Có ý kiến cho rằng, mặc dù tiêu thụ xi măng gần như dẫn đầu khối sản xuất công nghiệp, song hiệu quả đầu tư đối với các doanh nghiệp xi măng vẫn đang ở mức thấp. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng.

Ông Lê Văn Tới

Giá xi măng vừa tăng trong khi thị trường bất động sản (BĐS) lại chưa hồi phục, điều đó có làm ảnh hưởng đến tiêu thụ không, thưa ông?

- Do giá điện và nguyên vật liệu đầu vào tăng nên từ tháng 9/2013, giá xi măng đã tăng từ 50 - 90 nghìn đ/tấn. Tuy nhiên, điều đó không làm cho mức tiêu thụ xi măng giảm. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của tháng 9 là 5,09 triệu tấn, tương đương với tháng 8, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung 9 tháng năm nay thì tiêu thụ xi măng là 44,42 triệu tấn, bằng 111,9% so với năm 2012, đạt 79,32% kế hoạch năm. Đáng chú ý, hầu hết các nhà máy không sản xuất dư thừa nhiều so với mức tiêu thụ. Lượng tồn kho chỉ tương đương 12 - 14 ngày sản xuất. Trong đó, tồn kho của TCty Xi măng Việt Nam là 1,25 triệu tấn, chiếm gần 50% tồn kho của cả nước. Khối lượng tồn kho này là khối lượng dự trữ cần thiết để sản xuất được ổn định. Có thể nói, lượng tồn kho hiện nay khoảng 12 - 14 ngày sản xuất là bình thường.

Hiệu quả đầu tư đối với các DN sản xuất xi măng vẫn đang ở mức thấp, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Có được kết quả tiêu thụ xi măng khá như vậy là do Chính phủ vẫn ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các địa phương đã tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, trong đó chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu, đồng thời triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kinh tế trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên nhiều DN xi măng vẫn trong tình trạng khó khăn. Nguyên nhân bao trùm thì chúng ta đã rõ. Đó là ảnh hưởng suy thoái kinh tế, khó khăn về tín dụng, trong khi thị trường BĐS lại bị đóng băng, khiến cho khối lượng xây dựng của cả nước bị giảm đáng kể so với trước năm 2012. Chi phí tài chính cao cũng là một nguyên nhân khiến cho các DN xi măng trong thời gian qua gặp khó khăn lớn.

Mức độ khó khăn của mỗi DN cũng có khác nhau. Có DN đặc biệt khó khăn. Đó là những DN vốn tự có quá ít, chi phí đầu tư chủ yếu là vay ngân hàng; suất đầu tư cho dây chuyền sản xuất quá cao, tiêu hao nhiên liệu và điện lớn; DN có các yếu tố cạnh tranh thấp… Ngược lại có những DN đỡ khó khăn hơn, kinh doanh có hiệu quả tốt. Đó là những DN có dây chuyền với suất đầu tư thấp, tại những vị trí thuận lợi, có quản trị DN tốt. Những DN đầu tư sớm, có thời gian khấu hao và trả nợ đáng kể trước thời điểm bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hay những DN có vốn tự có lớn thì trong thời gian vừa qua và hiện nay vẫn có lợi nhuận.

Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh các dự án xi măng vừa qua là do chất lượng Quy hoạch yếu kém. Ông thấy thế nào?

- Việc điều chỉnh các dự án trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011) là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Nhà nước ta lại áp dụng những chính sách để chống lạm phát, thắt chặt tín dụng và đầu tư công. Bên cạnh đó, thị trường BĐS bị trầm lắng dẫn đến lượng tiêu thụ xi măng giảm, ảnh hưởng tới cung - cầu xi măng của cả nước nên việc điều chỉnh là cần thiết.

Trong nội dung của Quy hoạch 1488, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tiến hành rà soát và kiến nghị điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Việc điều chỉnh này phù hợp với lợi ích của đất nước và cũng vì chính lợi ích của các DN đầu tư dự án xi măng.

Như vậy việc kiểm tra rà soát tiến độ các dự án xi măng dự kiến hoàn thành trong thời gian 2012 - 2015 trong Quy hoạch xi măng, cùng với các đề xuất của Bộ Xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn 485/TTg-KTN về rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án xi măng theo quy hoạch) là đúng với chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, đúng nội dung của Quy hoạch 1488. Việc đề xuất kịp thời của Bộ Xây dựng và có ý kiến chỉ đạo nhanh của Thủ tướng Chính phủ là những yếu tố tích cực trong quản lý và điều hành Quy hoạch.

Vậy Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để thúc đẩy tiêu thụ xi măng?

- Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thực hiện song song hai giải pháp, đó là kích cầu và giảm cung xi măng. Các biện pháp kích cầu bao gồm: Tăng cường đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn và tín dụng cho việc đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, như cầu, đường, đê, đập, các nhà máy điện... Cùng với đó là tích cực triển khai chương trình Phát triển vật liệu xây không nung, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2013, các nội dung thuộc về “phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội” trong Chương trình đã được triển khai. Việc tuyên truyền sử dụng bê tông xi măng để xây dựng đường giao thông đã có tác dụng tích cực.

Bộ Xây dựng và Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình hành động về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, trong đó chú trọng các dự án thí điểm thi công mặt đường bê tông xi măng.

Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.