Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Ông Trần Xuân Giá có cố ý làm trái về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?… Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đến đâu?

Sau khi Báo Người cao tuổi đăng ba kì liên tiếp bài: “Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội… xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… Ông Trần Xuân Giá có cố ý làm trái về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?…”, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc thông tin của báo, đồng thời kiến nghị cần làm rõ thêm, chi tiết hơn các vấn đề liên quan đến vụ án này. Báo Người cao tuổi giới thiệu bài tiếp theo của TS, Luật sư Dương Mạnh Hùng…

Kèn thổi ngược… vẫn được sử dụng làm căn cứ buộc tội

Ngày 1/8/2013 Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an tống đạt bản kết luận điều tra số 05/C46-P10 về vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho ông Trần Xuân Giá. Tại trang 6 kết luận điều tra ghi rõ “Xác nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Ngày 17/5/2012, NHNN có văn bản số 350/NHNN-TTGSNH.m xác nhận việc Ngân hàng ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cá nhân, đại lí khi chưa có hướng dẫn của NHNN là sai quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010”.

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã sử dụng ý kiến xác nhận trên đây của NHNN làm một trong những căn cứ quan trọng quy kết hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng các thành viên khác (những người kí biên bản ngày 22/3/2010) ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Nội dung xác nhận của cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành cao nhất về hành vi của các bị can trong vụ án có ý nghĩa rất quan trọng đối với Cơ quan Điều tra khi đưa ra kết luận về cả vụ án cũng như từng bị can. Những xác nhận của các cơ quan quản lí nhà nước theo dạng này, về mặt lí thuyết cần được tôn trọng và có thể được coi đó là một trong những nguồn chứng cứ để buộc tội bị can, bị cáo.

Do đó, phải xem xét văn bản 350/NHNN-TTGSNH.m của NHNN (VB 350) có chính xác, trung thực, khách quan và nội dung có dựa trên cơ sở pháp lí nào hay không? Ngoài ra cần nói đến cả động cơ, mục đích của NHNN khi ra văn bản quy kết hành vi làm trái Điều 106 Luật Các TCTD đối với các thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB.

Theo quy định tại Điều 106 Luật Các TCTD 2010 “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lí trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lí tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Điều luật này có hai nội dung (1) Ngân hàng thương mại (NHTM) “được quyền ủy thác, nhận ủy thác”, và (2) “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực thi hành(1/1/2011), Ngân hàng ACB tiếp tục thực hiện việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các TCTD là việc làm hoàn toàn phù hợp với nội dung, tinh thần của Điều 106 Luật Các TCTD. Còn việc hướng dẫn thi hành luật, quy định của NHNN là trách nhiệm của Thống đốc NHNN; không thuộc trách nhiệm, không phải việc phải làm và các NHTM càng không phải chờ đến khi có thông tư hướng dẫn của NHNN mới thực hiện việc ủy thác; miễn sao, việc ủy thác không trái pháp luật hiện hành, chấp nhận được về pháp lí. Hoạt động ủy thác vẫn phải diễn ra vì nó đã được phép thực hiện theo các văn bản luật hiện hành trước khi Luật Các TCTD có hiệu lực. Luật Các TCTD cũng không có bất cứ điều nào cấm việc ủy thác, hoặc tạm dừng ủy thác cho đến khi có quy định của NHNN. Theo Điều 106 viện dẫn trên, còn thể hiện NHNN phải hướng dẫn, phải quy định việc ủy thác cụ thể. NHNN không thể và thực tế cũng không có văn bản nào của NHNN nói rằng tạm ngừng các hoạt động ủy thác, mọi hoạt động ủy thác phải chờ có thông tư hướng dẫn mới được tiến hành. Trước đây, khi chưa có Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều luật đã có hiệu lực thi hành, nhưng có một số điều trong luật đó lại chưa được, chưa thể thi hành vì… chưa có hướng dẫn, nên công dân và các tổ chức đành “xếp hàng” chờ cho đến khi có nghị định, thông tư. Song bây giờ, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện đã, đang có hiệu lực loại bỏ khi luật này xác định rất rõ là các quy định, hướng dẫn của các văn bản dưới luật phải được thực hiện (phải có) cùng với thời điểm luật đó có hiệu lực. Đây là nội dung rất mới buộc Chính phủ ra nghị định, các Bộ phải có thông tư kịp thời để luật sớm đi vào cuộc sống. Đối với NHNN suốt 17 tháng trời bắt các TCTD phải chờ đợi vì chính NHNN đã không kịp hướng dẫn. Các dòng sông và con tàu luôn vận động cho dù không có “ngọn hải đăng” nào và việc không có “ngọn hải đăng” nào lại thuộc về trách nhiệm của NHNN. Các bà đau đẻ không thể chờ sáng trăng. Các NHTM càng không thể chờ mãi vì ủy thác là một trong các hoạt động thường nhật phải làm. Rõ ràng NHNN đã tự vi phạm rất nhiều luật, đã tự buông lỏng quản lí nhà nước trong lĩnh vực ủy thác, lỗi này NHNN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, không nên đổ cho ACB càng thấy khi thực hiện Điều 106 Luật các TCTD, ông Giá cùng các cộng sự không có lỗi khi chủ trương ủy thác trong điều kiện do chính NHNN chưa kịp quy định. Đối với góc độ quản lí nhà nước trong lĩnh vực ủy thác ngân hàng là câu chuyện nghiêm trọng, việc cố ý hay vô tình bỏ mặc các NHTM rơi vào tình trạng “Hãy đợi đấy” đã gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đây chỉ là một trong bao việc mất tín nhiệm khác của NHNN.

