Bà Janet Yellen, Phó Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, được xem là ứng cử viên sáng giá thay cho Chủ tịch Ben Bernanke.

Ông Ben Bernanke.

Vào ngày 5.2.2013, tại phòng bầu dục của Nhà trắng, có một sự kiện gây chú ý. đó là cuộc gặp giữa Chủ tịch cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke và tổng thống Barack Obama.

Cuộc thảo luận chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ và sau này, một phần nội dung thảo luận được Bernanke tiết lộ là có bàn “một chút” về tương lai của ông tại FED sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng Giêng năm sau.

Hiện tại, có nhiều lời đồn rằng, sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp ngồi trên ghế nóng, nhiều khả năng ông sẽ rời vị trí đầy quyền lực nhưng cũng như nhiều áp lực này.

Để lại một di sản ấn tượng

Số phận đã đưa Bernanke, Giáo sư kinh tế của đại học Princeton, vào chiếc ghế thuộc dạng quyền lực nhất trong giới tài chính toàn cầu vào năm 2006. Nhưng điều này cũng khiến ông đối mặt với một thách thức: cuộc khủng khoảng tài chính 2008-2009 bùng nổ với nguy cơ kéo cả thế giới rơi vào cuộc suy thoái.

Bernanke là nhà kinh tế theo trường phái Keynes (ủng hộ chính phủ can thiệp vào nền kinh tế) và nhà nghiên cứu về cuộc đại khủng hoảng năm 1930 cũng như một thập kỷ mất mát của Nhật. Sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, ông đã lập tức thực hiện chính sách giải cứu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ bằng cách bơm hàng ngàn tỉ USD vào nền kinh tế dưới tên gọi hết sức tinh tế là nới lỏng định lượng (QE) nhằm giải cứu các công ty tư nhân, đặc biệt là ngân hàng, đưa lãi suất xuống gần bằng 0, cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các quỹ đầu tư, các ngân hàng đầu tư, nhà sản xuất, công ty bảo hiểm… để kích thích tăng trưởng.

Hành động quyết đoán này đã cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua được giai đoạn nguy khốn nhất và thậm chí là cứu cả thế giới thoát khỏi một cơn đại khủng hoảng thứ hai, cho dù tốc độ phục hồi là khá chậm. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2009 xuống còn khoảng 7,7-7,8% như hiện nay và lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát.

Bernanke đã được Tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2009, lọt vào danh sách 10 người quyền lực nhất hành tinh của Tạp chí Forbes trong 4 năm liên tiếp 2009-2012.

Nhưng hậu quả từ chính sách của ông để lại cũng “ấn tượng” không kém so với những gì ông đã làm để giải cứu nền kinh tế thế giới. Theo Bloomberg, việc bơm tiền ra ồ ạt để mua trái phiếu chính phủ, các loại chứng khoán được thế chấp đã khiến bảng cân đối tài sản của FED phình lên hơn 3 ngàn tỉ USD so với 869 tỉ USD năm 2007.

Nếu đến một lúc nào đó, FED dừng các chương trình hỗ trợ này và bắt đầu bán các tài sản thì nhiều khả năng lãi suất sẽ lên cao hơn, khiến giá trị các loại chứng khoán này sụt giảm và chính FED sẽ bị lỗ. Thậm chí công ty MSCI Inc còn đưa ra viễn cảnh tồi tệ nhất cho 3 năm tới với giả định tăng trưởng sụt giảm và lạm phát cao hơn. FED có thể mất hơn 500 tỉ USD.

Ngoài ra, do kinh tế Mỹ đang sống dựa vào QE, người ta đang tự hỏi nếu chương trình này kết thúc, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ra sao?

Dù được xem là người có đóng góp lớn cho nền kinh tế, Bernanke cũng bị nhiều người phản đối, tiêu biểu là Giáo sư kinh tế Paul Krugman. Ông cho rằng FED cần phải tung ra gói kích thích lớn hơn thế nữa. Chính sách của Bernanke cũng bị đặt nghi vấn: vì sao FED không cứu ngân hàng Lehman Brother mà lại cứu AIG, Goldman Sachs JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup hay Morgan Stanley?

Chương trình kích thích của FED cũng đã bị Trung Quốc kịch liệt phản đối vì nó hạ giá trị đồng USD để hỗ trợ xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa các quốc gia trên thế giới với những hệ lụy hết sức nghiêm trọng.

Ai sẽ thay thế?

Hiện tại, đã nổi lên một cuộc đua để ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo FED. Trong đó có một số gương mặt rất nổi bật.

Trước hết là bà Janet Yellen, hiện là Phó Chủ tịch của FED. Bà được xem là ứng cử viên sáng giá nhất. Ưu thế của bà là kinh nghiệm làm việc lâu năm tại FED. Đặc biệt, bà có mối quan hệ thân thiết với Bernanke trong quá trình thiết kế các chính sách kích thích kinh tế. Bà đã thể hiện mối quan tâm đến tỉ lệ thất nghiệp hơn là lạm phát.

