Cập nhật 24/05/2014 10:20 PM
Bán cổ phiếu cho Trần Đình Long (bầu Long) đã khiến bầu Kiên bị truy tố. Dù bầu Long nói ngược lại lời khai của mình song bầu Kiên không ngừng nhắc đến tình bạn giữa hai người và nói: “Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”.
Hình ảnh bầu Kiên (trái) và bầu Long sáng 24-5 - Ảnh chụp qua màn hình
Sáng 24-5, phiên xét xử bầu Kiên và đồng phạm bước sang ngày thứ 5. Các luật sư bắt đầu phần hỏi các bị cáo cùng người liên quan để tập trung làm rõ trách nhiệm về khoản tiền 718 tỉ đồng mà 19 nhân viên của ACB gửi sang Vietinbank, đồng thời cũng tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát- được làng thể thao thường gọi là bầu Long.
Theo cáo trạng, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng.
Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.
ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để ông ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỉ đồng.
Tại toà trước đó, bầu Kiên cho rằng, những người ở Tập đoàn Hoà Phát "đều biết rõ số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB. Việc này có kế toán trưởng của tôi là Nguyễn Thị Hải Yến làm chứng. Tôi với anh Dương là bạn bè, tôi không đổ trách nhiệm cho anh Dương. Chúng tôi ăn cơm với nhau hằng ngày trong 10 năm trời. Việc Tập đoàn Hòa Phát có biết hay không, tôi nghĩ anh Long, anh Dương rất rõ".
Bầu Kiên cũng khai: “Anh Long nhiều lần nói với tôi muốn cơ cấu lại cổ phần của công ty Thép Hòa Phát. Tôi không muốn bán cổ phần của ACBI. Sau đó anh Long nhờ tôi giúp đỡ, muốn mua lại cổ phần từ công ty tôi. Tôi và anh Long thống nhất với nhau sẽ hoán đổi cổ phiếu. Anh Long nói tôi xác định giá, tôi giao việc này cho Nguyễn Thị Hải Yến”
Tuy nhiên, khi được tòa hỏi, bầu Long đã chối bỏ, nói rằng không biết số cổ phiếu trên đang bị thế chấp. Bầu Long giải thích mói quan hệ của mình: “Tôi và anh Kiên quen biết nhau từ năm 2001, qua việc có cùng sở thích bóng đá. Chính tôi là người đứng ra tiến hành đàm phán về giá cả để mua số cổ phần này”.
Trước toà hôm nay, được Luật sư Bùi Quang Nghiêm hỏi, bầu Long thừa nhận: “Xin trả lời cho rõ một lần. Lời khai của anh Kiên là đúng. Bên Hoà Phát muốn thoái vốn, bên anh Kiên đồng ý bán. Chủ trương này là đúng, chính xác. Chủ trương là tôi và anh Kiên đã thống nhất. Quá trình thực hiện là công ty ở dưới thực hiện”.
Bầu Long (ảnh) và bầu Kiên được làng bóng biết đến là 1 đôi bạn thân - Ảnh chụp qua màn hình
Luật sư Nghiêm quay sang hỏi vấn đề này với bầu Kiên, bị cáo Kiên trả lời: "Tôi không quan tâm nhiều đến việc thanh toán. Tôi với anh Long là bạn bè, chúng tôi là 2 chủ tịch của 2 tập đoàn rất lớn. Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”. Tuy nhiên, việc trình bày của bị cáo Kiên bị HĐXX cắt ngang và cho rằng, sẽ đưa lại trong phần tranh luận.
Đến 24-5, khi được Luật sư hỏi, đại diện của công ty TNHH Thép Hòa Phát cho biết, số tiền 264 tỉ đồng để mua 20 triệu cổ phiếu thép Hòa Phát đã được nhận lại từ cơ quan điều tra.
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh hỏi đại diện Thép Hoà Phát thì người trực tiếp ký kết hợp đồng 20 triệu cổ phần từ ACB cho biết, ông không biết bị cáo Thanh (Trần Ngọc Thanh, nguyên giám đốc ACBI), bị cáo Yến lẫn bầu Kiên.
Luật sư vặn lại: “Anh nói không biết anh Thanh, vậy thực hiện giao kết, ký kết hợp đồng với anh Thanh như thế nào?” thì đại diện này trả lời: “Ban pháp chế đã soạn hợp đồng và giao cho tôi ký thực hiện” đồng thời giải thích thêm: “Công ty tôi rất lớn, hàng ngày tôi ký nhiều hợp đồng, có nhiều hợp đồng to hơn thế nên tôi không để ý hết”.
Cũng trong phiên toà sáng nay 24-5, các luật sư tiếp tục tập trung làm rõ trách nhiệm về khoản tiền 718 tỉ đồng.
Để làm rõ, các luật sư đặt ra hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề liên quan song vị này đều chống chế, không trả lời hoặc né tránh. Đến lượt mình, Huỳnh Thị Huyền Như cũng từ chối trả lời vì cho rằng đã khai hết với cơ quan điều tra.
Còn bầu Kiên tiếp tục đề nghị kiểm tra hệ thống phần mềm của Vietinbank sẽ thấy các khoản tiền từ ACB chuyển sang Vietinbank. Theo bầu Kiên, hợp đồng giữa các nhân viên ký với Vietinbank thì Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thừa nhận với các luật sư, đại diện Vietinbank cũng cho biết, 32 hợp đồng uỷ thác vào Vietinbank, trong đó có 19 hợp đồng của ACB đều bình thường, đúng quy định. Đại diện Vietinbank tiếp tục cho rằng, các khoản tiền Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt nên ngân hàng này không chịu trách nhiệm.
Sáng thứ 2, ngày 26-5, phiên toà tiếp tục.
Nguyễn Quyết (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….