Trước tình hình thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng cao nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi phải đối mặt với vấn đề thiếu vốn. Do đó, một số chuyên gia nhận định, xu hướng sát nhập, chuyển nhượng, mua bán dự án sẽ sôi động trong năm nay.
Ai cũng biết, đầu tư một dự án BĐS cần có nguồn vốn rất lớn, trong khi vốn tự có của doanh nghiệp lại rất hạn chế, đa phần phải dựa vào ngân hàng. Do đó, với mức lãi suất cho vay ở khoảng 20 - 22%/năm như hiện nay, cùng với việc hạn chế tín dụng nhất là lĩnh vực BĐS trong năm nay sẽ là những yếu tố khiến việc đầu tư trên thị trường hạn chế đi rất nhiều. Nhiều chủ đầu tư phải tính toán lại tiến độ triển khai, bán hàng, kể cả việc giãn, dừng dự án. Đặc biệt, nhiều dự án có nguy cơ bị đổi chủ trước áp lực lãi suất cao, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng trong khi sản phẩm không tiêu thụ được.


Vì thiếu vốn nên buộc các chủ đầu tư phải dừng triển khai hoặc chuyển nhượng dự án. Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Thảo

Theo báo cáo của CBRE, năm 2010 tại TP.HCM đã tồn đọng khoảng 10.000 căn hộ, năm nay lại thêm 20.000 căn hộ nữa thì việc tìm được người mua cũng sẽ khó khăn. Còn tại thị trường Hà Nội, những căn hộ có giá bán từ 20-30 triệu đồng/m2 ở nhiều dự án thì đang phải dùng đủ chiêu để “hút” người mua như được đảm bảo một chỗ đỗ xe và được miễn phí tới một năm gửi xe. Hoặc có những dự án chủ đầu tư đã tính đến chuyện hạ thấp lợi nhuận để bán được nhiều hàng hơn…

Khi không bán được hàng sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng về dòng tiền cũng như vấn đề lãi suất ngân hàng, năng lực trả nợ… Vì thế, đối với giới kinh doanh địa ốc thì cụm từ “chuyển nhượng bất động sản” đã khá quen thuộc, thậm chí còn được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, loại hình được chào bán nhiều nhất tập trung vào phân khúc khu du lịch sinh thái và các cao ốc văn phòng vì thời gian thu hồi vốn chậm, trong khi nhu cầu mua lại tập trung ở mảng dự án chung cư và nhà ở.

Trên thị trường hiện nay, nhận thấy có hai loại doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhượng dự án. Loại 1, đó là các doanh nghiệp đầu tư BĐS gặp khó khăn về tài chính do bị tác động của khủng hoảng kinh tế nên họ có nhu cầu chuyển nhượng để duy trì hoạt động của mình. Xu hướng này chiếm đa số.

Loại thứ hai, đó là họ không hề vướng mắc hay khó khăn về tài chính. Nhưng mục đích của các doanh nghiệp này chỉ dừng lại ở giai đoạn lập dự án xong rồi bán.

Bình luận về xu hướng này, ông Trần Như Trung, Giám đốc nghiệp vụ bộ phận tư vấn và nghiên cứu thị trường Savills Vietnam cho rằng, quy mô thị trường đã lớn lên rất nhiều kể từ năm 2007. Trong xu thế thị trường đang mở rộng, sân chơi cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn, buộc những người chơi là các chủ đầu tư phải suy nghĩ nhiều hơn trong hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, trước khó khăn về huy động vốn, sự chịu đựng của nhà đầu tư dự án dường như đã kiệt sức phải tìm cách sang nhượng lại. “Để giải quyết tốt việc kinh doanh thì xu hướng sát nhập, mua bán, chuyển nhượng dự án là chuyện tất yếu trên thị trường” - ông Trung nhận định.

Một số chuyên gia khác cho rằng xu hướng này sẽ rất sôi động trong năm 2011 này. Theo ông Marc Towsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, thời gian qua đã diễn ra khá nhiều thương vụ chuyển nhượng, sáp nhập dự án BĐS. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ đều do chính các doanh nghiệp trong nước mua lại của doanh nghiệp trong nước, hoặc doanh nghiệp trong nước mua lại các dự án của công ty nước ngoài.

Ông Marc Towsend cũng cho rằng, đây sẽ là năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Do vậy, để có thể cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi các nhà đầu tư cần tạo các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt, đảm bảo chất lượng. Có như vậy, dù có bán sản phẩm hay chuyển nhượng mới đều thuận lợi.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland