Làm lãnh đạo không phải điều đơn giản, bạn phải chịu trách nhiệm cho lời nói, hành động của mình cũng như đưa được quyết định đúng đắn, hướng tập thể tới mục tiêu hoàn thiện.
Những người đã làm việc quá lâu dưới tư cách một nhân viên thường quên mất rằng làm lãnh đạo khó tới mức nào. Bất kì người lãnh đạo tài ba nào cũng cần có một tâm trí tốt để đưa ra quyết định đúng đắn giúp doanh nghiệp, tập thể tới với thành công.
Mặc dù vậy, bạn có thể làm lãnh đạo mà không cần chức danh. Bên trong mỗi người đều tiềm ẩn những tổ chất giúp chúng ta trở thành người dẫn đầu. Hãy xem những quy tắc cơ bản để trở thành một lãnh đạo được CEO của Zappos cùng CEO của Evernote chia sẻ, đây là những khả năng, bài học sẽ giúp bạn bứt tốc trên con đường quản lý.
1. Khả năng kết nối, đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi "vì sao"
Để có được khả năng này, trước hết bạn cần biết mình là ai, mình đang ở đâu và tầm nhìn của tập thể sẽ ra sao trong tương lai. Tiếp theo đó bạn phải sẵn sàng chia sẻ tầm nhìn này với những người khác xung quanh mình. Người khác sẽ không nghe theo bạn nếu bạn không có mục tiêu, nếu bạn không đưa ra những điểm lợi họ có được họ cũng sẽ sớm bỏ bạn mà đi.
2. Có niềm đam mê và cống hiến cho tập thể
Đam mê là thứ cổ vũ tất cả mọi người để đạt được mục tiêu cũng như khiến họ làm việc chăm chỉ cả ngày. Xây dựng một mô hình kinh doanh hay một công ty rất khó, bạn cần có nhiều người làm cùng mình và năng lượng giúp họ hoạt động tới khi đạt đích.
3. Có thể đưa ra ví dụ cụ thể từ kinh nghiệm bản thân
Trong bất kì loại hình kinh doanh nào, chẳng có thứ kiến thức gọi là tuyệt đối. Những thứ bạn nói và chia sẻ với mọi người phải là kinh nghiệm thật, sách vở, hàn lâm tới mấy cũng khó áp dụng được vào thực tế khốc liệt. Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể, cho phép những người trong tập thể đóng góp ý kiến, đánh giá để tìm ra giải pháp tuyệt vời nhất.
4. Không ngừng xây dựng hệ thống quan hệ bản thân
Chẳng ai có thể thành công một mình, hệ thống kết nối của bạn luôn phải phát triển để thích nghi với môi trường cũng như những thách thức xung quanh. Điều này chỉ diễn ra nếu bạn năng động, dám mở rộng quan hệ với người khác, đơn giản hơn bạn có thể mở lòng mình ra giúp đỡ người khác mỗi khi họ gặp khó khăn.
5. Sẵn sàng đưa ra quyết định và sẵn sàng hành động
Những quyết định đúng lúc có thể cứu sống bạn cùng tập thể khi cần thiết. Và trong những tình huống phức tạp, đưa ra một quyết định để mọi người thực hiện theo bao giờ cũng tốt hơn không làm gì.
Những doanh nhân thông minh thường dành ra nhiều thời gian để tìm kiếm câu trả lời, thực hiện theo nó và không bao giờ nhìn lại xem liệu có cách nào tốt hơn hay không.
6. Tập luyện sự bình tĩnh trong phán đoán
Nhân viên không thích làm việc với những lãnh đạo quá khó đoán, không kiên định và luôn tránh né thay đổi. Những người lãnh đạo tốt là những người sẵn sàng kết nối với người khác để nghe xem họ muốn gì. Họ xây dựng niềm tin với mọi người bằng hành động, sự chắc chắn và không ngại đổi thay.
7. Cổ vũ sự sáng tạo và suy nghĩ đột phá
Trong kinh doanh, sáng tạo, dám mạo hiểm cũng như khả năng phát triển bản thân là những yếu tố rất quan trọng. Đừng chờ tới lúc đối thủ ép bạn ra sản phẩm mới, hạ giá hay thay đổi mô hình mới xem lại bản thân. Hãy không ngừng sáng tạo, không ngừng cải thiện và hãy coi trọng những thất bại tới như chính những thành công của mình vì nó là bài học giúp cho công ty bạn phát triển hơn.
8. Biết đánh đổi để đạt được thứ to lớn hơn
Luôn tạo áp lực cho nhân viên cũng như luôn chờ đợi may mắn là thứ không bao giờ nên có ở những người lãnh đạo. Là một nhà lãnh đạo tài ba, bạn phải biết tận dụng những thứ mình có, chiến thắng những mục tiêu nhỏ để đạt được cái đích lớn lao. Điều này đồng nghĩa với việc chọn đúng người, chấp nhận đầu tư cho các công cụ và luôn cải thiện hệ thống để đương đầu với khó khăn.
9. Cải thiện bản thân trước khi cải thiện người khác
Là người dẫn đầu, bạn phải cải thiện kiến thức, kĩ năng của mình liên tục, hãy luôn nhạy bén với những mô hình kinh doanh, kĩ thuật mới và mài dũa kiến thức bản thân. Hãy có những phần thưởng xứng đáng cho các nhân viên nỗ lực, đừng phạt những sai lầm bởi nó có thể là cơ hội để thành công, cơ hội để người khác phát triển.
10. Luôn có trách nhiệm với hành động, lời nói của mình cũng như tập thể
Đừng nghĩ rằng khi bạn làm lãnh đạo, bạn có thể tuỳ ý thưởng phạt hay đổ trách nhiệm cho người khác. Nếu tập thể có một người phạm sai lầm, bạn phải là người gỡ rối, chịu trách nhiệm và có giải pháp xử lý. Đây là điều bình thường trong rất nhiều công ty hiện tại.
Lãnh đạo không phải lúc nào cũng đi kèm với thành công, đừng thúc ép bản thân, hãy dần dần thay đổi để trở thành một con người hoàn thiện hơn, một lãnh đạo tốt hơn. Đừng chờ đợi ai chỉ cho bạn phải làm gì, bạn là người lãnh đạo, bạn sẽ tự tìm ra đường cho mình.
Van Vu (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.