Liệu các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam thời điểm này có bị coi là chậm chân? Làn sóng M&A gần đây cho thấy câu trả lời là "Không".

Dòng vốn đầu tư vào bất động sản từ Nhật sẽ tăng nhanh trong thời gian sắp tới, khi các công ty bất động sản từ đất nước mặt trời mọc đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Công ty Toshin Development, chẳng hạn, gần đây đã đề xuất xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại TP.HCM. Dự án này sẽ được phát triển tại khu vực chợ Bến Thành và nối liền với tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên.

Tổng vốn đầu tư dự án của Toshin Development ước tính khoảng 6.374 tỉ đồng, trong đó Toshin đề nghị phát triển dự án theo hình thức đối tác công - tư với cơ cấu góp vốn là 67% và 33%. Theo đó, toàn bộ trung tâm thương mại ngầm được chia thành khu vực công cộng và khu vực thương mại. Ðối tác công phía Việt Nam sẽ đầu tư lối đi công cộng bằng vốn viện trợ ODA của Nhật, còn Toshin Development sẽ đầu tư khu trung tâm thương mại.

Toshin Development là một công ty con thuộc tập đoàn phát triển trung tâm thương mại Takashimaya. Nếu như dự án khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được chấp thuận, đây sẽ là dự án thứ hai của Takashimaya tại TP.HCM.

Cách đây 3 năm, Takashimaya đã thỏa thuận với Keppel Land để phát triển một trung tâm thương mại tại tòa nhà giai đoạn 2 của dự án Saigon Center. Hiện tại, dự án này đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ mở cửa trong năm 2016.

Nhật hiện đang là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. Nhưng trong suốt 2 thập niên qua, phần lớn nguồn vốn đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bất động sản trong quá khứ không phải là mối quan tâm của người Nhật tại Việt Nam. Thị trường này được nhường cho các công ty đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Malaysia.

Tuy nhiên, tình thế hiện đã thay đổi. Cùng với Takashimaya, tập đoàn Nhật Tokyu đã liên doanh với Becamex để phát triển một dự án tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỉ USD. Tập đoàn Aeon cũng đã có 2 trung tâm thương mại tại TP.HCM và một trung tâm đang trong quá trình xây dựng tại Hà Nội. Tập đoàn bán lẻ này dự kiến sẽ xây thêm trung tâm thương mại thứ hai tại Hà Nội trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, cho biết bất động sản đang là lĩnh vực quan tâm mới của Nhật tại thị trường này. “Nhật có nhiều bí quyết phát triển nhà ở, thậm chí từ những khu vực bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Vì vậy hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực này sẽ có nhiều đóng góp và hiệu quả tích cực,” ông Tokuyama nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua.


Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam

Ông Tokuyama cũng nhấn mạnh sự hấp dẫn của Việt Nam nằm ở chỗ tốc độ đô thị hóa đang rất cao, dẫn đến nhu cầu về nhà ở khá lớn.

Đây là lần đầu tiên đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật đề cập đến sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật trong lĩnh vực bất động sản, tại một diễn đàn đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó cho thấy sự coi trọng của người Nhật đến thị trường này và cũng giúp đa dạng thêm dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Theo Creed Group, một quỹ đầu tư Nhật chuyên về lĩnh vực bất động sản, mặc dù giá bất động sản ở Việt Nam đang tăng trở lại sau một thời gian dài tuột dốc, giá trị bất động sản đó vẫn có thể bị đánh giá thấp nếu so với tiềm năng dân số và công nghiệp hóa. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao Creed Group quyết định đầu tư vào Việt Nam hồi năm ngoái.

Nhưng liệu các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam thời điểm này có bị coi là chậm chân? Nếu so với các công ty đến từ Singapore, Hàn Quốc hay Hồng Kông thì đúng. Thách thức của các công ty Nhật là họ sẽ khó tìm được vị trí đắc địa cho những dự án mới.

Tuy nhiên, làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản hiện đã tạo ra cơ hội mới cho các công ty nước ngoài đến sau như Creed Group. Bằng cách rót 600 tỉ đồng vào dự án City Gate Towers tại TP.HCM của Công ty Năm Bảy Bảy, Creed Group đã nhanh chóng đặt chân vào thị trường Việt Nam. Quỹ đầu tư này còn ký thỏa thuận nguyên tắc tham gia phát triển 2 dự án khác của Năm Bảy Bảy là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỉ lệ góp vốn 50%.

Đây cũng chính là cách mà Haseko, một công ty phát triển bất động sản khác của Nhật, đã làm. Công ty này gần đây cho biết đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn Him Lam để phát triển một dự án nhà ở tại Hà Nội. Đây là dự án đầu tiên ở ngoài nước Nhật của Haseko kể từ năm 1988. Công ty Nhật này sẽ nắm giữ 98% cổ phần trong liên doanh mới.

Dự án liên doanh giữa Haseko và Him Lam nằm cách trung tâm Hà Nội 5 km, được dự kiến hoàn thành vào năm 2017 với hơn 100 căn hộ cho thuê. Haseko còn có tham vọng sẽ tìm kiếm thêm nhiều đối tác trong nước khác để đạt mục tiêu chiếm 10% thị phần nhà ở chung cư tại Việt Nam.

Ninh Kiều (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.