Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM hôm nay 25-2 công bố số liệu cho thấy thành phố có khoảng 20 khu vực bị sụt lún nhanh và 40 khu vực khác bị sụt lún với tốc độ chậm hơn. Tổng diện tích vùng sụt lún ở thành phố lên đến gần 7.200 héc ta.

Các khu vực bị sụt lún nhanh gồm một phần các phường 7, 15, 16 (quận 8); một phần các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12); một phần các phường Tân Tạo A, An Lạc, Bình Trị Đông B (Bình Tân); một phần phường 26 (Bình Thạnh); một phần các xã Phong Phú, Bình Hưng, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc (Bình Chánh), một phần xã Nhị Bình (Hóc Môn) và một phần các xã Nhơn Đức, Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè (Nhà Bè).

Một số khu vực bị sụt lún với tốc độ tương đối nhanh là quận 6 (một phần phường 10), quận 7 (một phần các phường Bình Thuận, Tân Thuận Tây, Tân Thuận, Phú Thuận, Phú Mỹ) và nhiều khu vực khác ở các quận 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.

Một khu vực ở huyện Nhà Bè bị sụt lún, sạt lở - Ảnh: Văn Nam

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết trong năm 2015, TPHCM tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất, khu vực bị sụt lún nhiều nhất đo được là 28 mm. Trong đó diện tích vùng lún nhanh (hơn 15 mm/năm) là 356 héc ta và diện tích vùng lún tương đối nhanh (10-15 mm/năm) là 2.440 héc ta, diện tích vùng lún trung bình (5-10 mm/năm) là gần 4.400 héc ta.

So sánh số liệu sụt lún giai đoạn năm 1996 – 2012 với số liệu năm 2015 cho thấy các khu vực quận 8, 12, Bình Chánh, vẫn tiếp tục bị lún. Còn khu vực quận 5, 10, 11, Tân Bình đã không còn xuất hiện các vùng lún nhanh. Trong khi đó, nhiều vùng lún mới xuất hiện như khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Phát biểu tại cuộc họp về tình hình quy hoạch, quản lý và đầu tư mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại TPHCM diễn ra sáng nay, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban, Ban Văn hóa xã hội, HĐND thành phố, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cần phân tích sâu hơn các nguyên nhân sụt lún, các khu vực sụt lún nói trên tác động thế nào đến các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, nhà cửa.

Theo bà Nhung, tình trạng sụt lún ở thành phố cũng liên quan đến tình trạng ngập úng đô thị hiện nay, tác động rất lớn đến đời sống dân sinh, do đó cần phải đánh giá tác động toàn diện, đặc biệt giúp hỗ trợ cho công tác đầu tư các dự án của doanh nghiệp, nhà nước.

Cách đây hai năm, các nhà khoa học tại TPHCM đã lên tiếng cảnh báo tình trạng khai thác nước ngầm vượt mức, xây nhà cao tầng, bê tông hóa vỉa hè ngày càng gia tăng là những nguyên nhân làm hạn chế khả năng thấm hút nước và gây ra hiện tượng sụt lún đất tại TPHCM và lún nặng nhất là ở phía Nam và Tây Nam thành phố.

Nhiều năm trước, có thời điểm mỗi ngày thành phố khai thác đến 600.000 m3 nước ngầm, chưa kể dân số ngày càng tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn làm giảm đất dành cho không gian xanh, xâm lấn hệ thống nước tự nhiên.

TPHCM chi 495 tỉ đồng cho hệ thống quan trắc nước, không khí

Theo dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đưa ra hôm nay, dự kiến từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Tổng kinh phí cho dự án này khoảng 495 tỉ đồng.

Trước đây, vào năm 2000 thành phố đã được các tổ chức nước ngoài tài trợ xây dựng 9 trạm quan trắc môi trường tự động nhưng đến năm 2012 các trạm này đã xuống cấp, hư hỏng. Từ năm 2012 đến nay thành phố chưa đầu tư hệ thống quan trắc môi trường hoàn chỉnh, kết quả quan trắc chủ yếu dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu và khó có thể đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí của thành phố một cách chính xác, đồng bộ.

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.