Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1998, phần lớn các nước Đông Á đã lập các Công ty Quản lỷ tài sản (AMC) trực thuộc Nhà nước nhằm thanh lý nợ xấu đồng thời với thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chính phủ các nước Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành lập các công ty quản lý tài sản tập trung (AMCs) để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Cụ thể: Indonesia thiết lập Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng (IBRA), với Malaysia là Tổ chức xử lý nợ quốc gia (DANAHARTA), Hàn Quốc lập Công ty Quản lý Tài sản (KAMCO). Riêng Thái Lan ban đầu chỉ thành lập Cơ quan tái cấu trúc tài chính (FRA) để xử lý các vấn đề của các công ty tài chính và đến năm 2001, Thái Lan mới thành lập Công ty Quản lý Tài sản (TAMC). Các công ty này chỉ hoạt động trong một số năm nhất định.

Đặc điểm chung của 4 công ty xử lý nợ nói trên là được Chính phủ tài trợ vốn và tổ chức tập trung hơn việc sử dụng một mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Điều này có lẽ là do tính chất đặc thù có hệ thống về các vấn đề ngân hàng và quy mô nợ xấu.

Chính phủ các nước nói trên áp dụng hình thức mua sỉ tất cả các khoản cho vay có vấn đề và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng.

Mô hình AMCs mang tính khả thi cao do nhiều ngân hàng không đủ nguồn lực để tự tái cấu trúc các khoản nợ xấu của mình thông qua các đơn vị trực thuộc hay các công ty con của ngân hàng. Hơn nữa, cơ sở pháp lý so với các chuẩn mực thế giới ở các nước này vẫn còn lạc hậu cũng góp phần tạo ra sự cần thiết phải có AMCs.

Các công ty xử lý nợ tập trung cũng có các quyền hạn đặc biệt để cắt giảm các thủ tục pháp lý. Ví dụ, Tổ chức xử lý nợ quốc gia Malaysia có quyền xử lý tất cả các khoản nợ xấu chuyển giao mà không cần phải xin phép các chủ tài sản. TAMC của Thái Lan cũng sử dụng quyền hạn của mình để buộc các con nợ phải ngồi vào bàn đàm phán cho việc thanh toán các khoản nợ vay của mình…

Tại Hàn Quốc, nước bị khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong những năm 1997-1998, vai trò tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế (Chaebol) trong quá trình giải quyết một danh mục nợ xấu lớn là rất rõ ràng, cho dù nhiệm vụ mấu chốt được đề ra ngay từ khi AMC được thành lập là giải quyết nợ xấu càng sớm càng tốt.

IBRA của Indonesia được thành lập ngay năm 1998 với mục tiêu ban đầu là tập trung hơn vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước áp lực phải nhanh chóng thanh lý các khoản nợ xấu để tài trợ cho một ngân sách ngày càng bị thâm hụt, Công ty IBRA đã phải bán các khoản nợ xấu chưa được tái cấu trúc kể từ đầu năm 2002.

Ở Trung Quốc, sau 4 năm giành rất nhiều thời gian và nguồn lực cho việc tái cấu trúc hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước cỡ lớn (chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị các khoản nợ xấu được 4 công ty quản lý tài sản mua) chủ yếu thông qua nghiệp vụ biến các khoản nợ thành cổ phần tại các doanh nghiệp này, 4 AMC của Trung Quốc sau đó đã tập trung hơn vào việc bán và thanh lý các khoản nợ xấu thông qua các công cụ khác nhau...

Các khoản nợ tại các quốc gia trong khu vực Đông Á thường có chung một đặc tính là được đảm bảo bằng bất động sản. Vì vậy, các điều luật về tịch biên tài sản không mang tính hiện thực cao (trong giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra) đã cản trở ngân hàng tịch thu tài sản đảm bảo khi các khoản nợ không được trả đúng hạn. Thực tế quá trình giải quyết khủng hoảng nợ xấu diễn ra tại Indonesia cho thấy IBRA đã được quyền tịch biên tài sản của các chủ thể đi vay không hợp tác mà không cần đến các giấy tờ cần thiết từ phía toà án.

