Nếu Hy Lạp bị buộc rời khỏi khu vực đồng tiền chung, các nước sẽ đi theo và khối này sẽ tan vỡ, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Yanis Varoufakis hôm qua cho biết.

Đảng cánh tả mới tại Hy Lạp đang cố đàm phán về thanh toán nợ và đã bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng từng đồng ý với các chủ nợ quốc tế. Trong cuộc phỏng vấn hôm qua với kênh truyền hình quốc gia Italy - RAI, ông Varoufakis còn cho biết các vấn đề nợ của Hy Lạp cần được giải quyết cùng tiến trình gỡ bỏ thắt lưng buộc bụng tại eurozone nói chung. Ông cũng kêu gọi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) thực hiện một chương trình đầu tư mới trên quy mô lớn.

"Khu vực đồng euro đang rất mong manh. Giống như anh xây lâu đài bằng các quân bài vậy. Nếu rút quân Hy Lạp ra, các quân khác sẽ rơi xuống theo", Varoufakis nói.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Yanis Varoufakis. Ảnh: Reuters

Khu vực eurozone đang đối mặt với nguy cơ tan vỡ, trừ phi chấp nhận sự thật rằng không chỉ Hy Lạp, mà nhiều nước khác cũng không thể trả nợ theo các điều khoản hiện tại.

"Tôi muốn cảnh báo tất cả những người muốn đá Hy Lạp khỏi eurozone, vì việc này rất nguy hiểm. Ai sẽ là cái tên kế tiếp? Bồ Đào Nha? Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu Italy nhận ra họ không thể tiếp tục thắt lưng buộc bụng được nữa?", ông nói.

Trong chuyến thăm Rome (Italy) tuần trước, Varoufakis và Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ Italy với tuyên bố tái đàm phán nợ. Tuy nhiên, Varoufakis tiết lộ sự thật đằng sau rất khác.

"Các quan chức Italy nói rằng họ ủng hộ chúng tôi. Nhưng họ không thể nói ra sự thật rằng chính Italy cũng đang gặp rủi ro vỡ nợ và rất sợ phản ứng từ Đức. Hãy đối mặt với nó đi, tình hình của Italy cũng chẳng bền vững chút nào đâu", ông cho biết.

Theo Reuters, phát ngôn này đã khiến Bộ trưởng Kinh tế Italy - Pier Carlo Padoan không hài lòng. Ông cho biết tình trạng nợ của Italy "vẫn rất ổn định" và cho biết nhận xét của Varoufakis là "không thích hợp". Do Italy cũng đang cùng châu Âu tìm cách giải quyết cho vấn đề của Hy Lạp, và việc này đòi hỏi "tin tưởng lẫn nhau".

Nợ công của Italy hiện lớn nhì eurozone, sau Hy Lạp. Lãi suất trái phiếu nước này đã đạt đỉnh năm 2011 trong cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro. Sau đó, lãi này dần đi xuống và đến nay vẫn chịu rất ít tác động từ căng thẳng tại Hy Lạp.

Varoufakis cho biết Chính phủ Hy Lạp sẽ đề xuất một "thỏa thuận mới" với châu Âu. Việc này sẽ cần sự vào cuộc của EIB với khoản đầu tư gấp 10 hiện nay.

Nếu châu Âu tiếp tục theo đuổi các chính sách thắt lưng buộc bụng, người duy nhất hưởng lợi sẽ là "những kẻ ghét nền dân chủ tại châu Âu", như đảng Golden Dawn ở Hy Lạp, National Front ở Pháp và UK Independence ở Anh.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.