Giữa lòng khu đô thị sầm uất, một khu dân cư ọp ẹp, ẩm thấp đã tồn tại gần 40 năm qua với những căn nhà chỉ rộng từ 4-10m2. Vì vướng quy hoạch “treo” nên người dân không thể sửa sang nhà cửa, trong khi số nhân khẩu ngày càng tăng. Họ phải chịu đựng cuộc sống chật chội, tối tăm, không có chỗ vệ sinh, tắm rửa.

Đó là tình cảnh của hơn 200 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu thuộc các tổ 10, 11, 12, 13, 14, 15, P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Chị Sáu đêm nào cũng phải ngủ ngồi. Sáu người trong gia đình chị chỉ sống sinh hoạt trong 4m2

Xóm hộp diêm

Chúng tôi đi vào con hẻm nhỏ của đường Hùng Vương nằm sát bên hông chợ Cồn thuộc tổ 10, P.Hải Châu 2. Hàng chục căn nhà với diện tích nhỏ chưa đến 10m2 nối nhau san sát. Cuối con hẻm là hai căn nhà nhỏ nhất của hai chị em dâu Nguyễn Thị Xí (48 tuổi), Nguyễn Thị Sáu (45 tuổi). Gọi là nhà nhưng mỗi căn chỉ có chiều dài 2m, chiều rộng 2m. Đó là nơi ăn ở, sinh hoạt của năm mẹ con nhà chị Xí và sáu thành viên gia đình chị Sáu.

“Sống như trong hang, cực khổ muôn bề không thể tả hết. Em thử ở một ngày rồi tự biết thôi”, chị Xí than thở. Con hẻm tối um. Ánh nắng chói chang giữa trưa bên ngoài không lọt được tia sáng nào đến căn nhà. Chiếc bóng đèn chữ u nhỏ treo giữa nhà được bật 24/24 là nguồn sáng duy nhất.

Chị Xí bố trí căn nhà của mình tinh gọn hết mức. Xoong, nồi, chén, bát treo lên bốn bức tường. Nấu ăn bằng chiếc bếp gas mi ni được đặt ở cái giá cao ngang bụng. Vật dụng đắt tiền nhất là chiếc tủ lạnh nhỏ đã cũ nép trong góc phòng. Chiếc quạt máy treo tường chạy liên tục, phát ra tiếng kêu lạch cạch, nhưng không hề giảm bớt cái oi bức và ngột ngạt trong căn nhà. Vòi nước lắp ngay cửa ra vào. Nước nhỏ từng giọt chảy tràn ra ngoài khiến nền nhà càng thêm ẩm thấp. “Xóm này toàn nhà hộp diêm nhưng nhà chị và nhà con Sáu là nhỏ nhất”, chị Xí nói.

Nhà chị Sáu bằng diện tích như nhà chị Xí nhưng nhiều hơn một nhân khẩu. “Hai vợ chồng, ba con trai, một con dâu. Trước thì cha con, vợ chồng ngủ dưới nền đất. Từ khi thằng cả lấy vợ, tôi phải làm thêm một gác xép cho vợ chồng nó ngủ”, chị Sáu kể. Gác xép nhà chị Sáu làm bằng những tấm gỗ tạp. “Trên đó chỉ ở được vào buổi tối, mà phải sau 9 giờ mới đỡ nóng. Vợ nó đang có bầu, trèo lên trèo xuống cái cầu thang nhỏ ọp ẹp nguy hiểm vô cùng mà đành chịu. Con dâu hai tháng nữa sinh nhưng chưa biết ở đâu cho đứa nhỏ đỡ cực”, chị Sáu thở dài mệt mỏi. Hai người đàn bà đều già trước tuổi, khắc khổ, xanh xao, gầy gò. “Trong nhà ni, cái chi cũng nho nhỏ để tiện sắp xếp, sử dụng. Vật dụng còn vậy huống chi con người, chỗ thở không có thì răng mà mập”, chị Xí đùa mà như đang khóc.

Sát nhà chị Sáu, “hộp diêm” của gia đình ông Trần Văn Yên (64 tuổi), tổ trưởng tổ 10, P.Hải Châu 2, rộng hơn nhưng cũng chỉ 10m2. Tuy vậy, “hộp diêm” này vô cùng chật chội khi có đến 11 thành viên của ba thế hệ trú ngụ. “Nhà chật chội nhưng không được cơi nới, xây dựng nên xuống cấp nhiều. Con cái lập gia đình rồi vẫn ngủ chung với cha mẹ. Cả gia đình chúng tôi lao động chân tay chỉ kiếm đủ ăn qua ngày. Tiền bạc không dư dả để thuê nhà bên ngoài, nên dù bất tiện cũng đành phải chen nhét nhau mà sống”, ông Yên nói.

