, để họ tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa mô hình này, nhằm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Ban điều phối PGS vẫn chưa đưa ra quyết định cấp chứng nhận PGS cho vùng rau nơi đây. Bởi theo đại diện Ban điều phối PGS, thì sở dĩ rau Hà Nam vẫn chưa được cấp chứng nhận PGS là do điều kiện sản xuất ở nơi này còn chưa đảm bảo ở nhiều yếu tố.
Bà Hà Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: “Phương pháp sản xuất rau tại Hưng Công đã thực hiện nghiêm túc qui trình, phương pháp hữu cơ và đã được một số khách hàng của tỉnh và Trung ương chấp nhận”.
Khi được hỏi lý do chưa được chuẩn PGS, theo bà Tâm không phải do chưa đạt chuẩn về đất và nước mà bởi qui mô của vùng còn chưa được lớn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phát triển mô hình trồng rau này tại 2 xã Trác Văn - huyện Duy Tiên và xã Hưng Công - huyện Bình Lục để tiến tới năm 2014 sẽ đủ tiêu chuẩn được cấp PGS.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa đào tạo dự án hữu cơ tại Hà Nam, Điều phối dự án hữu cơ ở Huyện Lương Sơn - Hoà Bình, Trưởng ban Quản lý chứng nhận huyện Lương Sơn Hoà Bình 2009-8/2013 - TS. Trần Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Trồng Trọt - Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai-Chương Mỹ - Hà Nội) cho biết: “Lý do đến nay tại các vùng rau hữu cơ của Hà Nam chưa được cấp giấy chứng nhận vì chưa hoàn thiện hồ sơ gửi Ban điều phối, chưa thành lập đầy đủ liên nhóm hữu cơ, do đó mặc dù rau được sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhưng chưa được cấp chứng nhận PGS… Nếu làm theo trình tự và hoàn tất hồ sơ gửi ban điều phối thì đến tháng 2 hoặc tháng 3/2014 mới được cấp chứng nhận PGS”.
Theo ông Trần Trung Chính - TGĐ Tổng giám đốc Hệ thống Mr Sạch, đơn vị từng vi phạm “bản quyền” rau hữu cơ thì hệ thống Mr Sạch là đơn vị trực tiếp bao tiêu sản phẩm rau sạch sản xuất theo phương pháp hữu cơ tại cơ sở Hưng Công - Hà Nam.
“Chúng tôi có đủ cơ sở để nói rau được trồng tại vùng này đủ tiêu chuẩn được cấp GPS, vấn đề thiếu chỉ còn là thủ tục mà thôi”, ông Chính nói thêm.
Trong thời gian tới Mr Sạch cũng đang có kế hoạch xây dựng rộng hơn vùng nguyên liệu rau hữu cơ, phát triển các đặc sản vùng miền phù hợp với đặc trưng, thế mạnh từng địa phương. Qua đó mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là phát huy tối đa sự gắn kết của cả 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp).
Nên chăng mở rộng các vùng rau hữu cơ
Trở lại chuyện rau hữu cơ, được biết rau hữu cơ sẽ an toàn hơn rau thông thường do không sử dụng phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu hóa học hoặc thuốc kích thích tăng trưởng. Mùi vị, so với rau an toàn thì rau hữu cơ có mùi đậm đà, tự nhiên hơn do khả năng tích lũy dinh dưỡng trong một thời gian đủ dài. Hàm lượng dinh dưỡng trong rau hữu cơ vì vậy cũng cao hơn do thời gian sinh trưởng dài ngày hơn.
Tuy nhiên, việc hình thành một vùng rau hữu cơ còn phụ thuộc nhiều yếu tố (như đã nói ở trên), nhưng có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn nhiều khi có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước cũng như các bộ ngành liên quan.
Nói về vấn đề này ông Chính mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của nhà nước về đường lối, chính sách, vốn hoặc thị trường đầu ra,… đảm bảo tâm lý yên tâm cho người sản xuất cũng như sự ổn định cho nhà đầu tư. Mong rằng giữa các tổ chức - doanh nghiệp sẽ có sự liên kết, bảo vệ lẫn nhau và cùng mang lại những giá trị đích thực.
Tuy nhiên, thực tế dường như vẫn còn nhiều bất cập, theo ông Chính lý do thực sự của việc rau trồng theo phương pháp hữu cơ ở Hà Nam chưa được cấp chứng chỉ PGS bởi đơn vị này đã gợi ý với bà Hà Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam là muốn được cấp chứng chỉ PGS thì phải nộp một khoản phí 20 triệu đồng, đồng thời mỗi hộ dân tham gia sản xuất rau hữu cơ trong HTX đều phải đóng một mức phí 250.000 đồng/năm cho PGS… chi phí đó quá đắt, không thể làm được và đi ngược lại chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ nông dân, gây dựng nền nông nghiệp bền vững,…
Sau một số mâu thuẫn về đường lối chính sách cũng như sự minh bạch về sản phẩm, Tổng giám đốc Mr Sạch đã tuyên bố hoàn toàn rút khỏi hệ thống PSG, toàn bộ sản phẩm của Mr Sạch đã thay tên gọi, thực phẩm bán tại hệ thống này được đổi tên là “thực phẩm sạch” thay vì “Thực phẩm hữu cơ” trước đây.
Với quỹ đất tự nhiên ưu đãi như Việt Nam, hy vọng thời gian tới, thị trường rau hữu cơ sẽ phát triển một cách minh bạch và lành mạnh, tránh sự hoang mang, mất niềm tin cho người tiêu dùng như những chuyện từng xảy ra trong thời gian qua.
Tại Việt Nam, PGS là hệ thống duy nhất chứng nhận chất lượng các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa. Nó được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602 - 2006 do Bộ NN&PTNT ban hành. Cho đến nay PGS Việt Nam vẫn chỉ là một tổ chức tự nguyện, là một sân chơi do các thành viên tự đặt ra quy định.
Hồng Hương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.