Một trong những yếu tố quyết định người trẻ mua nhà hay không bởi chính sách vốn cho đối tượng trên. Tuy nhiên, những chính sách vốn đang áp dụng cho phát triển nhà xã hội (NƠXH), nhà giá rẻ ngày một teo tóp và không ổn định khiến người mua nhà cảm giác như chính sách chỉ mang tính… truyền thông.
Nhà ở xã hội tại Tây Nam Linh Đàm chủ yếu bán cho gia đình trẻ. Ảnh: PV.

Bỗng dưng ngừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

NƠXH ra đời được 10 năm nhưng mãi đến khi gói 30.000 tỷ đồng xuất hiện năm 2012, người mua nhà mới chính thức được vay ưu đãi lãi suất (thấp hơn một nửa so với thị trường). Trước đó, chính sách cho NƠXH chỉ áp dụng vay ưu đãi với chủ đầu tư. Tuy nhiên, bản thân chủ đầu tư được vay rất ít từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo chỉ định. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay thương mại với lãi suất cao. Vì vậy, mới có chuyện NƠXH giá cao so với nhiều nhà thương mại do giá thành được chủ đầu tư cộng cả lãi vay ngân hàng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết 30/11, các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỷ đồng, đã giải ngân được 15.465 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 35.558 hộ với số tiền 16.736 tỷ đồng; giải ngân cho 35.554 hộ với số tiền 10.072 tỷ đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp đã cam kết cho vay 58 dự án với số tiền 7.374 tỷ đồng, trong đó 53 dự án đã được giải ngân với dư nợ là 3.837 tỷ đồng.

Người dân mua NƠXH và nhà giá rẻ vui mừng chưa được bao lâu thì bỗng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 26 có hiệu lực từ ngày 10/12, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần ngừng cho vay tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, trong đó có gói 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, còn nửa năm nữa mới hết hạn giải ngân gói hỗ trợ này.

Một phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ: Năm 2015, ngân hàng đã giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho hàng trăm hồ sơ mua NƠXH và nhà giá rẻ dưới 1,05 tỷ đồng. Vị này phân tích: Thông tư 26 của NHNN không đồng ý để ngân hàng TMCP nhận thế chấp bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán sau ngày 10/12. Nếu ngân hàng nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, người vay phải đăng ký ở phòng tài nguyên môi trường của quận. Trong khi đó, thủ tục này, quận cũng chưa có hướng dẫn và không làm được.

Việc dừng đột ngột giải ngân gói 30.000 tỷ đồng khiến không ít khách hàng mua NƠXH và nhà giá rẻ hoang mang, vì sắp đến kỳ hạn đóng tiền tiếp theo. Chị Ngọc Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng: “Hai vợ chồng trẻ vừa lấy nhau xong tiết kiệm và được cả hai bên gia đình nội ngoại cho 300 triệu đồng để đóng tiền đợt 1 tại dự án NƠXH. Còn nửa tháng nữa chúng tôi phải đóng đợt 2 gần 200 triệu đồng mà không biết xoay đâu ra. Tôi làm xong hết hồ sơ và thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng đi đến Vietcombank, BIDV, Vietinbank đều bị từ chối, vì họ chỉ nhận thế chấp bằng tài sản khác chứ không thế chấp bằng chính căn hộ đang mua từ giữa tháng 12”.

Trong khi đó, Nghị định 100 về Phát triển và Quản lý NƠXH vừa ban hành lại phân cho Ngân hàng Chính sách chủ trì gói vay hỗ trợ. Lãi suất vay do Thủ tướng quyết định theo đề nghị cho từng thời kỳ; lãi suất cho vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho từng thời kỳ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương và hiện chính sách này không biết bao giờ được thực hiện khi gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang thực thi lại dừng giải ngân.

Cần chính sách dài hạn và lãi suất thấp

Không ít lần, Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị giảm lãi suất và kéo dài thời gian gói 30.000 tỷ đồng nhưng đến nay, lãi suất năm đầu vẫn giữ nguyên 5% và những năm tiếp theo duy trì mức 6% trong thời hạn 15 năm. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM phân tích, đây là kiến nghị từ thực tế bởi gói hỗ trợ này phục vụ chủ yếu đối tượng nghèo, thu nhập thấp tại những đô thị lớn. Nếu để thời hạn vay 15 năm như hiện nay, không đủ để họ tích lũy trả nợ bởi thu nhập bình quân/người của Việt Nam còn thấp.

Bên cạnh đó, đề xuất của Hiệp hội dựa theo thông lệ cho vay trả góp của thế giới khi thông lệ cho vay trả góp của thế giới lấy 1 thế hệ con người (25 năm) là thời điểm để cho vay trả góp. Các nước trên thế giới cho vay trả góp dao động 20 – 30 năm.

“Quan điểm nhất quán của Hiệp hội BĐS TPHCM nếu là dự án NƠXH thì bất cứ thời điểm nào - kể cả khi không còn gói 30.000 tỷ nữa, người tiêu dùng vẫn nên được vay với lãi suất 3-3,5%/năm. Đề nghị được trả chậm tối thiểu là 20 năm chứ không phải là 15 năm như hiện nay”, ông Châu nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Minh -Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho rằng, ngân hàng nào khi cho vay cũng muốn thu hồi vốn nhanh chóng, an toàn. Bởi việc xử lý với tài sản đảm bảo đối với ngân hàng như là biện pháp cuối cùng.

“Quy chế cho vay của ngân hàng hiện nay là không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế giữa người già, người trẻ hay phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, thực tế người trẻ có nhu cầu bức bách về nhà ở và là đối tượng mua nhà chính tại các dự án NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần có kiến nghị để Chính phủ ra nghị quyết, tạo cơ chế cho ngân hàng có cơ hội hướng dòng vốn vào đối tượng trẻ”, ông Minh nói.

Ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, các ngân hàng báo cáo tiến độ giải ngân tốt gói 30.000 tỷ đồng. Bộ sẽ kiểm tra thông tin việc dừng vay gói 30.000 tỷ đồng thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai.
Duy Bách (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.