Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai sáng nay xuất hiện trong chiếc sơ mi màu trắng, đứng giữa hai cảnh sát viên tại tòa án Tế Nam. Ông này tuyên bố rút lại lời khai trước đây về việc nhận hối lộ.

Ông Bạc Hy Lai trong tòa án. Đây là hình ảnh đầu tiên của ông này xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị cách các chức vụ trong đảng và chính quyền đầu năm 2012.

"Tôi mong muốn tòa án sẽ xét xử công minh, theo trình tự và quy định của pháp luật", Bạc Hy Lai, được bản tin của tòa án dẫn lời, nói.

Bức ảnh đầu tiên cho thấy ông Bạc đứng trước tòa, do tòa án Tế Nam công bố, đã được chia sẻ 26.000 lần chỉ trong vòng 30 phút.

Khi chủ tọa hỏi ông Bạc có ý kiến gì về tội danh nhận hối lộ 1,1 triệu nhân dân tệ từ Đường Tiêu Lâm, tổng giám đốc công ty TNHH Phát triển Đại Liên, hay không, ông Bạc nói chưa bao giờ nhận hối lộ trong ba lần ông Đường đưa tiền.

"Tôi đã nói ngược lại với lòng mình và thừa nhận (nhận hối lộ của Đường ba lần) trong thời gian Ủy ban Kỷ luật Trung ương tiến hành điều tra, và tôi nói tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm hình sự mà không hề biết chi tiết của sự việc này, đầu óc tôi trống rỗng", tòa án công khai lời ông Bạc.

Sau diễn biến bác bỏ buộc tội này, tòa nghỉ trưa.

Diễn biến

Trước đó, phiên tòa bắt đầu lúc 8h43. "Chánh án tuyên bố phiên xét xử bắt đầu và cho gọi bị cáo Bạc Hy Lai vào tòa", tòa án Trung cấp Tế Nam viết trên Weibo, thêm rằng ông Bạc được cảnh sát áp giải vào phòng xét xử.

Vụ việc này "cực kỳ phức tạp", tòa án dẫn lời chánh án Wang Xuguang. Phiên tòa có ba thẩm phán, chủ tọa là thẩm phán Wang, phó chánh tòa Tế Nam.

Gia đình của Bạc Hy Lai đến tòa án lúc 7h41. Anh trai của ông Bạc, Bạc Hy Vĩnh được nhìn thấy bên trong một ô tô. Bạc Hy Lai được một chiếc Mercedes bạc chở vào tòa án sau đó, lúc 8h18.

Chánh án cho hay một phiên điều trần tiền xét xử được tổ chức tháng trước, và ông Bạc đã được thông báo về những cáo buộc. Ông Li Guifang, thuộc công ty luật Deheng ở Bắc Kinh là luật sư của ông Bạc. Li đã lấy bằng tiến sĩ luật của trường đại học Cát Lâm và là tác giả của nhiều cuốn sách về luật hình sự.

10h, các công tố viên cáo buộc ông Bạc nhiều lần nhận hối lộ từ năm 1999 đến năm 2006 khi giữ chức thị trưởng và bí thư đảng ủy Đại Liên, chủ tịch tỉnh Liêu Ninh và Bộ trưởng Thương mại, nhằm "thu lợi từ người khác".

Trong hai tháng một và hai năm 2012, ông Bạc có nhiều hành vi vi phạm, trong đó có lạm dụng chức vụ bí thư đảng ủy Trùng Khánh, sau khi ông được thông báo về việc điều tra tội giết người của vợ, bà Cốc Khai Lai.

Một tờ báo tiếng Trung ở Singapore đưa tin ông Bạc sẽ bị xử từ 15-20 năm tù, theo một nguồn tin từ Bắc Kinh. Một tờ báo ở Hong Kong lại cho rằng ông sẽ bị xử 13-16 năm.

Tiếp tục mô tả diễn biến phiên tòa, bản tin của tòa Tế Nam thông báo: "Thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, tòa án công bố lời khai bằng lời và bằng văn bản của các nhân chứng cùng với lời khai viết tay và bản tự thuật của bị cáo Bạc Hy Lai".

Trước đó các báo Trung Quốc và Hong Kong dẫn nguồn tin trong gia đình cho hay bà Cốc có thể cũng làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử chồng. Việc làm chứng có thể không kèm yêu cầu bà xuất hiện tại tòa.

Ngay từ mờ sáng, người dân tập trung đông gây tắc nghẽn giao thông trước cổng tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Việc xét xử không diễn ra tại Trùng Khánh, nơi ông Bạc từng làm bí thư. Ảnh: Weibo

Ý kiến trái chiều về Bạc

Hàng trăm người tụ tập trước tòa án Tế Nam, một số người dùng điện thoại chụp lại hiện trường. Một người ủng hộ ông Bạc, tên He, từng làm việc ở Trùng Khánh, cho hay ông đã bắt chuyến bay đến đây vào đêm hôm trước và cũng gặp nhiều người khác từ thành phố trên.

