Như Báo Lao Động đã thông tin, ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam - đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD) - đã gây thiệt hại cho Cty Đại Nam.

Ông Võ Văn Lượng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương - chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí sáng 24.10. Ảnh: Cao Hùng

Sáng 24.10, tại UBND tỉnh BD đã diễn ra cuộc gặp gỡ báo chí về sự vụ trên; tuy nhiên, có quá nhiều điều bất thường đã diễn ra tại cuộc gặp gỡ này.

Bất bình thường!

Ngay tại hội trường trong trụ sở UBND tỉnh BD, có mặt khoảng 20 nhà báo. Chủ trì cuộc gặp gỡ là ông Võ Văn Lượng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, ông Lê Phú Cường – Phó GĐ Sở Xây dựng, ông Bùi Văn Hai - Phó GĐ Sở TNMT cùng một số chuyên viên UBND và sở, ngành khác.

Ngay phút đầu tiên, PV Báo Lao Động đã băn khoăn: “Ngay từ đầu tuần, PV Lao Động đã có gửi giấy giới thiệu tận tay ông Lượng đăng ký xin được làm việc với Chủ tịch tỉnh BD. Thế mà đến hôm nay, PV Lao Động không hề được làm việc với Chủ tịch tỉnh BD, không biết gì về cuộc gặp gỡ giữa đại diện UBND tỉnh với các cơ quan báo chí. Chúng tôi không hề được mời mà phải tự tìm đến dự. Vì sao UBND tỉnh BD không mời những tờ báo từng phản ánh vụ việc này; trong khi lại mời rất nhiều báo khác? Phải chăng cuộc họp báo có gì bất bình thường?”.

Ông Lượng đã thừa nhận có việc PV Báo Lao Động đăng ký làm việc; tuy nhiên, cuộc gặp báo chí hôm nay “không phải là họp báo, mà chỉ là cuộc gặp gỡ những cơ quan báo chí muốn được cung cấp thông tin... Sau này, khi đã rà soát, chuẩn bị tổng hợp hồ sơ, UBND tỉnh sẽ họp báo chính thức” - ông Lượng phân bua.

Song, thanh minh trên của ông Lượng không thỏa mãn các nhà báo; bởi “gặp gỡ báo chí thông tin bước đầu”, nhưng tại sao có mặt khá đông đủ lãnh đạo sở, ngành chức năng liên quan, những lãnh đạo này phát biểu hoàn toàn mang tính chất kết luận, khẳng định, nhằm biện hộ cho việc làm của Chủ tịch UBND tỉnh BD Lê Thanh Cung?

Quan điểm lãnh đạo… chọi nhau?

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Phú Cường – Phó GĐ Sở Xây dựng tỉnh BD – cho rằng: “Việc Cty Đại Nam huy động góp vốn, trong khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai”. Riêng việc UBND tỉnh BD chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 kéo dài tới 7 năm – như công luận lên tiếng – ông Cường lý giải: “không phải vậy, mà chỉ kéo dài hơn 3 năm!”. Các nhà báo chất vấn, “kéo dài 3 năm có sai đối với chủ đầu tư hay không?”. Ông Cường lúng túng: “Tôi thừa nhận là… chậm; nhưng nguyên nhân chậm do nhiều yếu tố khác, chưa hẳn là sai…”.

Có người đặt vấn đề: “Biên bản cuộc họp ngày 25.8.2009, Sở Xây dựng, Sở TNMT và các cơ quan khác, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đã khẳng định, Cty Đại Nam thực hiện quyền góp vốn, chuyển nhượng QSDĐ là đúng quy định của Luật Đất đai. Báo cáo số 2021/BC-SXD ngày 4.9.2009, ông Trần Văn Dũng – GĐ Sở Xây dựng tỉnh BD lúc đó – cũng kết luận “UBND tỉnh cho phép ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”, “Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định pháp luật”.

Nay, ông Cường lại cho rằng việc huy động góp vốn của Cty Đại Nam là sai, liệu có mâu thuẫn, trái ngược nhau trong lãnh đạo của Sở Xây dựng hay không?”. Ông Cường cho rằng, mình chỉ quan tâm đến các quy định về Luật Xây dựng, quy hoạch, nên thấy Cty Đại Nam thực hiện chưa đúng; còn chiểu theo các quy định về Luật Đất đai, những lãnh đạo khác kết luận trái ngược với ông Cường, thì là việc của họ, ông Cường không biết… (?).

Thậm chí, ông Cường còn khẳng định giấy phép tỉnh BD chỉ cho phép Cty Đại Nam thực hiện dự án “khu ở” trên diện tích 61,4ha, nhưng Cty Đại Nam đã làm sai quy hoạch, khi phân lô bán nền như khu nhà ở thương mại, nên tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 v.v… Song, có người dẫn chứng diện tích 61,4ha đất dành cho dự án “khu ở” đã được UBND tỉnh BD cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Cty Đại Nam, với mục đích sử dụng là “đất ở”, thời hạn sử dụng lâu dài…

Điều này đồng nghĩa chủ đầu tư hoàn toàn có quyền chuyển nhượng QSDĐ, công trình kiến trúc, hạ tầng gắn liền với đất… như Luật Đất đai quy định, tại sao nói Cty Đại Nam làm sai? Giấy chứng nhận QSDĐ có phải là cơ sở pháp lý?”. Ông Cường không trả lời trực tiếp câu hỏi này, mà nói rằng ông Cường căn cứ Luật Kinh doanh nhà ở, Luật Xây dựng…, nên thấy Cty Đại Nam… sai (?!).

Tại cuộc họp, thay mặt UBND tỉnh BD, ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh văn phòng – đã quy kết Cty Đại Nam đã thực hiện sai quy hoạch, giấy phép ban đầu mà UBND tỉnh đã cấp cho Cty Đại Nam. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, đến tận hôm nay Sở Xây dựng vẫn chưa hề nhận được hồ sơ xin được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; còn việc Cty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch khu dân cư đô thị 136,6ha, thẩm quyền phê duyệt này thuộc Bộ Xây dựng và Chính phủ…

Thế nhưng, tại hồ sơ vụ việc cho thấy, Cty Đại Nam đã từ bỏ mở rộng khu đô thị (theo chủ trương của UBND tỉnh BD là “tăng đất dịch vụ - đô thị, giảm đất KCN” cho phù hợp cảnh quan thành phố mới BD); trái lại, chỉ đề nghị UBND tỉnh BD phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 diện tích đất khu ở (61,4ha), như giấy phép kinh doanh đầu tư mà UBND tỉnh BD chấp thuận từ năm 2006.

Mặt khác, Cty Đại Nam đã gửi văn bản 341/CV-ĐN ngày 22.10.2009 cùng toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch 1/500 cho Sở Xây dựng tỉnh BD. Hồ sơ đã trình Sở Xây dựng tại biên nhận số 1093/SXD-VP ngày 26.10.2009. Vì vậy, lãnh đạo Sở Xây dựng không thể lấy bất cứ lý do nào chối bỏ việc Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ của Cty Đại Nam.

Hoàng Hưng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.