Các AMC trong khu vực châu Á thường xuyên công bố tình hình hoạt động và kết quả hoạt động kinh doanh thông qua các bản báo cáo tháng, quý, trong đó nêu rõ các quy trình và phương pháp xử lý nợ xấu.

Chính phủ các nước trong khu vực châu Á cũng đã thành lập các cơ quan chuyên trách theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các AMC thông qua các tiêu chí như: Mức độ phục hồi của nợ xấu, số lượng và chất lượng các khoản vay được tái cấu trúc…

Hầu hết hoạt động của các AMC đều tạo ra các khoản lỗ, vì vậy việc chia sẻ thiệt hại phát sinh từ các hoạt động của AMC là điều rất đáng được quan tâm. Các AMC trong khu vực Đông Á đều được tài trợ từ các nguồn vốn của Chính phủ hoặc dưới các hình thức phát hành công cụ nợ của chính các AMC này.

Chính phủ Indonesia đã phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho thanh khoản của ngân hàng Trung ương và chương trình đảm bảo an toàn cho người gửi tiền; tài trợ cho quá trình tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như việc mua lại nợ xấu của IBRA. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia, tài trợ trực tiếp từ Chính phủ là không đáng kể, chỉ chiếm từ 0,4% đến 20% tổng nguồn vốn cần thiết.

Tại Trung Quốc, nguồn vốn được Chính phủ cung cấp không những chỉ chiếm khoảng 3% giá trị nợ xấu được chuyển giao mà chỉ một phần trong nguồn tài trợ này là tiền mặt, còn lại tồn tại dưới dạng nhà xưởng, vật dụng và các tài sản khác sở hữu bởi các ngân hàng trước đó.

Phát hành trái phiếu AMC là phương pháp được Chính phủ các nước khu vực Đông Á sử dụng để tạo vốn cho các AMC. Tại Hàn Quốc và Thái Lan, trái phiếu AMC chiếm hơn 90% tổng nguồn tài trợ cho AMC; con số này vào khoảng 60% tại Trung Quốc và Malaysia.

Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc nâng cao vai trò của AMC trong suốt quá trình giải quyết nợ xấu của toàn hệ thống luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đẩy nhanh tiến độ chuyển giao nợ xấu từ các ngân hàng sang các AMC.

Phương pháp định giá của AMC trong việc mua nợ xấu từ ngân hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tiến độ chuyển giao nợ xấu.

Có 2 phương pháp định giá đã được các AMC trong khu vực Đông Á sử dụng: định giá theo giá trị sổ sách và định giá theo giá trị phù hợp. Phần lớn AMC tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Á áp dụng phương pháp định giá nợ xấu theo giá trị phù hợp. Tại Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia, giá mua trung bình dao động từ khoảng 1/3 đến 1/2 giá trị sổ sách của khoản nợ xẩu.

Sau khi xác nhận mua và nhận chuyển giao nợ xấu từ các ngân hàng, nhiệm vụ còn lại của các AMC là tổ chức bán các khoản nợ xấu này tuỳ theo đặc điểm của từng danh mục nợ xấu, mục tiêu và nhiệm vụ của AMC trong từng thời kỳ hay các nhân tố khác mà kỹ thuật xử lý các khoản nợ xấu này được các AMC chọn lựa.

Tại các quốc gia trên thế giới, có nhiều loại mô hình công ty mua bán nợ: Công ty do Nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Đối với các công ty mua bán nợ tư nhân, một số hoạt động độc lập, một số khác là công ty con của các ngân hàng hoặc đơn vị hoạt động trực thuộc ngân hàng. Các công ty xử lý nợ của Nhà nước thường hoạt động khá hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống và khung pháp lý đối với việc xử lý nợ vẫn còn yếu.

Chẳng hạn có những lúc trên thị trường, các khoản nợ xấu không có người mua thì công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể là nơi tiêu thụ các khoản nợ xấu nói trên, và khi khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu chưa được “khỏe” thì công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể giúp rút ngắn được quy trình xử lý nợ. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp các ngân hàng tái cấu trúc lại vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.

Nguyễn Chiến (Chinhphu.vn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.