Amy Hoy thành lập công ty phần mềm dịch vụ (SaaS) Freckle Time Tracking hồi năm 2009. Đến 2015, Công ty đạt tổng doanh thu 625.000 USD. 7 năm qua là một hành trình đầy vất vả với nữ doanh nhân này, bao gồm cả không ít lần thất bại.
“Đó là những con số khả quan mà chúng tôi có được, dù không dễ dàng”, Amy cho biết, "Đó cũng là sản phẩm khiến tôi mệt mỏi và căng thẳng rất nhiều. Nếu có cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ startup, song bằng một cách khác, để hành trình này thú vị và hạnh phúc hơn".
"Cách khác" của nữ doanh nhân Amy Hoy là gì? Trong bài chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trên trang Tech in Asia, Amy Hoy nói rằng có một số điều mà cô ước gì cô biết được trước khi startup.
Những bài học rút ra từ trải nghiệm thực tế của Amy Hoy sẽ giúp bạn có một hành trình lập nghiệp thú vị và hạnh phúc hơn.
1. Khó khăn luôn luôn còn ở phía trước
“Khúc cua” là khái niệm chỉ những giới hạn, khó khăn cản trở trên hành trình của bạn. Ngay sau khi bạn vượt qua được một khúc cua, sẽ luôn luôn có một khúc cua khác chờ đợi bạn. Ví dụ, bạn luôn thiếu thời gian và doanh thu để phát triển đội nhóm. Tuy nhiên, việc phát triển đội nhóm có thể giúp bạn có thêm thời gian và doanh thu để làm startup lớn mạnh hơn. Đó là những "khúc cua" mà bạn phải vượt qua.
Bạn sẽ thường xuyên gặp những vấn đề phức tạp như thế này trong suốt quá trình startup: Cố gắng giữ ổn định nội bộ công ty để tiết kiệm tiền cùng lúc với việc thôi thúc bộ phận bán hàng kiếm tiền; vừa thử nghiệm cái mới và chấp nhận thất bại vừa phải tiếp tục làm những việc đang làm một cách hiệu quả nhất...
Trong suốt 8 năm, rất nhiều lần tôi đã tự nhủ rằng "Chỉ cần vượt qua được khúc cua này, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”. Khi bạn vượt qua được một khó khăn là lúc bạn trở nên mạnh mẽ hơn trước đó. Tuy nhiên, bạn cũng phải chấp nhận thực tế rằng, nếu bạn không đóng cửa startup thì đó không phải là thử thách cuối cùng. Bạn sẽ phải luôn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn bởi chúng luôn ở rất gần bạn.
Bạn không chỉ cần doanh thu mà còn là sự tự chủ và phát triển bản nhân. Để có kết quả tốt hơn, bạn phải căng mình ra để sẵn sàng đón nhận khó khăn và vượt qua nó.
Tôi ước gì tôi biết được điều này một cách sâu sắc hơn trước khi khởi nghiệp để giảm bớt sự căng thẳng, để tập trung vào những điều quan trọng, làm việc một cách thanh thản hơn. Nhờ vậy, tôi có thể an ủi mình mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại, bởi đó là khi tôi có cơi hội đầu tư cho tư duy của mình. Và bây giờ, khi hiểu ra điều đó, tôi cảm thấy mọi thứ đã dễ dàng hơn.
2. Vấn đề nhân sự luôn khó khăn
Mỗi người là sự tổng hòa của những yếu tố rất phức tạp như: nhu cầu, sự mong ước, mưu mẹo, điểm yếu, niềm tin, thói quen, thế giới quan… Con người là phần khó khăn nhất của bất cứ doanh nghiệp (DN) nào. Những khách hàng khó tính nhất vẫn không thể gây khó khăn cho bạn bằng chính nhân sự của công ty.
Những nhân viên của công ty, các đội nhóm mà bạn thuê ngoài đều là những người “sát sườn” với bạn, có thể tác động đến những điểm yếu nhất của bạn và DN. Do đó, bạn cần thận trọng trong việc thuê nhân viên, giám sát các nhà thầu.
Là chủ một startup, công việc của bạn khó khăn hơn nhiều so với việc bán hàng hay phục vụ khách hàng. Nếu có thể làm việc với đúng người, đó là một may mắn để tất cả cùng học hỏi và phát triển, thế nhưng trên thực tế, bạn cần tốn nhiều tiền bạc và thời gian để tìm được đúng người như vậy. Bạn cũng cần nỗ lực và cân bằng các yếu tố tài chính, thời gian, năng lượng và cảm xúc.
Cho đến bây giờ, vấn đề nhân sự vẫn là thứ căng thẳng nhất trong DN của tôi. Nếu tôi hiểu vấn đề con người phức tạp như vậy, tôi đã không xây dựng thêm một công ty startup khác bởi vì nó đòi hỏi một đội nhóm khác. Và nhờ vậy, tôi đã không phải đóng cửa nó, tiết kiệm được hàng tấn thời gian, tiền bạc và cơ hội để tập trung phát triển những gì đang có.
