CafeLand - Câu trả lời là không, bởi lẽ họ chỉ tạo ra những công ty thành công bằng cách thu hút về mình sự sáng tạo đích thực vượt lên trên thị trường.

Bạn có thể gọi bộ tứ quyền lực gồm các CEO của Amazon, Apple, Google, và Facebook bằng bất kỳ cái tên nào, trừ là những nhà đổi mới. Đơn giản bởi đó không phải bản chất của họ.

Tất cả bốn CEO nói trên đều muốn thế giới tin rằng họ là những tấm gương điển hình về những lãnh đạo sử dụng sự sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận. Nhưng trên thực tế, thành tích của họ với vai trò là những nhà đổi mới lại vô cùng nhỏ bé.

Jeff Bezos không phát minh ra việc đặt hàng trực tuyến hoặc giao hàng tại nhà. Điều đúng nhất mà chúng ta có thể nói là Bezos nhạy bén trong việc tận dụng các nhà xuất bản sách giấy thủa đầu thành lập công ty (những người đặc biệt mù mờ về công nghệ) và sẵn sàng bắt chẹt các đối tác sau đó.

Thời kỳ đổi mới của Apple đã dừng lại khi Tim Cook tiếp quản quyền lực từ Steve Jobs. Sản phẩm mới duy nhất mà Apple cho ra đời kể từ thời điểm chuyển giao là Apple Watch thì vốn đã trong giai đoạn phát triển khi Jobs qua đời.

Google dưới thời Sundar Pichai vẫn giống hệt như dưới thời Larry Page, tức là một công ty với hai mũi nhọn chính gồm công cụ tìm kiếm (hãy nhìn lại lịch sử, các công cụ tìm kiếm khác có trước Google nhiều năm) và nền tảng xem và tải video Youtube (mà Google mua lại chứ không phải phát minh ra).

Còn Mark Zuckerberg thì được cho là sao chép ý tưởng để tạo ra Facebook từ các nền tảng mạng xã hội đã có. Vào thời kỳ sơ khai của Facebook, MySpace đã là "bá chủ thế giới" với lượng người dùng khổng lồ và ổn định. Các tính năng bổ sung của Facebook cũng được coi là “chiếm đoạt” từ các công ty khác hoặc mua lại thông qua các thương vụ sáp nhập.

Lợi nhuận và tăng trưởng của các ông lớn công nghệ này hầu như chỉ đến từ lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Họ đủ lớn để siết chặt chuỗi cung ứng và nhà cung cấp, cũng như đủ giàu để tóm gọn và tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Cách thức tàn nhẫn này, tuy vậy, lại giúp họ hoạt động hiệu quả và vượt lên trên các công ty nguyên bản.

Theo một bài báo gần đây trên Harvard Business Review có tựa đề “Cái giá của tính hiệu quả”, thì hiệu quả thực sự là kẻ thù của sự đổi mới. Rõ ràng là hiệu quả tạo ra sự tập trung lợi nhuận và quyền lực, từ đó cho ra đời một hoặc hai công ty đứng đầu trong mỗi ngành hoặc một phân khúc thị trường. Chính những kẻ bá chủ này sau đó lại giết chết các công ty sáng tạo.

Google, Amazon, Apple và Facebook hoàn toàn thống trị các thị trường của họ đến mức không có sự đổi mới nào có thể phá vỡ hoặc thay thế họ. Ngược lại, bất kỳ công ty khởi nghiệp nào đe dọa sự thống trị của họ đều bị mua lại hoặc buộc phải tan rã.

Để chứng minh, hãy thử nghĩ xem lần cuối cùng bạn thấy một sản phẩm công nghệ sáng tạo thực sự thành công là khi nào? Ví dụ gần đây nhất là TikTok, nhưng nền tảng này cũng đang bị cấm tại nhiều quốc gia do các lùm xùm về thu thập thông tin người dùng và có thể sẽ bị Microsoft hoặc Twitter mua lại hoạt động ở một số thị trường.

Vì vậy, thật ngạc nhiên khi bốn CEO này vẫn được coi là hình mẫu để các nhà lãnh đạo khởi nghiệp học theo với ước mơ mang lại thành công cho công ty của mình. Thực sự thì họ chỉ đang điều hành những công ty vẫn kiếm bộn tiền dù chưa làm tốt các mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Bởi vì thứ giúp họ làm được điều đó không phải sự đổi mới, đó là sự độc quyền.

Lam Vy (INC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.