Báo CATP ngày 28-2-2014, đăng bài Biến đất công thành đất “ông”, phản ánh bất bình của người dân. Cụ thể là một khúc mương công cộng nằm trong quyền sử dụng đất (QSDĐ) của người dân, khi dự án (DA) thành phần 1 - xây dựng cầu Cao Lãnh thuộc DA kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông đi qua, bỗng dưng UBND huyện Cao Lãnh ra quyết định (QĐ) bồi thường cho ông… bí thư chi bộ ấp.
Lấy đất công để "biếu"
Năm 1995, huyện Cao Lãnh cấp cho ba hộ Nguyễn Văn Lộc (SN 1930), Nguyễn Văn Triếu (SN 1962), Nguyễn Thị Lan (SN 1968, cùng ngụ ấp An Định, huyện Cao Lãnh) ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tách thành ba thửa liền kề nhau gồm thửa 1052, 1605 và 1460. Trên thực tế, hộ ông Triếu đã sử dụng mảnh đất được cấp từ năm 1991 do nhận sang nhượng lại từ người cậu. Mặt tiền ba thửa này giáp với Quốc lộ (QL) 30, chiều ngang 25,3m2. Phía trước - đoạn gần giáp với QL30 của ba thửa này có con rạch chảy qua, tên gọi là rạch Xẻo Chanh, rộng cỡ 5m. Con rạch này nằm trong GCNQSDĐ của ba hộ trên. Để đi ra đường, các hộ bắc cầu qua rạch. Đối diện với đất ba hộ trên có đất của ông Nguyễn Văn Hiệu - Bí thư ấp An Định, xã An Bình, diện tích 888m2, bề ngang giáp với QL30 là 12m do mẹ ông Hiệu sang nhượng lại từ năm 1989.
Những lần làm hồ sơ cho ba hộ trên, chính quyền địa phương xác nhận đất của họ không giáp ranh với đất ông Hiệu. Ông Triếu cho biết: Năm 2000, con lộ này bị ngập lụt, Nhà nước mở rộng đường có lấn vào đất của người dân mỗi bên 2m. Khi QL30 nâng cấp thì đất của ông Hiệu nằm lọt trong QL rồi. Lúc này, con rạch chỉ còn lại là cái ao rộng hơn 200m2. Do người dân quăng rác xuống ao gây mất vệ sinh nên chúng tôi đã lấp ao lại. Từ năm 2003, tôi trồng cây kiểng, hoa màu trên khu đất này. Tôi đăng ký chỉnh lý biến động thửa đất mình đang sử dụng nhưng cán bộ địa chính xã An Bình không đồng ý vì cho rằng đất mương rạch là đất công cộng. Năm 2012, Nhà nước có DA làm cầu Cao Lãnh, giải phóng mặt bằng, đến bù cho những hộ bị ảnh hưởng. Ngày 27-3-2013, UBND huyện này ra QĐ bồi thường 732 triệu đồng đối với phần đất rạch công cộng, diện tích 292,6m2 nằm trong GCNQSDĐ của ba hộ gồm các ông bà Lộc, Triếu, Lan cho ông Hiệu nên phát sinh khiếu kiện.
Ông Triếu cho rằng. “Chúng tôi bỏ công, bỏ của ra tôn tạo, sử dụng nhiều năm liền thì không được đền bù, ông Hiệu thì “phù phép” hồ sơ chiếm đoạt tiền ngân sách. Để hợp thức hóa vụ biến đất công thành “đất ông”, ngày 18-9-2012, các ông Nguyễn Quốc Thắng - Phó chủ tịch xã, Trần Quốc Hậu và Đinh Bé Thành - Trưởng ban nhân dân ấp An Định - lập biên bản khảo sát. Chúng tôi và ông Hiệu đã tranh chấp thửa đất trên nhiều năm liền nhưng trong biên bản lại không thể hiện việc này. Tờ biên bản không đúng sự thật này đã được bổ sung để nhận tiền bồi thường. Nếu cho rằng đây là mương công cộng thì phải trừ ra chứ sao lại đền bù cho ông Hiệu? Phi lý hơn, chiều ngang đất ông Hiệu chỉ có 12m, nhưng diện tích đền bù lên tới 25,3m? Không lẽ huyện Cao Lãnh tự “vẽ” thêm đất để “biếu” cho ông Hiệu?”.
Ngoài chuyện lấy đất công đền bù cho ông cán bộ ấp, khi huyện Cao Lãnh ra QĐ đền bù đất công cho một mình ông Hiệu, nhưng lúc nhận tiền bồi thường lại có thêm hai người khác nữa, một người nhận 281 triệu đồng, người khác nhận 104 triệu đồng. Người dân thắc mắc “vì sao đền bù cho một người mà có thêm hai người không liên quan lên nhận? Cơ sở nào cho hai người này để họ ra nhận tiền?”.
