“Bầu Kiên” sắp ra tòa! Con người chém gió lộng ngôn trong vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá hóa ra lại là kẻ thao túng hàng loạt ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, giờ đã ngã ngựa theo quy luật “sinh nghề tử nghiệp”.
Câu hỏi lớn chưa lời đáp là vì sao “bầu Kiên” làm được như vậy?
Kết luận điều tra về bầu Kiên được đăng báo cho biết ông ta đã có một chữ T với đầy đủ uy quyền của đồng tiền. Lách qua những quy định ngặt nghèo của Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng một cách ngoạn mục, bầu Kiên đã thực hiện được hàng loạt mưu đồ với các thủ đoạn bất chính để làm ăn. Lúc rảnh rang, bầu Kiên ra sân và chém gió.
Nguyễn Đức Kiên (X) và một số bị can trong vụ án
Bây giờ đã hé lộ rằng ông ta đã được sự che chắn, cộng tác cúc cung tận tụy của một số người, trong đó có cả ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng, nguyên CTHĐQT cái ngân hàng ACB to đùng to đoàng.
Đây là những nhân vật từng có cương vị quản lý cao, giầu có sang trọng và vẫn khát tiền. Vì vậy họ sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của bầu Kiên. Nói như ngôn ngữ của nhà văn, họ cam tâm bán mình cho quỷ dữ vì tiền. Có một chữ T khiến họ bán rẻ cả uy tín, danh dự.
Hãy nghe bầu Kiên ngạo mạn như sau: “Tôi không tham gia gì trong Hội đồng Quản trị, tôi nói nhăng, nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”, hoặc “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng Sáng lập đã được quy định trong quy chế của Hội đồng Sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường, cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng Quản trị”.
Bạn đọc sẽ băn khoăn không biết ông Trần Xuân Giá có suy nghĩ như thế nào về tuyên ngôn của bầu Kiên trong lúc ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng ACB. Bó thân vì lụy đồng tiền, đồng sự ngơ ngác có phiền lòng không?
Thế mới thấy cụ Nguyễn Du thực đại tài khi viết cách nay mấy trăm năm: Trăm điều khốc hại chẳng qua vì tiền. Nay trong kinh tế thị trường tiền vẫn là Tiên là Phật.
Vào tháng 3-2010, khi Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, có ý kiến đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền dân gửi vì lúc đó, ACB huy động được nhiều tiền, nhưng lại không cho vay được mà cứ phải trả lãi. Phớt lờ ý kiến này, bầu Kiên nói gọn lỏn “làm gì thì làm, nhưng không được giảm tổng tài sản của ACB”. Và thế là, Hội đồng Quản trị nhắm mắt làm theo mệnh lệnh của bầu Kiên.
Đây là thời kỳ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định, thông tư về cơ chế điều hành lãi suất và trần lãi suất. Như vậy, chứng tỏ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh giác trước khả năng các ngân hàng “xé rào” trong việc huy động tiền gửi, bằng cách đẩy lãi suất lên cao và ngăn chặn việc ngân hàng này mang tiền đi gửi ngân hàng khác để ăn chênh lệch lãi suất. Nhưng 26 ngân hàng lớn bé vẫn nhận tiền gửi của các nhân viên Ngân hàng ACB. Việc HĐQT ngân hàng ACB cho nhân viên lấy tiền đem đi gửi các ngân hàng hàng khác với lãi suất vượt trần quy định đã gây nên một chạy đua “lãi suất” ầm ĩ. Số tiền lãi mà ACB gửi ở các ngân hàng này lên đến hơn 4.022 tỉ đồng. Không hiểu rồi tới đây, công tác điều tra sẽ cho thấy khoảng tối của các ngân hàng này.
Vụ án bầu Kiên minh chứng cho sức mạnh đồng tiền trong một nền kinh tế thị trường làm đảo lộn nhiều giá trị đạo đức của con người và xã hội, làm nảy nòi ra những “bầu Kiên” . Có một chữ T mà ghê gớm quá!
Bảo Dân (Theo Công lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.