Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa giám sát về công tác chấp hành pháp luật trong quản lý xây dựng trên địa bàn Thủ đô tại Sở Xây dựng.

Kết quả cho thấy, mặc dù lãnh đạo TP Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu các quận, huyện khẩn trương, quyết liệt xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn, tuy nhiên đến thời điểm này, tình hình chưa được cải thiện. Hiện vẫn còn 394 nhà siêu mỏng, siêu méo ngang nhiên tồn tại do cả lỗi thể chế và ý thức chấp hành pháp luật kém của chủ đầu tư, cùng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Cần có ngay những biện pháp cụ thể nhằm xử lý triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Trọng Hải

Giậm chân tại chỗ

Vào cuối năm 2011, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu ngày 15-11-2011 các quận, huyện phải báo cáo kết quả xử lý và hạn cuối cùng là hết năm 2011 phải hoàn tất việc xóa sổ nhà siêu mỏng, siêu méo. Song hầu hết các quận, huyện không thực hiện đúng yêu cầu của TP. Do đó, Hà Nội phải lùi mục tiêu đến quý I-2012. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay chỉ có 244 trường hợp trên tổng số 638 trường hợp nhà đất không có đủ điều kiện xây dựng đã được giải quyết xong. Đối với 394 nhà siêu mỏng, siêu méo còn lại, lực lượng chức năng đang vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện hợp khối, hợp thửa hoặc phải thu hồi. Điều này có nghĩa việc xử lý vẫn chủ yếu là thống kê số lượng và có dấu hiệu rơi vào bế tắc. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: "Về việc này Sở Xây dựng được UBND TP giao trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tiến độ xử lý đối với các quận, huyện. Sở cũng ban hành nhiều thông báo, nhắc nhở các quận, huyện nhưng hầu hết không thực hiện đúng cam kết với TP. Hiện tại, các quận, huyện như Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông, Cầu Giấy, Từ Liêm đều nợ thời gian hoàn thành xử lý đến cuối năm do việc xử lý không đơn giản. Trên thực tế, Sở Xây dựng không phúc tra nên cũng không có cơ sở dám chắc 394 nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại đã là con số phản ánh đúng thực trạng hiện nay hay chưa".

Có yếu tố đặc thù

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng cho rằng, quản lý trật tự xây dựng đô thị là một việc khó, có tính chất đặc thù. Muốn thực hiện tốt vấn đề này thì không chỉ một cấp, một ngành, hay một nhóm người có thể làm được mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Trên thực tế, thời gian qua, các đô thị chủ yếu phát triển trên cơ sở quy hoạch chung. Và cùng một lúc, nơi có quy hoạch 1:2000, nơi lại lập quy hoạch 1:500, riêng tại địa bàn Hà Tây (cũ) chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết. Thiếu quy hoạch phân khu, nên các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ, vấn đề kết nối hạ tầng giữa các dự án là rất khó khăn, dễ xuất hiện những mảnh đất nhỏ lẻ. Ở nhiều dự án, việc giải phóng mặt bằng vô hình trung tạo nên những mảnh đất quá bé nằm chình ình trước các thửa đất phía sau. Vì nhiều lý do, các chủ sử dụng không thống nhất được việc hợp khối. Đang có tình trạng các chủ sử dụng nhất định không chuyển đi do không thống nhất được mức đền bù rồi ngang nhiên xây nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại dưới sự buông lỏng quản lý của các quận, huyện. Hệ lụy rất rõ, chính quyền địa phương vẫn phải thực thi nhiệm vụ xóa nhà siêu mỏng, siêu méo mà họ đã "thả lỏng" trước đây và điều này gây tốn kém cho ngân sách địa phương, làm tổn hại lợi ích của người dân.

Thực tế, để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cũng đã ban hành văn bản quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông mới. Quyết tâm xử lý của TP là rất cao, tuy nhiên lại thiếu những hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện có căn cứ giải quyết, nhất là khi thu hồi đất của dân. UBND quận Hà Đông đã gửi văn bản đề nghị TP hướng dẫn trình tự thu hồi, đền bù các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND. Hay minh chứng rõ nhất là tại Ba Đình - quận trung tâm của TP thời gian qua việc xử lý các nhà siêu mỏng, siêu méo không hề đơn giản vì động chạm đến quyền lợi người dân. Phương án sử dụng sau thu hồi cũng là cái khó vì không phải chỗ nào cũng làm vườn hoa hay bảng tin được nên dễ dẫn đến phản tác dụng, dân khiếu kiện, tranh chấp.

Sở Xây dựng đề nghị, để hợp khối, hợp thửa hoặc thu hồi thành công nhà siêu mỏng, siêu méo, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong quá trình thu hồi, các nhà quản lý cần quan tâm đến diện tích ở thay thế và kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng. Vấn đề tái định cư cho những hộ dân ở nhà siêu mỏng, siêu méo cũng rất cần được lưu tâm. Thế nhưng, đáng tiếc rằng cơ quan có trách nhiệm tham mưu tổng hợp, giúp UBND TP xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là Sở Xây dựng chưa có bất kỳ văn bản nào kiến nghị TP phương án cụ thể, chi tiết giải quyết dứt điểm 394 nhà trong diện này.

Theo HNM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.