Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển tỏ ra lạc quan dù phải nhận lại "cục nợ" Bianfishco từ Habubank bởi ông tin có đủ cơ sở thu hồi nợ. Ngoài công ty này, Habubank còn nhiều con nợ "đại gia" khác, trong đó có Vinashin.

Sau khi nhận sáp nhập Habubank, Ngân hàng SHB do ông Đỗ Quang Hiển (người từng biến đến với cái tên bầu Hiển) làm chủ tịch sẽ phải "cáng đáng" thêm khoản nợ lớn của Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco). Habubank từng đầu tư vào Bianfishco và tổng cộng các khoản vốn đầu tư là 39 triệu cổ phần, tương đương 78% vốn diều lệ của Bianfishco.

Để danh chính ngôn thuận giải cứu Bianfishco, bầu Hiển sẽ vấp phải nhiều thử thách liên quan đển cổ phần của bà Diệu Hiền.

Trả lời VnExpress.net về việc việc SHB tham gia chủ trì giải cứu Bianfishco, ông Đỗ Quang Hiển cho rằng Bianfishco là doanh nghiệp có nhiều lợi thế. "Lý do chúng tôi nhảy vào Bianfishco một phần là vì xử lý nợ của Habubank nhưng một phần nhằm mục đích đầu tư, thu hồi lại nợ. Tôi cũng xin thông tin với các bạn rằng hiện nay, một số đối tác nước ngoài và các quỹ đầu tư ngoại cũng muốn nhảy vào mua Thủy sản Bình An", bầu Hiển cho biết.

Theo người đứng đầu Ngân hàng SHB, Bianfishco có rất nhiều lợi thế bởi đây là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quy mô lớn, lại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam. Bầu Hiển đánh giá Bianfishco có sẵn thị trường đầu ra tốt bởi họ có được giấy phép xuất khẩu của Mỹ. Khi tham gia giải cứu Bianfishco, mục tiêu của Ngân hàng SHB là cứu doanh nghiệp để cứu chính bản thân SHB. "Cứu được doanh nghiệp thì sẽ cứu được chúng ta, khi đó, SHB cũng thu hồi được nợ", ông Đỗ Quang Hiển giải thích.

Tuy nhiên, việc SHB được "danh chính ngôn thuận" chủ trì cuộc giải cứu này vẫn là một thử thách lớn bởi những lùm xùm quanh cổ phần của nữ đại gia Diệu Hiền vẫn chưa kết thúc. Hiện SHB vẫn chưa chính thức là cổ đông lớn của Bianfishco do phải chờ sự cho phép của quá nhiều ngân hàng để giải chấp số cổ phần của bà Diệu Hiền.

Về phần mình, bản thân ông Đỗ Quang Hiển cũng tránh trả lời câu hỏi của VnExpress.net về tiến trình xin bổ sung giấy phép đăng ký kinh doanh của Bianfishco. Tuy nhiên, sau khi 4 ngân hàng (gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Habubank và SHB) bị "kẹt" thì mới đây, hôm 9/8, Ngân hàng Á Châu cũng chính thức "tham chiến". ACB cho biết, từ năm 2009 (trước khi bà Hiền tiến hành thế chấp cổ phần cho VDB, BIDV, Habubank) thì bà đã đem 8 triệu cổ phần thế chấp cho ACB.

Như vậy, để giải cứu Bianfishco, ngân hàng của bầu Hiển sẽ phải xử lý "mớ bòng bong" liên quan tới 5 ngân hàng bà Diệu Hiền để lại.

Ngoài việc tái cơ cấu Bianfishco, sau khi tiếp quản Habubank, ngân hàng của bầu Hiển còn phải xử lý nhiều khoản nợ và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Trước đây, ông Đỗ Quang Hiển từng khẳng định với báo chí sẽ xử lý những tồn đọng về nợ nần của Habubank ngay trong năm 2012 thay vì phải chờ 3 năm như lộ trình. Trả lời lo ngại của VnExpress.net về tính khả thi của lộ trình này, bầu Hiển tiếp tục khẳng định hết năm nay sẽ hoàn thành. 50 khách hàng có nợ lớn nhất, chiếm tới 65% tổng dư nợ. Đa phần trong số đó là những "ông lớn" trong các ngành kinh tế trọng điểm như tàu thủy (Vinashin), ngành giấy, ngành nông thủy sản (Bianfishco), v..v.

"Chúng tôi thậm chí đã họp đến 12 giờ đêm để có các giải pháp cụ thể, xử lý từng doanh nghiệp, từng trường hợp. Ngân hàng cứ thấy nợ quá hạn là sợ nhưng nếu tái cấu trúc quản trị cho họ thì sẽ trả được hết nợ. Tôi khẳng định đến 31/12, 65% dư nợ này sẽ được giải quyết", bầu Hiển nói như đinh đóng cột.

Tổng giám đốc Ngân hàng SHB Nguyễn Văn Lê thông tin, đến nay nợ xấu của SHB mới (tính cả của Habuank) chỉ còn 8,69%. Trước đó, nợ xấu của Habubank lên tới 23,66%. Bầu Hiển cũng cam kết trước báo chí sẽ đảm bảo đưa nợ quá hạn của Habubank xuống dưới 10% trước ngày 31/12.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.