Sau thời gian dài khá yên ắng, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có dấu hiệu nóng trở lại. Không chỉ ở các huyện ngoại thành hay vùng ven, ngay tại các quận trung tâm thành phố, hàng loạt công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng đã bị phát hiện.

Tòa nhà 55A-55B Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xây sai phép
nằm ngay mặt đường vẫn “lọt lưới” cơ quan chức năng

Nội, ngoại thành đều “nóng”

Hôm qua, 31-5, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong gần 17 tháng qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 1.036 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công. 558 trường hợp xây dựng cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây sai với giấy phép được cấp. Tới nay, các lực lượng liên quan đã cưỡng chế phá dỡ 601 công trình vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ 311 công trình khác. Hiện nay, vẫn còn tồn đọng 788 công trình đang tiếp tục giải quyết.

Thanh tra Xây dựng TP thông tin, các công trình không phép tập trung tại các huyện (khoảng 93%), trong đó, phần lớn là xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất công hoặc đất lấn chiếm, đất chưa có quy hoạch xây dựng, khoảng 65%. Một số huyện xảy ra nhiều vụ vi phạm được “điểm mặt, chỉ tên” như Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Từ Liêm, Sóc Sơn. Đứng đầu bảng là Quốc Oai với 382 vụ, tiếp đó là Sóc Sơn (296 vụ) và Từ Liêm (170 vụ)...

Có số vụ vi phạm ít hơn ngoại thành nhưng các quận nội thành lại gây nhiều bức xúc bởi sự lỏng lẻo trong quản lý. Một số quận bị đánh giá là để tồn đọng nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm...

Dễ dàng “qua mặt”

Thanh tra Xây dựng TP cũng nêu rõ một số địa chỉ vi phạm được đánh giá nghiêm trọng, gây búc xúc dư luận như công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình sai phép tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê, (Tây Hồ); một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Trung Văn (Từ Liêm); các công trình xây dựng không phép trên đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)... “Nổi bật” nhất trong số này là công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A - 55B Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Nằm ngay mặt phố lớn giữa trung tâm Thủ đô nhưng chủ công trình vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng để xây sai phép (từ 9 tầng + tum thang thành... 13 tầng). Hiện nay, chủ đầu tư đang phải tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Đáng chú ý, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, số công trình vi phạm được đánh giá là nhiều cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Theo báo cáo rà soát của UBND quận Hai Bà Trưng, quận này thống kê có tới 31 công trình vi phạm trật tự xây dựng, tính tới tháng 5-2012. Trong đó, 11 công trình sai phép, 17 không phép và 3 công trình vi phạm quy định về môi trường, gây ảnh hưởng tới hộ liền kề. Đặc biệt, có tới 11 công trình vi phạm nằm ngay trên các tuyến phố lớn ở trung tâm như Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Đại Cồ Việt và Đoàn Trần Nghiệp. Hiện nay, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, mới có 11 vụ việc được giải quyết, 20 công trình còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét.

Buông lỏng quản lý

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nói trên là do ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật của một bộ phận tổ chức, công dân còn yếu kém. Tuy vậy, ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng cũng thừa nhận, “hiệu quả, vai trò quản lý Nhà nước về đô thị nói chung và trật tự xây dựng nói riêng của chính quyền cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu”. Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn: “Yếu kém thể hiện ở sự chậm phát hiện, tư tưởng né tránh, ngại va chạm của một số cán bộ, công chức”.

Giám đốc Nguyễn Thế Hùng xác định, UBND xã phường, thị trấn là địa chỉ chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mình. Thế nhưng, “trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương ở đây đã bị buông lỏng, đặc biệt ở cấp xã, phường” - Sở Xây dựng cho biết. Ngay cả khi các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện, lực lượng chức năng cũng xử lý không kiên quyết, có tình trạng vị nể, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền. Thậm chí, có cả hiện tượng bao che, dung túng cho hành vi vi phạm dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, siêu mỏng, siêu méo... gây bức xúc lớn trong dư luận. Tiếp đó, việc xử lý cán bộ có vi phạm trong quản lý cũng chưa thực hiện nghiêm khắc, triệt để... Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Xây dựng kiến nghị, thành phố cần có chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, bao che, dung túng cho hành vi vi phạm. Sở Nội vụ cần thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất để phát hiện hành vi nhũng nhiễu cũng như cố tình làm trái pháp luật của cán bộ để kịp thời xử lý.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.