Con mương công cộng nằm trong GCNQSDĐ của dân, nhưng huyện Cao Lãnh lại ra quyết định bồi thường cho ông... bí thư ấp?!
Mương công cộng nằm trong GCNQSDĐ của dân, nhưng huyện Cao Lãnh lại ra quyết định bồi thường cho ông... bí thư ấp?!
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Trao đổi với chúng tôi, ngày 13-8-2014, ông Huỳnh Minh Phú - Chủ tịch xã An Bình - cho biết: “Rạch Xẻo Chanh đã có từ trước năm 1945 và cắt ngang qua ba thửa đất của ông Lộc, ông Triếu, bà Lan. Phía ngoài rạch Xẻo Chanh có một khoảng đất trống mới đến QL30. Quá trình sử dụng, ba hộ trên tiến hành san lấp con rạch và sử dụng ổn định trong thời gian dài. Trước đây, ba hộ này và ông Hiệu đã phát sinh hai lần tranh chấp. Năm 2010, ông Hiệu tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất ở khu vực giáp mương thì phát sinh tranh chấp lần thứ hai. Khi giải quyết, chủ tịch xã lúc bấy giờ giải quyết không rõ ràng nên xã cũng không nắm được. Chúng tôi có nghe cán bộ địa chính lúc đó nói lại thì khu vực con rạch được xác định là đất công, không chia cho bên nào.
Chúng tôi thắc mắc: “Nếu xác nhận là đất công thì sao lại bồi thường cho ông Hiệu?”. Ông Phú giải thích: “Khi đi xác minh nguồn gốc đất, cán bộ địa chính xã cũ cho rằng miếng đất đó quá nhỏ nên đã gộp “mương + lộ” vẽ chung vào một thửa. Trước đây, xã có phối hợp với tỉnh để xác lập thủ tục ban đầu về kê khai đất đai, cử anh Hạt - Trưởng ấp cũ - đi xác minh ranh giới. Anh Hạt không báo cáo lại việc tranh chấp giữa ông Triếu với ông Hiệu nên xã không nắm được, do đó xác nhận vào hồ sơ là không có tranh chấp. Một phần do một số anh em chưa quan tâm nhiều đến công việc, nên đã xảy ra một số sai sót”.
Lý giải việc vì sao có thêm hai người nữa cùng nhận tiền bồi thường với ông Hiệu, ông Phú cho biết: “Khi huyện Cao Lãnh ra QĐ bồi thường cho ông Hiệu 292,6m2 thì ông Dũng - một trong hai hộ có đất liền kề với Hiệu, làm đơn khiếu nại vì sao ông Hiệu lại kê khai luôn đất của ông Dũng gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) tỉnh và đề nghị đo lại diện tích bồi thường. Lúc này, TTPTQĐ tỉnh kết hợp với xã, huyện tách riêng ba hộ để xác minh lại. Đang đo đạc từng hộ thì ông Dũng rút đơn. TTPTQĐ xếp hồ sơ, giữ nguyên QĐ bồi thường ban đầu của huyện cho ông Hiệu. Hai hộ liền kề đã thỏa thuận riêng với ông Hiệu để nhận tiền đền bù.
Ông Phú cũng cho biết: “Sau khi Báo CATP phản ánh, lãnh đạo huyện lập tổ thanh tra để xác minh. Trong quá trình giải quyết, xã trở thành đối tượng liên quan nên không còn quyền hạn gì. Tới thời điểm này đã có kết luận của thanh tra về khiếu nại ở chỗ ông Triếu rồi. Muốn biết cụ thể, phóng viên hãy liên hệ với thanh tra huyện để biết thêm thông tin”. Chiều cùng ngày, chúng tôi liên hệ với huyện biết thêm thông tin về sự việc, thì hai cán bộ huyện nói “huyện đang xác minh, chưa có kết luận gì”?! Ngày 18-8-2014, chúng tôi liên hệ với ông Bùi Tấn Phước - Chánh văn phòng huyện Cao Lãnh - thì ông bảo “đang bận đi học”.
Trong khi huyện Cao Lãnh đang ầu ơ trong việc giải quyết sự việc, các hộ có đất bị ảnh hưởng như đang ngồi trên “đống lửa”. Họ lo lắng nếu huyện chậm trễ bồi thường thì khi Nhà nước lấy đất làm DA, họ không biết xoay trở ra sao. Ngoài chuyện đề nghị huyện thu hồi phần đất 292,6m2 đền bù cho ông Hiệu, ba hộ trên cũng đề nghị huyện cần có những biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm.
Hải Văn (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.