Bỏ ra hàng chục triệu USD để mua bản quyền song việc thu hồi vốn và có lãi luôn là bài toán làm đau đầu các nhà đài trong bối cảnh cước truyền hình tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Premier League vừa tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trên toàn cầu cho 3 mùa bóng 2016-2019. Đợt đấu giá này một lần nữa làm dấy lên sự quan tâm của dư luận tới "món hàng" liên tục bị đội giá, có khi đến hàng chục lần, tại Việt Nam trong những năm gần đây; đồng thời kéo các nhà đài vào cuộc đua chưa có hồi kết để giành độc quyền phát sóng.

Lúc này, danh tính của đơn vị sở hữu bản quyền cũng như việc họ sẽ bán lại cho nhà đài nào của Việt Nam vẫn chưa được công bố, song với số tiền được ước đoán là "rất khủng khiếp", phương án kinh doanh để thu hồi vốn của bên mua cũng là bài toán được tính toán kỹ lưỡng. Tuy vậy, theo đại diện Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), phương án cụ thể thường chỉ được xác định sau khi các nhà đài chắc chắn mua được, do phụ thuộc và chênh lệch rất lớn giữa các gói bản quyền, cũng như số tiền họ phải bỏ ra.

Sau khi mua được bản quyền ngoại hạng Anh, các nhà đài đã phải rất đau đầu với bài toán kinh doanh để cân đối khoản tiền bỏ ra.

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Thanh Giản - Giám đốc dự án Truyền hình trực tuyến FPT Play cho hay, đối với phim ảnh cũng như các giải đấu thể thao, sau khi mua được bản quyền phát sóng, nhà đài có 2 hình thức kinh doanh chủ yếu là thu phí người dùng và bán quảng cáo. Việc thu phí người dùng cũng bao gồm thu trực tiếp trên hệ thống, cũng như phân phối lại (bán lại bản quyền) cho các nhà đài khác. Mỗi đơn vị có chiến lược kinh doanh riêng nên theo ông Giản, tỷ lệ doanh thu từ các khoản nói trên sẽ không giống nhau.

Số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á (Casbaa) cũng cho thấy, tổng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2013 vào khoảng 275 triệu USD (6.000 tỷ đồng). Trong đó, riêng doanh thu quảng cáo trên các kênh này đạt 125 triệu USD (2.700 tỷ).

Còn theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), hiện với trên 40 nhà cung cấp và trên 7 triệu thuê bao, truyền hình trả tiền đang là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng rất cạnh tranh, với những khoản thu từ 2015 ước gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, riêng tiền thuê bao đã khoảng 6.000 tỷ đồng và doanh thu từ quảng cáo ước tính 150 triệu USD một năm (khoảng 3.300 tỷ). Đơn vị này cũng ước tính, doanh số quảng cáo nói trên sẽ tăng từ 20-30% mỗi năm. Tuy vậy, các nhà đài cũng sẽ phải giành giật những miếng bánh mới này thông qua vũ khí phổ biến hiện nay là các chương trình độc quyền như bóng đá Anh.

Là đơn vị chịu chi nhất gần đây khi đã bỏ hàng chục triệu USD để mua bản quyền giải ngoại hạng Anh 6 mùa gần đây, song kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam nhưng K+ lại không theo đuổi thu hút quảng cáo mà tập trung vào bán nội dung. Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình Số vệ tinh Việt Nam (VSTV) đơn vị sở hữu thương hiệu này cho biết, hiện đang hợp tác với các nhà đài để phân phối gói kênh có phát gói độc quyền bóng đá Anh. Hai bên sẽ có những thỏa thuận về tỷ lệ ăn chia khi đồng phân phối chương trình.

Với định hướng đó, phải đến tháng 6 vừa qua, K+ mới công bố đạt điểm hòa vốn khi cán mốc 850.000 thuê bao và doanh thu 1.200 tỷ đồng. Đây là kết quả của sự tăng trưởng gấp rưỡi mỗi năm về cả số lượng thuê bao và doanh thu.

Tuy cho rằng bước tiến tại Việt Nam là khả quan vì theo thông lệ thế giới khi đạt điểm hòa vốn sớm hơn dự kiến nhưng ông Công cũng thừa nhận đơn vị này từng gặp không ít khó khăn khi hoạt động kinh doanh bị tác động nhiều bởi phí bản quyền ngày càng tăng. "Với số vốn đầu tư ban đầu thấp, chỉ khoảng 20 triệu USD, trong khi số tiền cần để làm truyền hình trả tiền rất lớn, nên chúng tôi phải sử dụng nguồn vốn vay lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu", vị này cho hay.

Các nước bỏ bao nhiêu tiền để xem giải Ngoại hạng An

Trong khi đó, với SCTV, đơn vị đang dẫn đầu về số lượng thuê bao trên thị trường truyền hình trả tiền với con số 2 triệu, tổng doanh thu trong năm 2014 cũng chỉ đạt hơn 3.100 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 400 tỷ đồng. Những con số đều tăng trưởng trên 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên đại diện nhà đài thừa nhận, với tỷ suất lợi nhuận như vậy rất khó để tái đầu tư, đặc biệt là mua bản quyền với giá cao.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc kênh thể thao VTC3 - đơn vị đầu tiên độc quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam cũng cho biết, không dễ gì để cân đối được khoản mang lại từ bán đầu thu và thu cước phí với thuê bao với số tiền bỏ ra mua bản quyền truyền hình. Hơn nữa, nguồn thu từ quảng cáo trong thể thao cũng không phải sẽ luôn dồi dào như kỳ vọng.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc kinh doanh bản quyền truyền hình không dễ dàng vì giá cước tại Việt Nam hiện rất thấp. “Tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore mức trung bình 11-30 USD một thuê bao mỗi tháng. Trong khi ở Việt Nam, con số này hiện chỉ khoảng 4-5 đôla”, vị này cho hay.

Trước đó, tại một cuộc hội thảo được tổ chức cuối năm ngoái, đại diện một nhà đài từng ví von, giá cước thuê bao tại Việt Nam mỗi tháng xem được 70-100 kênh mà có thể chưa bằng một bữa ăn sáng. Đó là chưa kể việc nhiều đơn vị mới gia nhập thị trường luôn tìm cách phá giá cước trong bối cảnh phí bản quyền, cũng như nhiều chi phí khác đều tăng.

“Đó cũng chính là lý do khiến một số nhà đài không dám mạo hiểm đầu tư mua bản quyền một số giải đấu nếu giá quá đắt. Họ vẫn phải tính toán rất thận trọng”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình nhận định.

Số liệu cho thấy, trong ba mùa giải từ 2013 tới 2016, trừ K+ dám chi ra 33,5 triệu đôla (hơn 730 tỷ đồng) để độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật và không độc quyền các trận đấu khác trong tuần (được chọn một trận để độc quyền ngày thứ bảy), thì các “tay chơi” khác trên thị trường như VTVcab, SCTV chỉ dám chi trên dưới 2 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng). Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng internet như Viettel, VNPT, FPT… cũng chỉ dám chi một con số an toàn để đầu tư cho bản quyền.

Gần đây, trước sự tăng giá chóng mặt của giá bản quyền giải ngoại hạng Anh qua các năm, đồng thời, để tránh việc ép giá, độc quyền, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có công căn yêu cầu các đài truyền hình và đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền cùng phối hợp trong đàm phán trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá.

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.