Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 2-4. Theo quy định, một số hành vi xây dựng không phép, sai phép sẽ được tồn tại, không phải phá dỡ phần vi phạm sau khi đã nộp phạt bổ sung.

Xây sai phép, không phép không bị cưỡng chế?

Theo thông tư 02, tổ chức có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, nếu không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.

Tổ chức vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ; bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng, sai thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư, hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế, kỹ thuật xây dựng. ...

Như vậy, các công trình xây dựng sai phép, không phép chỉ được tồn tại nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định: không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp.

Biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp cũng chỉ được áp dụng trong trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.


Các cao ốc tại dự án Đảo Kim Cương, quận 2, TPHCM đều xây vượt từ 1 – 2 tầng so với giấy phép

Theo ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư trên cũng đã lý giải: quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội.

Đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể áp dụng

Tuy nhiên thông tư 02 lại không được sự đồng tình của dư luận. Hiện quy định này đang gây nhiều tranh cãi vì nếu thực thi theo quy định tại thông tư này sẽ có nguy cơ phá vỡ diện mạo kiến trúc đô thị cũng như phá vỡ quy hoạch chung của thành phố khi để tồn tại những công trình xây dựng sai phép, trái quy hoạch.

Trước đó, ngày 12-3-2014, Bộ Xây dựng đã ra Thông cáo báo chí với nội dung sẽ “đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BXD cho phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng”.

Đến nay thông tư 02/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực (ngày 2-4) nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn khác nào từ Bộ Xây dựng theo như thông cáo đã nêu. Như vậy, các công trình xây sai phép, không phép… có lẽ sẽ lại tiếp tục bị treo đó, chờ văn bản hướng dẫn khác xử lý hợp lý hơn.

DL (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.