Người đàn ông 51 tuổi cho hay, ông không báo với gia đình về việc đến Tế Nam để theo dõi phiên xét xử ông Bạc, do tính nhạy cảm của vấn đề. Ông thẳng thắn ca ngợi ông Bạc, ngay trước một hàng rào cảnh sát chặn trên phố. "Tôi xin cúi đầu trước anh", ông hét lên nhiều lần trong khi chụp ảnh một đoàn xe đi ngang qua.

Ngược lại có nhiều người ở Trùng Khánh, nay đã định cư ở nước ngoài, từng lên tiếng tố cáo ông Bạc lợi dụng các chiến dịch chống tội phạm để trừng phạt những ai không tuân theo các lợi ích của ông.

Trên tài khoản Weibo của Tòa án trung cấp Tế Nam, các post cũng thể hiện ý kiến trái chiều về ông Bạc.

"Ủng hộ Trung ương Đảng quyết tâm chống nạn tham nhũng", một người dùng tên là haohaohaoa viết.

Tuy nhiên Liu Shengjun, bình luận viên của tạp chí Caixin, cho rằng Bắc Kinh đã không động đến "tội quan trọng" của ông Bạc khi ông này thực thi chiến dịch chống tội phạm ở Trùng Khánh. "Sự nguy hại do việc ông ta chà đạp luật pháp còn nghiêm trọng hơn nhiều tội tham nhũng".

Tòa án Trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, sáng nay bắt đầu xét xử ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh với các tội danh tham nhũng, biển thủ và lạm quyền. Hơn 110 người được phép tham dự phiên tòa gồm 5 người thân, 2 người hộ tống, 19 nhà báo và 84 người dự khác. Phiên tòa dự kiến kéo dài 2 ngày và bản án có thể sẽ được công bố vào tháng 9.

Ông Bạc Hy Lai từng là bộ trưởng Thương mại, thị trưởng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Trong thời gian giữ chức bí thư Trùng Khánh từ năm 2007-2012, ông nổi tiếng với phong trào khôi phục các bài hát cách mạng và trấn áp tội phạm rất mạnh tay. Các chính sách cứng rắn của ông nhận được sự ủng hộ của phe cánh tả đang khao khát một lãnh đạo có sức lôi cuốn.

Bạc Hy Lai từng là ủy viên Bộ Chính trị và được dự đoán thăng tiến mạnh sau đại hội đảng năm ngoái của Trung Quốc. Thế nhưng ngay đầu năm, ông bị tuyên bố khai trừ khỏi Bộ Chính trị, mất hết các chức vụ trong đảng và chính quyền. Việc này diễn ra sau khi một trợ thủ đắc lực của Bạc tố cáo vợ ông giết người và ông thì góp phần che đậy vụ việc. Bạc ra tòa hôm nay với các cáo buộc tham nhũng, biển thủ và lạm quyền. Vợ của ông, bà Cốc Khai Lai, trước đó đã nhận án tử hình ân hạn hai năm, do giết một doanh nhân người Anh.

Đoàn xe được cho là chở Bạc Hy Lai đến Tòa án Nhân dân Trung cấp Tế Nam sáng nay. Ảnh: AFP

Chặng cuối con đường

Phiên tòa này là giai đoạn cuối cùng của một vụ án lớn nhất ở Trung Quốc trong 30 năm qua, nhận được sự quan sát kỹ lưỡng của các chuyên gia và học giả. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Bo Zhiyue, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét: "Theo tôi ông ấy vẫn nhận được sự ủng hộ trong lòng một bộ phận người dân nhất định. Do đó, toàn bộ phiên xử sẽ rất, rất khó khăn".

Một chuyên gia khác thì nhận xét rằng phiên tòa đáng nhẽ đã diễn ra sớm hơn nếu ông Bạc hợp tác với giới chức, tuy nhiên vẫn chưa rõ biểu hiện của ông tại phiên tòa hôm nay sẽ như thế nào.

"Có thể Bạc Hy Lai không hợp tác tốt bằng vợ ông ấy, trong khi nhà chức trách lại không thể tiến hành phiên xử kín", Cheng Li, chuyên gia tại Viện Brookings ở Washington, nói. "Tôi không rõ Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề khó xử này như thế nào".

Giới quan sát cho rằng trước khi ra tòa hôm nay, ông Bạc có thể đã đạt thỏa thuận trong đó điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho con trai của ông và Cốc Khai Lai là Bạc Qua Qua. Anh này chuẩn bị bước vào năm thứ nhất học Luật ở Đại học Columbia, Mỹ, sau khi đã tốt nghiệp các trường Harvard và Oxford danh giá.

Hai ngày trước, Bạc Qua Qua viết một tuyên bố chính thức gửi New York Times, trong đó bày tỏ mong muốn rằng cha của mình sẽ được xử công bằng.

Các phóng viên tác nghiệp sau hàng rào an ninh bên ngoài tòa án thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc. Phiên tòa xử Bạc Hy Lai bắt đầu sáng nay. Ảnh: Xinhua.

Vũ Hà - Anh Ngọc (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.