Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành-Cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân” diễn ra mới đây, TS. Trương Văn Phước (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, ngay ở bước đầu, cần linh hoạt trong nguồn vốn triển khai dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành chứ không nên chỉ trông vào ngân sách.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về cơ chế đặc thù cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dân cư vùng Dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành. Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng triển khai bước 1 của dự án. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những đột phá của nền kinh tế. Riêng về dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành, vấn đề hết sức cấp bách là làm sao có nguồn tài chính để có thể triển khai dự án, mà bước đầu là tiến hành đền bù, giải tỏa, tái định cư cho người dân.
Về kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai có cơ chế để tạm ứng vốn bước đầu cho công tác đền bù, giải tỏa gần 5.000 hộ dân, tôi cho rằng có thể phân bố ngân sách để đáp ứng. CHK quốc tế Long Thành là dự án lớn, quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế nên một cơ chế đặc thù là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng bên cạnh ngân sách thì có thể linh hoạt sử dụng nhiều chính sách về tài chính khác để có thể huy động vốn triển khai dự án. Ví dụ có cơ chế để các hộ dân không nhận tiền đền bù ngay một lúc mà dàn trải ra khoảng thời gian nhất định
Xin ông phân tích rõ hơn về hình thức huy động vốn từ người dân đã nêu trên cũng như tính khả thi trong thực tiễn?
Về phương án huy động vốn trong dân, với riêng dự án CHK quốc tế Long Thành có thể xem xét tới việc phát hành một loại trái phiếu, tín phiếu mang tên “Đầu tư dự án sân bay Long Thành” và bán cho các nhà đầu tư chính là các hộ dân trong diện giải tỏa. Đương nhiên, trước đó người dân cần nhận một số tiền mặt nhất định. Ví dụ, một hộ dân được đền bù 5 tỷ đồng chỉ nhận trước 2 tỷ đồng, phần còn lại có thể mua trái phiếu, tín phiếu trong thời gian 3-5 năm. Người dân mua trái phiếu, tín phiếu sẽ được hưởng một mức lãi suất nhất định.
Vì Việt Nam chưa phát triển thị trường vốn đầy đủ, chuyên nghiệp nên những hình thức huy động vốn như thế này có thể được coi là mới. Tuy nhiên, thực chất mấy chục năm vừa qua, nhiều dự án, công trình của Việt Nam cũng sử dụng ít nhiều cách huy động nguồn lực trong dân như thế này. Đó là người dân mua Công trái, nghĩa là đưa tiền cho Chính phủ, Bộ Tài chính để phân bổ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước. Hiện nay, với dự án đặc thù là CHK quốc tế Long Thành, tôi nghĩ rằng bài học này không phải là mới.
Bộ Giao thông vận tải chủ trương sẽ thúc đẩy mạnh xã hội hóa, điển hình như nhượng quyền khai thác một số CHK để lấy vốn xây dựng CHK quốc tế Long Thành. Quan điểm của ông xung quanh vấn đề này?
Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô nên việc đa dạng hóa thị trường tài chính làm sao để thị trường vốn phát triển, huy động được nguồn lực đầu tư vào cơ sơ hạ tầng có triển vọng rất lớn.
Tôi không ngạc nhiên nếu như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hay các Bộ khác để huy động vốn có thể tiến hành cân đối các yếu tố, thông qua rất nhiều nguồn lực kể cả cân đối ngân sách trong nước cũng như đi vay bên ngoài, vay ODA, hay đi vay thương mại, huy động vốn trong dân... Đó là những công cụ tương đối phù hợp và khả thi trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đối với riêng ý tưởng nhượng quyền khai thác các sân bay, các cơ sở hạ tầng để lấy vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khác là một xu hướng không chỉ của Việt Nam mà thế giới cũng vậy. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý nhằm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo phương án do tỉnh Đồng Nai xây dựng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tiến hành thu hồi trên 2.557,8 ha thuộc địa bàn 4 xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu và xã Cẩm Đường với 1.808 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.067 hộ giải toả trắng (dự kiến hoàn thành trong 3 năm). Giai đoạn 2 của dự án sẽ thu hồi trên 2.442 ha diện tích đất còn lại với 2.922 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có trên 2.507 hộ bị giải toả trắng.
UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án riêng thuộc dự án CHK quốc tế Long Thành và chỉ đạo giao cho UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng kể từ cuối năm 2015.
Dự kiến, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng bước 1 (2.750 ha) và khu tái định cư Lộc An-Bình Phước khoảng 11.266 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ công tác bố trí tái định cư, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng triển khai bước 1 của dự án.
Thanh Nguyễn (Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.