Với gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh 10.000 sản phẩm, có thể nói chưa bao giờ thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ dữ dội như hiện nay.

Thực phẩm chức năng bày bán trong một nhà thuốc tự chọn ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) - Ảnh: V.K

Hội thảo “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Bộ Y tế phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức (Cục An toàn thực phẩm và Báo Lao động trực tiếp thực hiện) diễn ra lần đầu tiên tại TP.HCM sáng qua (30.11) đã công bố những số liệu cho thấy VN đã thực sự bước vào “thời” của mặt hàng này.

Trong khi đó, Mỹ vẫn được coi là thị trường lớn nhất, đặc biệt là về các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, tiếp theo là thị trường Tây Âu và Nhật Bản. Tại các quốc gia phát triển này, việc sử dụng thực phẩm chức năng của người dân để tự bảo vệ sức khỏe ngày càng gia tăng, thậm chí khoảng 70% dân số Mỹ đã sử dụng thường xuyên.

Bộ trưởng cũng dùng

Đây là ân huệ của thế kỷ 21 đối với sức khỏe người tiêu dùng hay trò lang băm là câu trả lời của nhà quản lý. Đừng để nó trở thành lang băm

PGS-TS Lê Văn Truyền nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Tại VN, bằng nhiều kênh phân phối khác nhau, thực phẩm chức năng đã âm ỉ đi vào đời sống người dân từ hàng chục năm qua. Trong giai đoạn 2011 đến 2013 thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Tính đến cuối 2012, gần như cả ngành dược VN đã nhảy vào lĩnh vực này, với con số công bố chính thức là 1.781 doanh nghiệp tham gia sản xuất. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý đã bộc lộ khiến thị trường càng trở nên hỗn loạn.

Phát biểu tại hội thảo hôm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao vai trò phòng bệnh của thực phẩm chức năng và không giấu giếm “bản thân chúng tôi một ngày cũng sử dụng 3 đến 4 loại”. Bà cho rằng trước thực trạng hiện nay, cần phải ban hành chính sách quản lý kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng phát triển lành mạnh, vì đây cũng là nguồn thu lớn của đất nước.

“Chúng ta biết rằng rất nhiều người đi du lịch, đi công tác mỗi chuyến ra nước ngoài mang về có lẽ cũng khoảng một thùng quà là thực phẩm chức năng. Vậy tại sao VN với nguồn nguyên liệu phong phú và với rất nhiều nhà máy dược phẩm đã đạt tiêu chuẩn, cũng như sản xuất dược liệu chúng ta không phát triển ngành thực phẩm chức năng lên ngang tầm với các nước trong khu vực để phục vụ chính sức khỏe của nhân dân và cũng là nguồn xuất khẩu tốt”, Bộ trưởng mở ra vấn đề cho hội thảo.

3 loại người

5 lý do bùng nổ

PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, trước khi phân tích khái quát tình hình quản lý của các nước trên thế giới để đề xuất phương án cho VN cũng đã chỉ rõ “chủ yếu xã hội công nghiệp đòi hỏi người dân phải bổ sung thực phẩm chức năng hằng ngày”.

Chuyên gia cao cấp dược học này đồng thời nêu 5 nguyên nhân khiến thị trường thực phẩm chức năng bùng phát, bao gồm: Thứ nhất là sự bùng nổ các bệnh của xã hội công nghiệp và ô nhiễm môi trường. Thứ hai, người tiêu dùng đang hướng về một lối sống lành mạnh, quan tâm hơn đến các sản phẩm thiên nhiên và các biện pháp phòng bệnh. Thứ ba, công chúng ngày càng quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa thực phẩm, chế độ dinh dưỡng và sức khỏe. Thứ tư, nhận thức về tầm quan trọng tự bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. Thứ năm, những kết quả nghiên cứu khoa học về lợi ích của rau quả, ngũ cốc trong phòng bệnh, các chất chống ô xy hóa và các hợp chất toàn phần của thực vật có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng người tiêu dùng ngày nay đã nhận thức rất rõ việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Nếu để cho bệnh xuất hiện và chữa bệnh thì chi phí lớn hơn nhiều so với phòng bệnh”, ông nói.