Dọc các hẻm nhỏ ven chợ Cồn thuộc các tổ 10, 11, 12, 13, 14, 15, P.Hải Châu 2, hàng chục căn hộ siêu nhỏ có diện tích dưới 10m2 đang tồn tại giữa lòng thành phố.

Khổ vì… quy hoạch “treo”

Ông Yên cho biết, khu vực này được hình thành sau năm 1975. Lúc đó, hàng chục hộ dân không có đất ở nên Nhà nước đưa về đây cấp đất làm nhà với diện tích mỗi hộ chừng 10m2. Nhân khẩu các hộ ngày càng tăng nên nhà trở nên chật chội, bức bối. Tất cả các hộ đều có hộ khẩu, giấy tờ nhà đất nhưng không có sổ đỏ vì diện tích quá nhỏ. “Khu vực này tên là khu Cầu Vồng, vì nhà nhỏ, chật chội nên người ta gọi là xóm hộp diêm”, ông Yên chia sẻ. Phần lớn các hộ dân ở khu vực này đều là người lao động nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Các hộ dân nơi đây chịu đựng vô số nỗi khổ không tên; mùa nắng thì oi bức, nóng như trong lò thiêu; mùa mưa thì nhà dột, cột xiêu. Con hẻm nơi gia đình ông Yên sinh sống có 20 hộ, chỉ có bốn hộ có nhà vệ sinh. Hầu hết người dân khu vực này sử dụng nhà vệ sinh công cộng của chợ Cồn. “Tụi chị sang lắm, có nhà vệ sinh riêng. Nhà vệ sinh công cộng trong chợ. Tắm, giặt, vệ sinh cá nhân đều ở đó hết. Sống như vậy mấy chục năm nay rồi”, chị Xí đùa. Không chỉ khổ vì nhà vệ sinh mà đến chỗ ngủ cũng thiếu thốn. “Nhiều đêm, chị đành ngồi dựa vào tường để ngủ. Bữa cơm nấu xong dọn ra cũng không được ngồi cùng mâm. Ai ăn thì bới cơm, gắp thức ăn vào tô rồi đứng dậy ra ngoài ăn cho... thoáng”, chị Sáu vẫn giọng “lạc quan”.

Chị Xí cho biết, cực nhất là khi trong gia đình có việc tang ma hiếu hỉ. Năm 2002, chồng chị bệnh nặng qua đời nhưng không thể đưa quan tài chồng về nhà. “Hẻm nhỏ quan tài đưa vô không được. Mà nhà bé bằng lỗ mũi thì cũng không biết để quan tài ở đâu, đành phải mượn nhà cộng đồng của phường làm lễ tang. Ở xóm này, ai ốm đau bệnh tật cần cấp cứu cũng phải cõng ra ngoài đường lớn mới chở đi được”, chị Xí kể.

Theo các hộ dân tổ 10, khu vực Cầu Vồng đã được quy hoạch để xây dựng trung tâm thương mại chợ Cồn, tuy nhiên dự án không được triển khai. “Nằm trong khu đất quy hoạch treo nên nhà xuống cấp, hư hỏng cũng không được sửa chữa, cơi nới”, chị Xí bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trà Thanh Hải, Chủ tịch UBND P.Hải Châu 2 cho biết, khu Cầu Vồng có hơn 200 hộ, cả ngàn nhân khẩu đang sinh sống. Người dân không được cấp sổ đỏ do diện tích căn nhà quá nhỏ. Khu dân cư này nằm trong dự án quy hoạch chợ Cồn thành trung tâm thương mại, đã "rục rịch" từ 10 năm nay nhưng... chưa tìm được nhà đầu tư. Theo ông Hải, UBND TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ tiến hành xây dựng trung tâm thương mại vào năm 2015. “Khi dự án quy hoạch chợ Cồn được thực hiện thì người dân sẽ được bố trí chỗ ở mới, khang trang hơn và chấm dứt cảnh sống chui rúc khổ sở hiện nay”, ông Hải khẳng định.

Đình Thức (Phụ nữ Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.