Trước đây, cứ khoảng 18 tháng là Adobe lại nâng cấp phần mềm trọn gói một lần. Nhưng giờ đây, với phiên bản trực tuyến, Adobe có thể nâng cấp thường xuyên hơn mà người sử dụng lại ít khi để ý. Thuê bao trực tuyến dường như mang lại nguồn thu ổn định hơn so với bán phần mềm bằng đĩa. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư lại thích hình thức này. Thu tiền ít, nhưng nhiều lần
Hôm 18/3, Adobe đã công bố kết quả kinh doanh hàng quý với mức lãi ròng giảm tới 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 5 liên tiếp nhà sản xuất các phần mềm đồ họa chuyên nghiệp như Photoshop và Illustrator này báo cáo mức lợi nhuận giảm mạnh trong quý. Cứ tưởng giá cổ phiếu của Adobe sẽ giảm mạnh, thế nhưng điều ngược lại đã xảy ra, giá cổ phiếu của Adobe đã tăng vọt tới 63% trong 12 tháng qua. Đó là bởi vì nhà đầu tư rất lạc quan về sự chuyển hướng mà công ty này đang thực hiện: đi từ một nhà cung cấp các phần mềm đắt đỏ được gói trong các bao bì sang trọng, sang một nhà cung cấp phần mềm trực tuyến, tính phí thuê bao hàng tháng qua nền tảng “đám mây” – tức hệ thống máy chủ khổng lồ do Adobe và các công ty khác vận hành. Hãy tưởng tượng như cách ngành âm nhạc đang làm, Adobe đang từ bỏ hình thức bán phần mềm bằng đĩa chuyển sang cho thuê phần mềm qua mạng.
Thực ra, nhiều công ty phần mềm lớn khác cũng đang phát triển chiến lược điện toán đám mây, thế nhưng ít ai táo bạo như Adobe. “Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của Adobe thực sự rất quyết liệt”, Brent Thill, Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nhận xét.
Chính vì sự chuyển đổi mô hình quyết liệt này mà lợi nhuận của Abode đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thay vì phải trả tới 2.600 USD để mua đĩa phần mềm thiết kế Creative Suite của công ty, người tiêu dùng giờ đây có thể dùng dịch vụ Creative Cloud. Dịch vụ trực tuyến này cũng có các ứng dụng tương tự (còn có thêm vài ứng dụng mới) như phần mềm đĩa với phí thuê bao trọn gói 12 tháng chỉ khoảng 50 USD/tháng. Còn nếu thuê bao mỗi tháng thì mức phí là 75 USD.
Điều này đã khiến cho lợi nhuận của Adobe bị sụt giảm mạnh trong ngắn hạn. Thế nhưng, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng, lợi nhuận sẽ tăng mạnh trở lại khi mô hình đóng phí thuê bao trực tuyến thu hút được các khách hàng mới nhờ phí dịch vụ rẻ hơn nhiều so với bán bằng đĩa. Và đến nay, Adobe đã có thành công bước đầu. Hồi cuối tháng 3, Adobe cho biết: có hơn 1,8 triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ Creative Cloud, tăng 405.000 người so với quý trước đó. Công ty cũng cho biết, lần đầu tiên hơn phân nửa trong mức doanh thu hàng quý 1 tỷ USD là đến từ các nguồn “có thể sử dụng đi sử dụng lại” như thuê bao phần mềm và thu phí dịch vụ đối với các hợp đồng bảo trì.
Thay đổi nhưng không đột ngột
Đối với những doanh nghiệp muốn đi theo con đường điện toán đám mây, trải nghiệm của Adobe cũng cho nhiều bài học quý giá. Công ty lần đầu thử nghiệm hình thức đăng ký thuê bao trực tuyến tại Úc, một thị trường nhỏ trước khi chính thức giới thiệu hình thức này ở những nơi khác. Khi Adobe tuyên bố vào cuối năm 2011 rằng, công ty sẽ hoàn toàn đi theo nền tảng điện toán đám mây, các nhà điều hành cấp cao của công ty đã dành nhiều thời gian giải thích lý do sự thay đổi này cả cho nhân viên công ty lẫn người bên ngoài.
Các nhà quản lý của Adobe cũng lấy dẫn chứng về sự thành công của mảng Marketing Cloud. Marketing Cloud là một bộ ứng dụng phần mềm hoàn toàn riêng biệt của Adobe, giúp các nhà marketing có thể làm mọi thứ từ đo lường mức độ thành công của các chiến dịch truyền thông xã hội cho đến quản lý nội dung qua các nền tảng máy tính. Marketing Cloud, vốn được xây dựng nên thông qua các cuộc thâu tóm sáp nhập của công ty, cũng sống nhờ vào lượng thuê bao trực tuyến và đã tăng trưởng với tốc độ 2 con số trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, cuộc chuyển đổi mô hình nào cũng đều không dễ dàng. “Bạn phải xác định đúng thời điểm bước ngoặt cần phải “đốt đi mọi thứ” để phát đi thông điệp rằng, từ giờ trở đi sẽ không còn theo cách làm cũ nữa”, Brad Rencher, người phụ trách mảng Marketing Cloud của Adobe cho biết.
Thời điểm Adobe đoạn tuyệt với cái cũ là vào tháng 5/2013 khi công ty cho biết, sẽ không còn tung ra phiên bản đĩa phần mềm Creative Suite nào nữa. Điều này đã vấp phải sự phản đối của một số người, nhưng công ty vẫn kiên trì giữ vững lập trường. Không phải là công ty không gặp rủi ro với chiến lược mới. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, Adobe đã rơi vào tình huống khó khăn về vấn đề bảo mật khi tin tặc đã ăn cắp tên tuổi và thông tin thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của 2,9 triệu khách hàng của công ty. Và không phải người sử dụng nào cũng vui vẻ với sự chuyển hướng sang đám mây của Adobe. Một số người sử dụng Creative Cloud cho rằng, Adobe đã cố tình giữ phí thuê bao ở mức thấp để thu hút người dùng trực tuyến, rồi sau đó sẽ tăng phí mạnh khi công ty tung ra thêm các đặc tính mới.
Shantanu Narayen, ông chủ của Adobe, không bác bỏ khả năng tăng giá trong tương lai, nhưng ông nói Adobe sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho người sử dụng để họ nhận thấy việc tăng giá là hoàn toàn xứng đáng
Thành Lợi (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Adobe lên mây kiếm tiền

    Adobe lên mây kiếm tiền

    18/05/2014 7:51 PM

    Trước đây, cứ khoảng 18 tháng là Adobe lại nâng cấp phần mềm trọn gói một lần. Nhưng giờ đây, với phiên bản trực tuyến, Adobe có thể nâng cấp thường xuyên hơn mà người sử dụng lại ít khi để ý. Thuê bao trực tuyến dường như mang lại nguồn thu ổn định hơn so với bán phần mềm bằng đĩa. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư lại thích hình thức này. Thu tiền ít, nhưng nhiều lần

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.