Một vụ bao vây đòi nợ chưa từng có xảy ra tại thị xã Dĩ An (Bình Dương), 7 ngân hàng đưa hàng chục nhân viên, bảo vệ đến bao vây Cty Trường Ngân ngăn cản không cho các ngân hàng khác đến “cướp” hàng trừ nợ.

Công an thị xã Dĩ An phải vào cuộc trấn an, bảo vệ an ninh trật tự để vãn hồi giữa các bên.

7 ngân hàng bao vây DN vì tranh giành tài sản

Sự việc nghiêm trọng trên xảy ra hồi 12 giờ trưa ngày 6.6, tại khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), hàng chục xe ôtô chở hàng chục cán bộ của 7 ngân hàng đồng loạt đến “bao vây” Cty Trường Ngân- chuyên chế biến càphê hạt xuất khẩu- để tranh giành số tài sản thế chấp, vì phát hiện công ty này đã mất thanh khoản nghiêm trọng.

Theo một số ngân hàng, vụ việc khá phức tạp, vì toàn bộ tài sản thế chấp liên quan quá nhiều ngân hàng và có thể phải kéo nhau ra tòa vì ngân hàng nào cũng chứng minh số tiền cho Trường Ngân thế chấp có trong 4.000 tấn càphê đang lưu trong kho.

Một nhân viên ngân hàng cho biết, số tài sản còn lại khoảng hơn 4.000 tấn càphê thành phẩm trị giá khoảng hơn 100 tỉ đồng, trong khi tài sản thế chấp (chủ yếu càphê) vay vốn 7 ngân hàng của Cty Trường Ngân có tổng dư nợ lên đến 600 tỉ đồng. Việc phát hiện công ty này mất thanh khoản trả nợ vay, nên 7 ngân hàng đã cho “quân” đến bao vây, ngăn cản không cho các bên giải phóng tài sản để “giành giật” 4.000 tấn càphê của Cty.

Vụ tranh giành tài sản gây náo loạn khiến Công an thị xã Dĩ An phải vào cuộc, bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời tiến hành làm việc giữa các bên liên quan để vãn hồi vụ việc. Cho đến 18 giờ ngày 6.6, 7 ngân hàng mới đạt được thỏa thuận chưa mở kho hàng càphê và không cho bất kỳ ngân hàng nào tổ chức “cướp” hàng.

Các ngân hàng tham gia vào vụ “tranh giành” tài sản gồm: Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Hàng hải, Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Techcombank.

Theo một số ngân hàng, vụ việc khá phức tạp vì toàn bộ tài sản thế chấp liên quan quá nhiều ngân hàng và có thể phải kéo nhau ra tòa vì ngân hàng nào cũng chứng minh số tiền cho Trường Ngân thế chấp có trong 4.000 tấn càphê đang lưu trong kho.

Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 29.5, những ngân hàng này đã có buổi làm việc đi đến thống nhất phương án xử lý nợ của DN Trường Ngân. Tuy nhiên, việc phân chia kho hàng càphê 4.000 tấn của DN này sẽ được các ngân hàng đàm phán thống nhất hoặc phân chia theo quyết định của tòa án.

Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng VIB phát hành văn bản khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng cùng các ngân hàng liên quan, thông báo trong quá trình theo dõi quản lý hàng hóa thế chap, VIB phát hiện Cty Trường Ngân có hành vi vi phạm pháp luật, hàng hóa được thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau qua 7 ngân hàng.

Ngày 3.6.2013, Ngân hàng VIB nhận được thông tin cho thấy, một trong số 7 ngân hàng do không đạt được quyền lợi như mong muốn nên đang có dấu hiệu triển khai biện pháp thu hồi nợ bằng cách tổ chức “cướp” số hàng hóa đã thế chấp cho VIB, bất chấp các quy định của pháp luật và quyền lợi của các ngân hàng liên quan khác, nên đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp vụ việc.

Được biết, số tiền Cty Trường Ngân nợ của VIB trên 118 tỉ đồng. Trong khi đó, đại diện NH Phương Đông cho biết, Trường Ngân cũng thế chấp hơn 3.000 tấn càphê lưu kho có trị giá vay trên 90 tỉ đồng. Một số ngân hàng khác cũng từ vài chục tỉ đến cả trăm tỉ đồng.

Mất thanh khoản vì vay lãi suất 20-25%

Có mặt giữa cuộc bao vây của 7 ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Bình - chủ doanh nghiệp Trường Ngân - thừa nhận: Doanh nghiệp đã mất khả năng thanh khoản, số tài sản là càphê trong kho còn lại khoảng 4.000 tấn đã bị các ngân hàng niêm phong, không cho xuất bán.

Ông Bình cho rằng, nguyên nhân khiến công ty mình đối mặt với tình trạng này là những năm trước doanh nghiệp có vay các ngân hàng với lãi suất quá cao, có những thời điểm doanh nghiệp phải vay với lãi suất cho vay 20-25%.

Và 4 năm trở lại đây, doanh nghiệp liên tục xuất khẩu thua lỗ do thị trường nông sản (càphê) liên tục biến đổi giá trên thị trường thế giới, dẫn đến thu mua dự trữ bị chênh lệch giá rất lớn, khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng. Theo ông Bình, có thời điểm Trường Ngân là doanh nghiệp chuyên chế biến càphê hạt xuất khẩu đứng thứ tư trong cả nước, có năm xuất khẩu đạt trên 70.000 tấn.

Trung Thành (Báo Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.