Từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông công cộng Thủ đô, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã lần lượt chuẩn bị và thực hiện 6 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT), trong đó 2 dự án đã được khởi công nhưng đến nay tất cả các dự án này không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Sau 3 năm khởi công khu đề-pô ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội vẫn là bãi đất trống, bảng phối cảnh rách tơi tả. Ảnh: T. Đảng
Sau 3 năm khởi công khu đề-pô ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội vẫn là bãi đất trống, bảng phối cảnh rách tơi tả. Ảnh: T. Đảng.

Là dự án đầu tiên trong 6 dự án ĐSĐT tại Hà Nội được khởi công (9/2010), dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2016 với công suất vận chuyển khoảng 9.000 hành khách/h lượt (giai đoạn 1) dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội được đánh giá sẽ nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, giải quyết tình trạng ùn tắc và đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại hóa.

Vậy nhưng sau 3 năm khởi công, đến nay 9 gói thầu của dự án chưa có gói thầu nào hoàn thiện.Riêng gói giải phóng mặt bằng, tái định cư và công trình hạ tầng kỹ thuật đề-pô (ga cuối) nằm trên địa bàn các xã Tây Tựu, Minh Khai, huyện Từ Liêm được yêu cầu triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2006 đến 2012 nhưng đến nay cả khu đề-pô, đường dẫn rộng trên 10 ha vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết, toàn bộ khu đề-pô có diện tích 12 ha, hầu hết diện tích này được thu hồi từ đất trồng hoa của bà con trong xã.

Nhìn vào tấm biển phối cảnh tại khu đề-pô bị mưa gió lâu ngày quật rách, ông Chu Hữu Nguyên, người dân ở thôn 3 xã Tây Tựu phàn nàn: Từ năm 2007, dự án bắt đầu thu hồi đất của dân, riêng nhà ông có 2 sào bị giải phóng. “Trung bình mỗi sào đất nông nghiệp ở Tây Tựu nếu trồng hoa mỗi năm sẽ cho 3 vụ với thu nhập trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng. Nay thấy dự án thu hồi đất xong bỏ trống chúng tôi xót lắm” - ông Nguyên nói.

Ngoài thu hồi đất nông nghiệp rồi bỏ trống hơn 5 năm nay, theo tìm hiểu của Tiền phong, do không thi công đúng tiến độ nên với tổng mức đầu tư 783 triệu euro (vay ODA chính phủ Pháp) ban đầu, nay dự án phải điều chỉnh bổ sung thêm hàng chục triệu euro.

Lý giải điều này, đại diện Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, mức đầu tư 783 triệu euro được phê duyệt từ năm 2009 với mặt bằng quy hoạch dự án theo tỷ lệ 1/2000. Nay ngoài tỷ lệ được quy hoạch lại, còn do tác động của khủng hoảng kinh tế khiến mức đầu tư trên không còn phù hợp.

Hứa, rồi thất hứa

Cùng với dự án Nhổn - ga Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội còn triển khai nhiều dự án ĐSĐT khác như: Ngọc Hồi - Yên Viên, Cát Linh - Hà Đông, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Hồ Tây - Hòa Lạc - Ba Vì… trong đó dự án Cát Linh - Hà Đông đã khởi công tháng 10/2011. Các dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Dư luận và các chuyên gia giao thông cho rằng, chưa có khi nào Hà Nội lại nở rộ các dự án ĐSĐT như thế.

Biết rõ tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội khởi công đầu tiên nhưng không thể hoàn thành theo tiến độ nên từ năm 2011 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đẩy nhanh thi công tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông. Quyết tâm này được lãnh đạo UBND TP cụ thể hóa trong buổi làm việc với Bộ GTVT cuối năm 2011.

Theo đó, với dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, do mặt bằng đã cơ bản xong nên TP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2014.

Tiếp đó, dịp cuối năm 2011, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đi thị sát các dự án giao thông trọng điểm triển khai trên địa bàn TP.

Tại công trường ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông cả chủ đầu tư (Cục Đường sắt, Bộ GTVT) và nhà thầu (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - tổng thầu) đều nắm tay ông Phạm Quang Nghị và hứa: Sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào dịp Quốc khánh Việt Nam 2/9/2014.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tiền phong, đến nay đã hết 2/3 thời gian thực hiện dự án, nhưng khối lượng công việc tại dự án này mới thực hiện được khoảng 50%; dự án có tổng số 434 trụ bê tông trên tuyến thì nay mới thi công được 277 trụ.

Với khu vực đề-pô và đường dẫn (ga cuối) nằm ở các phường Phú Lãm, Phú Lương, Phú La (quận Hà Đông) hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng; với ga Cát Linh (quận Đống Đa - đầu tuyến) được yêu cầu hoàn thành GPMB trước tháng 6/2013 nhưng đến nay mới dừng lại ở việc xác định mốc giới.

Tuy đã triển khai gần chục năm nay nhưng hầu hết các dự án ĐSĐT của Hà Nội vẫn nằm trên giấy, với một số dự án đã triển khai thì hết điều chỉnh kinh phí lại điều chỉnh tiến độ nên người dân không biết rõ ngày nào về đích.

Một thành viên của Viện quy hoạch và Kiến trúc đô thị nhấn mạnh

Trọng Đảng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.