Tại hội thảo, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN khi “xin nói một chút về mối liên quan giữa dịch bệnh mạn tính và thực phẩm chức năng” đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh về “cơn thủy triều dịch bệnh” hết sức bất ngờ.

Ông chia “3 loại người” và nói thẳng chỉ có “người khôn” mới biết lo phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cuộc sống còn “người ngu” cứ tiếp tục duy trì những thói hư tật xấu để tự gây bệnh và “người dốt” thì thụ động nằm chờ bệnh ập đến mới đi khám, đi chạy chữa.

Đặc biệt khi phân tích nguy cơ mắc bệnh mạn tính, ông Đáng đã nhấn mạnh các nguy cơ của bệnh tim mạch mà trong đó kẻ thù mới chính là “gốc tự do”. “Được hình thành trong quá trình con người ăn uống nhưng gốc tự do lại sinh ra ung thư, lão hóa, tim mạch, tiểu đường, huyết áp... hầu như rất nhiều các bệnh mạn tính”, ông Đáng nói và lưu ý thêm “một vấn đề xã hội đang nảy sinh ra mà chúng ta chưa chú ý đó là ăn mặc, đặc biệt là chị em phụ nữ”. Ông kể: “Ba mùa hè nay Hà Nội sản xuất ra loại áo trùm kín người. Quan sát ngoài đường thấy chị em giống như là các ninja phòng chống chiến tranh hóa học. Tôi bảo các em ơi sớm muộn các em cũng bị ung thư vú. Bởi vì chúng ta biết là phải có ánh sáng tự nhiên chiếu vào da thì mới tạo ra vitamin D. Bây giờ kín hết thì lấy đâu vitamin D. Thế nhưng nếu chị em biết, ta mặc kín như thế tối bổ sung thực phẩm chức năng bổ sung thì không sao”. Ông cảnh báo: “Yếu tố loãng xương, tổn thương não, tổn thương gan, chức năng sinh dục... ta đừng có coi thường nhé”.

Tất nhiên, người tiêu dùng đã tìm đến thực phẩm chức năng khi đối mặt với các nguy cơ bệnh tật như thế.

“Ân huệ hay lang băm”

Thay mặt Cục An toàn thực phẩm trình bày tham luận về định hướng phát triển thực phẩm chức năng, Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhìn nhận đây là loại sản phẩm tương đối mới. “Tốc độ phát triển quá nhanh trong khi các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra, truyền thông đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng còn hạn chế. Việc kiểm nghiệm còn khó khăn trong định hàm định lượng. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý quảng cáo chưa hiệu quả”, ông Phong cho biết. Để tránh trường hợp người tiêu dùng “đau ở chân nhưng bồi bổ ở đầu”, bên cạnh việc tiếp tục ban hành những văn bản quy định phù hợp thực tiễn, ông Phong đề nghị thay vì ngăn cấm như hiện nay, cần khuyến khích sự tư vấn của cán bộ y tế để người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng.

PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khi phân tích “quy định về quản lý nhãn và công bố lợi ích sức khỏe” đối với thực phẩm chức năng của các nước trên thế giới cũng chỉ rõ bất cập ở VN hiện nay là nhiều nhà sản xuất “công bố trên nhãn rất nhiều từ khó hiểu, đưa người tiêu dùng vào ma trận”. “Đây là một vấn đề mà nhà quản lý phải lưu ý, ông nói.

Tâm đắc với định hướng của người đứng đầu ngành y tế về việc “phát triển thực phẩm chức năng trên nền tảng y học cổ truyền”, PGS Truyền cũng cảnh báo việc cạnh tranh khốc liệt hiện nay làm rối thị trường đòi hỏi nhà quản lý phải nhanh chóng có giải pháp mạnh. “Đây là ân huệ của thế kỷ 21 đối với sức khỏe người tiêu dùng hay trò lang băm là câu trả lời của nhà quản lý. Đừng để nó trở thành lang băm”, PGS lưu ý.

Võ Khối (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.