Do đó, nếu được bổ nhiệm, bà sẽ phải đối mặt với sự phản đối của các thành viên đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, những người luôn bày tỏ lo ngại rằng chính sách của FED sẽ phá hỏng thị trường tài chính và lạm phát khó lòng mà kiểm soát được.

Người tiền nhiệm của Bernanke là chuyên gia kinh tế Alan Greenspan đã đánh giá cao phẩm chất của bà Yellen. Nếu được bổ nhiệm, Yellen sẽ là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu FED trong 100 năm lịch sử tồn tại của tổ chức này.

Người thứ hai là Timothy Geithner, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cũng là một ứng viên sáng giá. Ông có ưu thế là người đứng đầu Bộ Tài chính vào lúc khủng hoảng xảy ra nghiêm trọng nhất. Ông đã phối hợp rất tốt với Bernanke để đưa ra các chính sách giải cứu kinh tế.

Người thứ ba là Richard Fisher, Chủ tịch FED tại Dallas. Richard tốt nghiệp đại học tại Harvard và lấy bằng MBA tại Standford. Quan điểm của ông khác biệt so sới Bernanke khi quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ lạm phát. Ông muốn FED giảm bớt các chương trình mua trái phiếu có thế chấp để giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Một ứng cử viên nặng ký khác là Stanley Fischer, hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới. Stanley được xem là người có công lớn đưa quốc gia Do Thái vượt qua giai đoạn khủng khoảng 2008-2009. Có một điều thú vị là Stanley từng cố vấn cho các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, trong đó có Ben Bernanke và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. Người Anh mới đây đã chọn cho mình một thống đốc ngân hàng trung ương đến từ Canada cho vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, một tiền lệ chưa từng có. Anh đã làm thế thì Mỹ hẳn cũng có thể bắt chước theo.

Nhưng dù là ai trong số các ứng viên trên thay thế vị trí của Bernanke thì ngoài kiến thức và kinh nghiệm uyên thâm, họ sẽ phải chuẩn bị sẵn tâm lý và sức khỏe thật tốt để có thể đón nhận di sản khổng lồ do Bernanke để lại trong một thế giới mà sự bất định vẫn còn quá lớn.

Sơn Nguyễn (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Tân quan chưa sớm tân chính sách

    Tân quan chưa sớm tân chính sách

    03/12/2013 9:06 AM

    Tuy quá trình phê chuẩn trong Thượng viện Mỹ chưa kết thúc, nhưng gần như chẳng còn gì có thể cản trở bà Janet Yellen, hiện là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay thế ông Ben Bernanke ở cương vị Chủ tịch Fed từ ngày 1/2/2014 tới.

  • Cái vỗ tay lớn cho Janet Yellen

    Cái vỗ tay lớn cho Janet Yellen

    16/10/2013 9:03 PM

    Sau nhiều tháng tranh cãi ai là người xứng đáng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay cho Ben Bernanke, cuối cùng Tổng thống Barack Obama đã xướng lên tên của người được chọn vào hôm thứ Tư (9.10): Phó Chủ tịch FED Janet Yellen. Bà là phụ nữ đầu tiên trở thành Chủ tịch FED trong lịch sử 100 năm của cơ quan này.

  • Lộ diện chủ tịch mới của FED

    Lộ diện chủ tịch mới của FED

    19/09/2013 10:26 AM

    Tuần tới, nước Mỹ mới công bố người thay thế ông Ben Bernanke - Chủ tịch FED, người sẽ hết nhiệm sở vào tháng 1 năm sau, nhưng ngày 18/9, một quan chức của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ đề cử bà Janet Yellen làm chủ tịch FED.

  • Fed bất ngờ tuyên bố giữ nguyên chương trình QE

    Fed bất ngờ tuyên bố giữ nguyên chương trình QE

    19/09/2013 8:24 AM

    Vào lúc 1 giờ sáng 19/9 (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ tuyên bố sẽ giữ nguyên quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE), trái ngược với nhận định trước đó của giới chuyên gia về khả năng Fed quyết định rút lại QE trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã bắt đầu khởi sắc.

  • Chủ tịch FED: 'Tôi không hiểu nổi giá vàng'

    Chủ tịch FED: 'Tôi không hiểu nổi giá vàng'

    19/07/2013 9:16 PM

    Thị trường vàng phục hồi hôm qua và sáng nay, sau khi ông Ben Bernanke kết thúc bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

  • Chủ tịch FED chưa muốn rút kích thích kinh tế

    Chủ tịch FED chưa muốn rút kích thích kinh tế

    11/07/2013 10:37 AM

    Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Ben Bernanke ủng hộ duy trì gói kích thích, kể cả khi biên bản cuộc họp tháng 6 vừa công bố vẫn còn tranh cãi liệu có nên giảm quy mô chương trình trong năm hay không.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.