Làm thế nào để được cất nhắc lên vị trí cao hơn trong một tổ chức, doanh nghiệp? Đó là câu hỏi mà bất cứ người đi làm nào cũng muốn biết đáp án. Thường thì có rất nhiều những đáp án khác nhau.
Nhiều người cho rằng bạn cần phải có chuyên môn tốt nhất. Chuyên môn thường được đo lường bằng bằng cấp. Vì vậy, lấy thêm nhiều bằng cấp sẽ giúp thăng tiến. Suy nghĩ này khiến nhiều người bỏ thời gian tham gia các chương trình học ngắn và dài hạn ngoài giờ nhằm có thêm những tấm bằng trong bộ hồ sơ của mình.
Vài ý kiến khác cho rằng cần phải có kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì hay được đo lường bằng thâm niên. Và vì vậy nhiều người sử dụng số năm làm việc như yếu tố quyết định cho sự thăng tiến. Ví dụ làm 10 năm bạn sẽ đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm, mối quan hệ, kiến thức... để được bổ nhiệm lên vị trí quản lý.
Tất nhiên không có gì cụ thể ở đây ngoại trừ con số 10. Và do đó những người này cặm cụi làm việc 10 năm với hy vọng có đủ số năm để được quản lý cấp cao bổ nhiệm lên vị trí cao hơn.
Thực tế có bốn yếu tố chính sẽ tác động đến khả năng thăng tiến của bạn:
Yếu tố đầu tiên là chuyên môn. Chuyên môn là những kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang làm việc. Ví dụ bạn đang làm trong lĩnh vực nhân sự thì những kiến thức chuyên môn về vai trò của nhân sự trong doanh nghiệp, luật lao động, cách tính lương thưởng, kỹ năng tuyển dụng... là những yêu cầu chuyên môn mà bạn cần có.
Yếu tố thứ hai là kinh nghiệm. Kinh nghiệm thường là một yếu tố thường thấy để đánh giá ứng viên. Thực ra, số năm kinh nghiệm được sử dụng vì có rất nhiều yếu tố chuyên môn không thể đánh giá được (ví dụ như ở trên là kỹ năng tuyển dụng). Kinh nghiệm đúng ra là một thước đo ướm chừng. Tuy nhiên, trong nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mà nhân sự hay các quản lý không có kỹ năng tuyển dụng khoa học, kinh nghiệm trở thành một yếu tố quyết định cho những ví trị quan trọng.
Yếu tố thứ ba là kỹ năng lãnh đạo. Để thăng cấp cao hơn, bạn cần chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình. Dù trong các yêu cầu chuyên môn luôn yêu cầu quản lý phải có kỹ năng lãnh đạo, yếu tố lãnh đạo là một kỹ năng rất quan trọng của người quản lý vì vậy được tách riêng ra trong cách phân tích ở đây. Lãnh đạo ở đây có nghĩa là bạn phải thu hút được những người ủng hộ, sẵn sàng đi theo bạn để phát triển doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp đều cần những người có kỹ năng lãnh đạo và có những người ủng hộ. Trở thành một lãnh đạo mang đến cho bạn cơ hội thăng tiến tốt hơn.
Yếu tố cuối cùng là quan hệ. Trở thành một lãnh đạo nghĩa là bạn đã có quan hệ với những người đi theo mình. Nhưng thông thường bạn không phải là lãnh đạo của tất cả mọi người (trừ khi bạn đã là người đứng đầu tổ chức). Vì thế, với những người có ảnh hưởng quan trọng lên quá trình ra quyết định thăng tiến, bạn cần phải có quan hệ tốt với những người này. Ví dụ bạn hướng đến vị trí trưởng phòng và để được bổ nhiệm cho vị trí này, bạn cần quan hệ tốt với trưởng phòng các phòng ban khác vì những người này cũng tham gia quá trình đánh giá sự thăng tiến của bạn.
Bên cạnh bốn yếu tố trên, nếu trao đổi với những người làm nhân sự và các quản lý, bạn sẽ phát hiện ra nhiều yếu tố đánh giá khác như văn hóa, thái độ, mối quan hệ (trong ngành)... Ví dụ sẽ có những quản lý yêu cầu bạn phải có văn hóa phù hợp với văn hóa làm việc của họ. Một số quản lý khác yêu cầu bạn có những quan hệ trong ngành. Ví dụ nếu muốn đảm nhận vị trí giám đốc kinh doanh ngành sắt thép, bạn cần phải có quan hệ với một số khách hàng mua sản phẩm. Những yếu tố này biến thiên tùy theo doanh nghiệp.
Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.