Trong buổi đối thoại với UBND tỉnh Bình Phước hôm 23.9, nhiều người dân cho rằng, họ sẽ sống ra sao, khi tài sản, vườn tược mà mấy thế hệ gia đình tạo dựng mất hết. Trong khi đó, chính quyền bảo đất lâm nghiệp bị dân lấn chiếm, thu hồi để làm KLH Đồng Phú nên chỉ bồi thường theo các mức 35%, 30% và 10%...

Dự án “khủng” ngốn trọn… 5 xã

Theo UBND tỉnh BP, dự án KLH Đồng Phú đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 8.2010. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh BP đã ban hành công văn chỉ đạo triển khai dự án từ tháng 3.2012. UBND tỉnh BP đã giao Cty TNHH MTV caosu BP làm chủ đầu tư. Dự án KLH Đồng Phú ban đầu có quy mô 17.169ha và hiện nay, được điều chỉnh giảm xuống còn 14.531ha.

Đây là dự án công nghiệp - đô thị có quy mô “khủng” nhất từ trước đến nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam và lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh BP. Dự án “nuốt” trọn một diện tích đất khổng lồ, thuộc địa bàn 5 xã của huyện Đồng Phú, gồm: Tân Lập (1.913ha), Tân Lợi (2.613ha), Tân Hòa (2.972ha), Tân Hưng (4.629ha) và Tân Phước (2.404ha). Theo Ban chỉ đạo dự án KLH Đồng Phú, qua kết quả điều tra có khoảng 1.754 hộ dân đang canh tác, sinh sống trong vùng quy hoạch dự án.


Trung tâm hành chính huyện Đồng Phú, tỉnh BP - nơi diễn ra đối thoại giữa chính quyền với người dân xung quanh dự án KLH Đồng Phú. Ảnh: Hải Nguyễn

UBND tỉnh BP cho rằng: Tỉnh BP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng tỉ trọng nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nên chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Vì vậy, muốn phát triển như các địa phương lân cận (Bình Dương, Đồng Nai…), cần phải phát triển công nghiệp. Chính lẽ đó, UBND tỉnh BP đã quyết tâm phải thực hiện dự án KLH Đồng Phú, cho dù trước mắt còn nhiều thách thức.

Vẫn theo UBND tỉnh BP, KLH Đồng Phú sau khi hoàn thành sẽ có một vị trí chiến lược như: Giáp ranh “TP mới” Bình Dương (15km đến trung tâm hành chính), là điểm nối với sân bay Long Thành (75km), sân bay Tân Sơn Nhất (90km), cách TPHCM khoảng 80km…

Động chạm tới cuộc sống, việc làm… của hàng ngàn người dân

Ngay tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh BP hôm 23.9, ông Dung Quý Đông (ngụ xã Tân Hưng) đã phát biểu: “Một dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân là không thể đùa. Bản thân vợ chồng, con, cháu… chúng tôi sẽ sống ra sao đây; khi mà trong chốc lát, tài sản, vườn tược mà mấy thế hệ gia đình chúng tôi tạo dựng, mất hết. Chúng tôi lại trở về tay trắng”.

Ông Đông không đồng tình việc triển khai dự án này. Hiện gia đình ông Đông có 16ha đất trồng cây ăn trái, trị giá cả chục tỉ đồng; hằng năm, ông thu nhập ổn định tiền tỉ, nộp thuế cho Nhà nước 300 triệu đồng/năm… Một khi thực hiện dự án, đất ông Đông sẽ nằm trong diện “lấn chiếm đất lâm nghiệp”, không được bồi thường 100% diện tích, mà chỉ được hỗ trợ theo các mức 35%, 30% và 10%, tùy từng trường hợp.

Ông Đông cho rằng: “Thật phi lý, nói đất chúng tôi xâm chiếm bất hợp pháp; vậy mà nhiều năm qua, chính quyền vẫn cấp số nhà, lập trường học, lập nhà văn hóa… cho dân lấn chiếm đất sinh hoạt, cư ngụ, sinh sống, học hành? Lại còn cấp bằng khen, phong tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cho dân xâm chiếm đất lâm nghiệp (?!)”.

Ông Phan Đề (ngụ xã Tân Hưng) nói: “Sau giải phóng miền Nam, thời điểm những năm 80, huyện Đồng Phú toàn rừng thiêng, nước độc. Chính quyền hô hào người dân khai khẩn đất hoang hóa để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng tôi nghe theo vào khai khẩn, bom mìn chiến tranh còn sót lại, nhiều người dân khai hoang bỏ mạng trên mảnh đất này. Nay, sau 30 năm khai khẩn đất hoang… đột ngột, chính quyền bảo đất lâm nghiệp bị dân lấn chiếm, thu hồi để làm KLH Đồng Phú (?)…

Ông Hồ Quốc Hưng (ngụ ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng) nói: “Sau bao nhiêu năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được mảnh vườn sản xuất. Gần đây, người dân ấp Pa Pếch chúng tôi mới được thông báo chính quyền đã cấp sổ đỏ cho đất đai mà mình canh tác lâu nay. Nhưng lên lấy sổ mới biết lại có sự thay đổi gì đó, nên không cán bộ nào dám giao sổ đỏ cho chúng tôi.

Sau đó, người dân mới phát hiện đất đai bị quy hoạch sạch sẽ trong dự án KLH Đồng Phú”. Ông Hứa Văn Thi (ngụ xã Tân Phước) khẳng định: “Thật vô lý, đất người dân khai khẩn 20 - 30 năm, trồng caosu, điều, tiêu… từ 10 - 15 năm. Giờ nói dân xâm chiếm để thu hồi đất, hỗ trợ bèo bọt, khác nào đẩy dân vào bước đường cùng?”.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Cao Hùng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.