Trao đổi với DĐDN, ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc FinanceX cho rằng, sau thương vụ M&A giữa Samsung và CMC, thị trường công nghệ số Việt Nam sẽ thực sự bùng nổ hơn nữa.

Samsung vừa quyết định chi hơn 40 triệu USD để mua 30% cổ phần Công ty CMC nhằm cùng hợp tác phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

- Thưa ông, thương vụ M&A giữa Samsung và CMC sẽ tác động như thế nào đến thị trường công nghệ số VN?

Trên thực tế, không cần đợi đến khi Samsung mua 30% cổ phần của CMC, mà trước đó IoT hay AI đã được nhen nhóm để tạo thành xu hướng công nghệ mới tại Việt Nam.

Việc Samsung đầu tư vào CMC thể hiện rằng thị trường công nghệ số của Việt Nam đầy tiềm năng cũng như chứng minh tầm vóc, năng lực của các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam là không hề kém.

Việt Nam vốn nằm trong Top 3 thị trường gia công phần mềm lớn trên thế giới cùng với Ấn độ, Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, sau thương vụ nói trên, thì thị trường công nghệ số trong nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều cả về lượng và chất.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, tính cạnh tranh hiện tại trên thị trường công nghệ số là rất cao. Riêng với mảng IoT và AI, thì thực tế ứng dụng tại Việt Nam chưa lớn. Trong khi, các sản phẩm công nghệ do chính người Việt phát triển còn khá hạn chế, chúng ta vẫn phải nhập khẩu các nền tảng công nghệ từ nước ngoài.

- Vậy theo ông, Việt Nam cần có giải pháp gì để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển AI và IoT?

Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận ở cái gốc của vấn đề, đó là tư duy về nền tảng, tính hệ thống, hệ sinh thái và tập dữ liệu của chúng ta còn khá yếu. Trên thực tế, AI hay IoT rất cần đến Big Data và công nghệ số, trong khi vấn đề chuyển đổi số thực sự là những thách thức mà chúng ta chưa vượt qua được.

Để phát triển AI và IoT trong nước, thì Chính phủ và các Bộ, ngành cần thực hiện những giải pháp chính sau đây:

Thứ nhất, cần xây dựng và phát triển các hệ sinh thái quản trị và khởi nghiệp. Dù hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng vẫn thiếu tính định hướng và hiệu quả thực tế.

Thứ hai, IoT không thể hoạt động nếu cơ sở hạ tầng yếu kém. Chẳng hạn, trên các phố phường Việt Nam, địa chỉ nhà rất lung tung, không thể định vị chính xác… Vì vậy, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là rất cần thiết để tạo nền tảng quan trọng cho hệ sinh thái IoT và AI sau này.

Thứ ba, cần xây dựng nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp tiêu thụ ứng dụng sản phẩm và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm IoT và AI. Vì vậy, Chính phủ cần có định hướng giúp doanh nghiệp và startup đến được với nhau.

Thứ tư, khoa học cơ bản của Việt Nam rất yếu, trong khi với AI thì lại càng cần đến các tri thức cơ bản và chuyên sâu như Toán ứng dụng… Trên thực tế, các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam chủ yếu giải quyết những bài toán phần ngọn, vì hệ thống giáo dục của chúng ta thiếu bài bản. Vì vậy, cần sớm thay đổi phương pháp giáo dục đào tạo để phù hợp xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Long - Ngọc Diễm (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.