Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Điều này có nghĩa là có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các chủ đầu tư sẽ được phép chia nhỏ các căn hộ diện tích rộng, giá “trên trời” thành những căn hộ vừa túi tiền của người dân hơn, từ đó kích cầu BĐS, tháo gỡ bớt những khó khăn đang chất chồng bấy lâu.

Trên thực tế, kiến nghị trên của Bộ Xây dựng được đa số doanh nghiệp đồng tình. Bởi lẽ, nếu chủ trương này đi vào hiện thực, một lượng cung lớn vốn dĩ nằm quá xa nhu cầu của người dân đô thị sẽ được “bẻ lái” đến gần hơn nguồn cầu, từ đó có thể giải tỏa được một lượng lớn căn hộ đã tồn đọng khá lâu. Mặt khác, chủ trương này không những góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện giúp người dân đô thị có thể có thêm nhiều lựa chọn hợp với túi tiền hơn. Bởi trên thực tế, những dự án nhà có giá bán từ 10 triệu đồng/m2 trở xuống - mức giá được cho là khá lý tưởng - còn quá ít.

Theo nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, việc chia nhỏ căn hộ có diện tích lớn khác hoàn toàn với việc xây dựng căn hộ nhỏ và dễ gây nên những hệ lụy về hạ tầng xã hội. Tại một cuộc họp với Bộ Xây dựng, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc chia nhỏ căn hộ, trên lý thuyết đơn giản nhưng đi vào thực tế không thể vội vàng.

Bởi lẽ khi xây dựng một tòa nhà, những vấn đề như hạ tầng, kết cấu, số lượng người ở… đã được tính toán, ước lượng ở một mức độ nhất định. Xây lớn rồi lại chia nhỏ sẽ gây thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà và hậu quả kết cấu sẽ không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, chúng sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp khác như điện nước, thang máy, nhà vệ sinh, lối đi độc lập, cảnh quan, mật độ dân số, xin cấp phép… về lâu dài sẽ tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án. Một số người kém lạc quan hơn còn liên tưởng đến những khu “ổ chuột” mới khi người dân vì không có điều kiện đổi nhà, trước áp lực không gian sẽ phải cơi nới, hình thành nên những chung cư đeo “ba lô”, “chuồng cọp”, điều kiện sống không được đảm bảo như các khu chung cư cũ nát mà đến nay chính quyền còn chưa giải quyết xong.

Với thực tế quản lý chung cư như hiện nay, những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Theo nhiều chuyên gia, Bộ Xây dựng sẽ còn phải “đau đầu” nhiều với phương án “gỡ bí” này. Như thế nào là hợp với quy hoạch? Căn hộ diện tích bao nhiêu sẽ được chia nhỏ? Những dự án nào được chia hay là cho chia nhỏ đại trà? Điều chỉnh thiết kế ban đầu như thế nào để đảm bảo an toàn và điều kiện sống cho người dân? Phương án quản lý như thế nào để các khu chung cư này không nảy sinh tình trạng cơi nới, ba lô, chuồng cọp?

Chỉ khi trả lời thấu đáo được những câu hỏi này phương án chia nhỏ căn hộ của Bộ Xây dựng mới có thể thực sự mang lại những tác động tích cực cho cả doanh nghiệp, người dân và đô thị. Bên cạnh đó, dù được xem là tích cực, đây cũng chỉ là biện pháp mang tính tình thế, không thể áp dụng được lâu dài. Chính vì vậy, việc khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp xây dựng đi đúng vào nhu cầu của người dân: căn hộ nhỏ, giá thành thấp mới là việc quan trọng mà cơ quan quản lý cần tính đến.

Theo Khôi Nguyên (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.