3. "Tỷ lệ vàng": 90% marketing - 10% sản phẩm
Sản phẩm startup dù tốt đến đâu cũng sẽ chết nếu không có khách hàng. Do đó, bạn không nên chỉ miệt mài xây dựng sản phẩm mà không marketing, bán hàng. Một số nguyên tắc bạn cần nhớ:
- Mọi tính năng đều vô nghĩa nếu bạn không có khách hàng
- Thà để mất một số khách hàng vì sản phẩm thiếu một tính năng nào đó hơn là mất hàng tháng để xây dựng một tính năng mà có người hứa hẹn rằng họ sẽ "sign up" vì tính năng đó.
Tôi kiểm soát chặt chẽ danh sách các tính năng trong một thời gian dài, thế nhưng chúng tôi đã mắc sai lầm khi sa đà vào xây dựng những tính năng không quan trọng, trong khi đó lại thực hiện không đủ nhanh những tính năng thực sự cần thiết. Do đó, chúng tôi không có bất cứ điểm nổi bật nào để làm marketing.
Bạn nên xây dựng những tính năng mới mà các khách hàng lý tưởng của bạn thật sự cần. Đó sẽ là thứ giúp bạn tìm kiếm khách hàng lớn hơn và giữ chân họ. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng những tính năng mới không giúp bạn bán được nhiều sản phẩm hơn. Mọi tính năng dù tốt và hấp dẫn đến đâu chỉ có giá trị khi người dùng đăng ký và bắt đầu sử dụng, trải nghiệm. Vì thế, bạn nên đầu tư cho marketing thay vì chỉ chăm chú xây dựng sản phẩm.
4. Tập trung vào khách hàng tốt nhất
Khách hàng lý tưởng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Vì vậy, bạn cần phân biệt được khách hàng và khách hàng lý tưởng.
Khách hàng lý tưởng có những đặc điểm sau: Sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm của bạn, có thể đòi hỏi những điều mới nhưng họ cũng thực sự hài lòng vì những thứ đang có và trân trọng chúng, họ ít đòi hỏi bạn hỗ trợ hơn, họ sẽ là khách hàng lâu dài. Và đó cũng là nguồn tiếp thị truyền miệng để sản phẩm của bạn được truyền bá.
Nhưng thật không may, khi bạn nhận ra đâu là khách hàng tốt nhất thì họ đã vừa đóng tài khoản, sau một thời gian trả cho bạn vài ngàn USD mà không hề nhận được bất cứ liên lạc, trợ giúp hay ưu đãi gì từ bạn. Bạn không nhận ra họ bởi vì họ chỉ lặng lẽ sử dụng sản phẩm của bạn mà không phàn nàn gì, cho đến khi họ rời bỏ bạn.
Ngược lại, những khách hàng khác lại thường xuyên đòi hỏi, yêu cầu bạn hỗ trợ trong khi muốn trả ít tiền hơn. Họ là những khách hàng không lý tưởng nhưng khá ổn, tuy nhiên, nếu bạn có quá nhiều khách hàng này thì đó là một mối nguy hại.
Tôi lãng phí 6 năm đầu để tập trung vào những khách hàng thông thường vậy. Tôi sử dụng nhiều Freeleancer và tốn rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề của những khách hàng do đội ngũ này hỗ trợ. Và đó là một sai lầm.
Sau đó tôi tập trung 100% thời gian và công sức hướng đến khách hàng lý tưởng, từ xây dựng sản phẩm đến quy trình bán hàng, và chúng tôi đạt được những kết quả rất tốt như xây dựng được đội ngũ tốt, tìm được những agency và dịch vụ chuyên nghiệp. Những dịch vụ tốt khiến khách hàng lý tưởng trả tiền cho bạn nhiều hơn, ở lại lâu hơn. Và khi họ hạnh phúc, bạn cũng sẽ hạnh phúc.
5. Chia nhỏ sự tập trung là thất bại
Khi startup, tôi nghĩ rằng có thể đảm nhận vai trò làm mẹ, làm vợ khi dành thời gian cho gia đình, ăn uống, cắm trại, đi du lịch… song song với việc xây dựng công ty. Sau đó, tôi nhận ra tôi không làm được bất cứ thứ gì đàng hoàng cả. Tôi chỉ có thể tập trung vào công việc thôi.
Trong công việc cũng vậy, tôi không thể thiết kế hết mọi thứ, mặc dù tham vọng ban đầu của tôi là như vậy. Bạn cần nhớ, chia nhỏ sự tập trung là thất bại.
Thời gian và năng lượng của bạn là có hạn, bạn không thể làm mọi thứ bạn muốn. Do đó, hãy chuẩn bị năng lượng để đầu tư vào khách hàng lý tưởng, từ đó tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Tăng Khánh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.