Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp được quản lý bằng Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Thông tư 19/2005 và là hình thức kinh doanh Chính phủ nước ta không cấm.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương, đây là hoạt động kinh doanh rất khó kiểm soát bởi các doanh nghiệp đăng ký tại địa phương, nhưng khi có giấy phép hoạt động lại thường đưa về các thành phố lớn, thêm vào đó, Nghị định 110 cũng có nhiều hạn chế nên Cục đang trình Bộ Công Thương xây dựng sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, bán hàng kinh doanh đa cấp là mô hình kinh doanh tiên tiến trên thế giới, hoạt động này đã xuất hiện trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Anh, Nhật Bản, Canada… Doanh thu bán hàng đạt từ 89 tỷ USD năm 2003 và 166,9 tỷ USD trong năm 2012 và số lượng người tham gia bán hàng theo phương thức này tăng lên từ 33,6 triệu người năm 1998 đến 89,7 triệu người năm 2012.

Sự phát triển của bán hàng đa cấp tại Việt Nam còn thể hiện qua việc hình thành Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, tạo ra một sân chơi chung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong vòng gần 4 năm qua, tuy là hiệp hội còn rất mới và đang từng bước đi vào ổn định nhưng Ban chấp hành Hiệp hội đã cố gắng đưa hoạt động vào nề nếp theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ.

Cũng theo bà Trương Thị Nhi, thời gian qua, hiệp hội đã triển khai các hoạt động thực tế nhằm hỗ trợ, kết nối tạo sức mạnh tập thể cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời hiệp hội đang tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển các thành viên hiệp hội và phát triển thành viên hiệp hội ngày càng vững mạnh.

Đặc biệt, thời gian vừa qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Amway, Oriflam, Sophie Paris, Morida, Herblife, Nuskin, Thiên Sư, Elken…đã tham gia Hiệp hội với tư cách là thành viên liên kết. Tới đây số lượng các thành viên mới sẽ được kết nạp thêm và sự tham gia của các hội viên này sẽ tạo thêm sức mạnh mới.

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động bán hàng đa cấp vẫn tồn tại những bất cập nhất định, từ đó tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình này và gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Chẳng hạn như một số doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đa cấp bất chính, bán hàng đa cấp không đăng ký với cơ quan chức năng gây những ảnh hưởng xấu cho các doanh nghiệp chân chính, mắc sai phạm trong quá trình hoạt động, vi phạm nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về quảng cáo…Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp cung cấp những mặt hàng có chất lượng không đảm bảo gây thiệt hại cho các nhà phân phối và tiêu dùng.

Chính vì lẽ đó, ông Bạch Văn Mừng cho rằng những ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp không tốt tới đời sống xã hội nên sẽ thay đổi về quy định cấp giấy phép. Cụ thể, giấy phép sẽ do Bộ Công Thương trực tiếp cung cấp thay vì giao cho địa phương cấp phép như hiện nay nhằm quản lý chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, điểm mới nữa là sẽ cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp- bản chất là mô hình hàng hóa không đến tay người tiêu dùng, không xuất phát từ sản phẩm mà chủ yếu từ việc đóng phí của người tham gia được yêu cầu phát triển của hệ thống, dẫn hạn chế trong quá trình phát triển mạng lưới cũng như bán hàng của người tham gia. Việc này sẽ khiến người tham gia rời bỏ mạng lưới, chuyển sang tham gia vào mạng lưới của các doanh nghiệp khác.

Cũng theo ông Bạch Văn Mừng, mức ký quỹ 1 tỷ đồng, có thể thông qua bảo lãnh của ngân hàng hay thế chấp bằng tài sản như trước đây cũng không còn phù hợp và sẽ nâng lên 5 tỷ đồng và bằng tiền mặt. Điều này sẽ hạn chế được những khó khăn và kiểm soát được dễ dàng hơn khi xảy ra vụ việc, việc xử lý cũng không mất nhiều thời gian, đồng thời quy định mới cũng sẽ nâng mức thuế pháp định và mức ký quỹ đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp lên và thực hiện ký quỹ sẽ bằng tiền mặt.

Hiện dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng xã hội, tuy nhiên, mục tiêu dự thảo hướng tới việc đưa hoạt động kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ.

Nhằm quản lý tập trung việc cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, dự thảo sửa đổi quy định về cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng kinh doanh đa cấp là Bộ Công Thương.

Thẩm quyền cấp phép được chuyển về Bộ Công Thương nhằm thống nhất quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong cả nước. Việc tập trung quản lý tại Bộ Công Thương sẽ giúp tránh được bất cập còn tồn tại, đồng thời phương án này vừa hạn chế các lỗ hổng trong công tác quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình mở rộng hoạt động bán hàng đa cấp của mình ra các địa phương khác.

Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật hiện tại chưa có quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp nên đã xuất hiện một số vấn đề như: có nhiều doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sau đó không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng để chờ bán lại giấy phép cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Để ngành bán hàng đa cấp có thể phát triển lâu bền, đại diện cho doanh nghiệp, bà Trương Thị Nhi kiến nghị Bộ Công Thương cần siết chặt các chính sách, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý, đồng thời Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thông qua truyền thông giúp doanh nghiệp phát huy những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu để ngành hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng phát triển hoàn thiện hơn./.

Uyên Hương (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.