Trên thực tế, từ khi Luật Các TCTD có hiệu lực( 1/1/2011), suốt 17 tháng trời, NHNN chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ ủy thác, nhận ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng; NHNN cũng không có văn bản nào yêu cầu các TCTD phải tạm dừng nghiệp vụ ủy thác để chờ hướng dẫn. Mãi đến ngày 8/3/2012 mới có văn bản hướng dẫn là Thông tư 04/2012/TT-NHNN (Thông tư 04) có hiệu lực từ ngày 2/5/2012 quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chính NHNN đã vi phạm Điều 106 Luật Các TCTD vì theo nội dung của điều luật này thì Quốc hội đã giao cho NHNN phải hướng dẫn, phải quy định việc ủy thác này; đồng thời NHNN còn vi phạm nghiêm trọng Điều 8.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (số 17/2008/QH12 ngày 3/5/2008 có hiệu lực thi hành 1/1/2009) quy định về việc các văn bản dưới luật phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với luật.

Theo Thông tư 04 hay văn bản 350?

Sau 17 tháng ròng rã mong mỏi, đợi chờ kể từ ngày Luật Các TCTD có hiệu lực thì cuối cùng các NHTM, các TCTD cũng đã đón nhận được “sáng trăng” từ NHNN bằng Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 2/5/2012. Thông tư 04 đã, đang là cơ sở pháp lí cho các TCTD khi thực hiện nghiệp vụ ủy thác và nhận ủy thác mà không sợ bất cứ ai “sờ gáy” khi làm đúng thông tư này.

Về tính hợp pháp của việc thực hiện nghiệp vụ ủy thác trước khi có quy định của NHNN mà một số NHTM (như ACB) đã làm trước khi có Thông tư 04, chính NHNN cũng xác định rất rõ trong Thông tư 04: “Đối với các hợp đồng ủy thác… kí kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành… tiếp tục thực hiện nội dung hợp đồng ủy thác… đã kí kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm kí kết hợp đồng…”.

Như vậy, bằng một văn bản quy phạm pháp luật, NHNN khẳng định việc ủy thác trước khi có Thông tư 04 vẫn có cơ sở pháp lí, không vô hiệu, không trái luật, không bị cấm và vẫn cho tiếp tục thực hiện. Đây là nội dung rất chính xác, phù hợp với luật, sát hợp với thực tiễn, có giá trị pháp lí. Chính nội dung đó của Thông tư 04 đã minh oan cho ông Trần Xuân Giá cùng một số thành viên khác trong Hội đồng Quản trị ACB.

Nhưng bằng VB 350 nêu trên, sau 15 ngày Thông tư 04 có hiệu lực, NHNN lại xác định là ACB đã vi phạm Điều 106 Luật Các TCTD? Một việc làm của ACB, theo Thông tư 04 thì không trái luật, nếu theo VB 350 thì ACB lại sai luật. Như vậy NHNN tiền hậu bất nhất trong cách quy kết về hành vi với ông Giá cùng các cộng sự. Thông tư một đằng, VB350 một nẻo, cái cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này trong thực thi pháp luật của Nhà nước pháp quyền vẫn diễn ra tại NHNN, âu mới là chuyện xưa nay hiếm trong pháp chế XHCN.

Vậy các luật sư, các luật gia, Viện Kiểm sát nhân dân, TAND… sẽ dùng văn bản nào để làm cơ sở pháp lí khi quy kết ông Trần Xuân Giá phạm tội? Chắc chắn và tất yếu là phải dựa vào một trong những căn cứ pháp lí là Thông tư 04, bởi lẽ đây mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn VB350 chỉ là dạng công văn, mà nội dung của nó lại trái với Thông tư 04 nên không thể có giá trị sử dụng buộc tội! (Còn nữa)

Luật sư Dương Mạnh Hùng (Theo Báo NCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.