Một dự án được lãnh đạo TP Hà Nội dày công xây dựng, nhằm gom góp và lưu giữ những loài thực vật quý, thành nơi tham quan của nhân dân Thủ đô, được Thành phố đầu tư tiền tỷ, nhưng vừa hoàn thành lại được cho chuyển làm khu đô thị sinh thái...

Vườn thực vật có nguy cơ bị “xẻ thịt”

Ngân sách thành phố vừa chi 17 tỷ làm Vườn thực vật, nay lại đồng ý cho làm khu đô thị sinh thái.


Thôn tính đất vàng


Từ cuối năm 1997, UBND TP Hà Nội có chủ trương xây dựng Vườn thực vật Hà Nội, tuy nhiên, phải đến năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh, dự án mới được triển khai trong đó vốn ngân sách thành phố hơn 15 tỷ đồng, cộng thêm vốn huy động của doanh nghiệp.


Dự án được giao cho Cty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư và trực tiếp thực hiện, trên quy mô khoảng hơn 20 ha, tại địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.


Theo Sở KH&ĐT TP Hà Nội, tính đến nay ngân sách thành phố đã cấp khoảng 17 tỷ đồng (chưa kể vốn tự có của doanh nghiệp), để thực hiện, hoàn thành dự án. Sau khi cơ bản hoàn thành dự án vào đầu năm 2008, đưa vào sử dụng, Hadico trình Thành phố xin tiếp tục triển khai mở rộng thành dự án Công viên nông nghiệp sinh thái nghỉ dưỡng Từ Liêm.


Cần lưu ý, khi triển khai dự án Vườn thực vật, cả doanh nghiệp và chính quyền TP Hà Nội đặt ra mục tiêu, tạo ra giữa lòng Thủ đô một công viên sinh thái nông nghiệp, chuyên sưu tập và bảo quản các loài thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ du lịch, vui chơi giải trí cho nhân dân Thủ đô. Theo chính lời giới thiệu trên website của Hadico về dự án này, thì dự án được coi là một “ý tưởng độc đáo của các nhà lãnh đạo thành phố”.


Tuy nhiên, những năm gần đây, với tốc độ đô thị hoá nhanh tại huyện Từ Liêm, hơn 20 ha đất Vườn thực vật, theo quy hoạch tiếp giáp đường Hoàng Quốc Việt kéo dài bỗng trở thành đất vàng, nhiều đại gia bất động sản bắt đầu nhòm ngó khu đất này.


Ký dự án trước khi mãn nhiệm 3 ngày


Trong khi còn chưa triển khai mở rộng Vườn thực vật thành dự án Công viên nông nghiệp sinh thái nghỉ dưỡng Từ Liêm như kế hoạch, thì mới đây, Hadico đổi ý, họ kết hợp với Cty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, cho chuyển sang làm khu đô thị sinh thái.


Theo đề nghị, không chỉ Vườn thực vật mà Cty này còn đề nghị chuyển cả Vườn quả Từ Liêm (nơi chủ yếu trồng bưởi Diễn, khoảng trên 20 ha, thuộc một đơn vị thành viên của Hadico quản lý) và mở rộng sang đất xung quanh, để xây dựng khu đô thị sinh thái với tổng diện tích khoảng 60 ha.


Ngày 17-6, chỉ còn 3 ngày trước khi rời vị trí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng, ký văn bản số 5005 khẳng định: “UBND TP Hà Nội nhất trí về nguyên tắc với đề nghị của 2 Cty trên”. Đồng thời, ông Hùng giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, cho ý kiến về đề nghị của Hadico và Cty Kinh Bắc.


Nhận chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngày 30-6, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, Phạm Văn Khương, ký văn bản số 2620, gửi các sở ngành, UBND huyện Từ Liêm, yêu cầu làm rõ một số nội dung, có ý kiến bằng văn bản về các nội dung có liên quan tới việc chuyển khu đất Vườn thực vật và Vườn quả Từ Liêm sang dự án đô thị sinh thái.


Trao đổi với PV, ông Phan Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Hadico, cho biết bản thân ông cũng rất trăn trở với việc làm thế nào để khai thác vận hành hai khu vườn này có hiệu quả. Thành phố giao cho Cty nhưng không có nguồn vốn nào để duy trì và bảo tồn khu vườn. Toàn bộ kinh phí do Cty tự gánh. Cũng theo ông Nguyệt, ý tưởng làm Vườn thực vật tốt, nhưng xa rời thực tiễn.


“Khu đất của Vườn thực vật có cốt đất nền quá thấp, hạ tầng kỹ thuật không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp và bảo tồn cây rừng do quá trình đô thị hóa… Vì thế Cty mới đề nghị TP Hà Nội cho phép chuyển đổi thành khu đô thị sinh thái, kết hợp với di chuyển và xây dựng mới vườn quả, vườn thực vật sang địa điểm khác”.


Không thể vội vàng

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết hiện thành phố đang lấy ý kiến các sở, ngành. “Tôi đã giao Sở NN&PTNT đến nắm tình hình. Thành phố vừa chi cả chục tỷ đồng đầu tư thì nay phải có đánh giá hiệu quả đầu tư ra sao đã, chứ không thể vội vàng được” - ông Việt nói.


Theo Nhật Anh (Tiền Phong Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.