Dạo bước trên các tuyến phố của thành phố Vĩnh Yên-tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc những ngày cuối năm 2014, có thể thấy rõ diện mạo mới của đô thị này.
Khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)


Những con đường trước đây gồ ghề, chật hẹp, bụi mịt mù đã được trải thảm nhựa láng bóng nằm đan xen dưới những hàng cây xanh và sắc hoa thơm bốn mùa.

Hàng loạt công trình hạ tầng phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí...đã và đang hoàn thiện, những siêu thị lớn nhỏ, các trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị được xây dựng khang trang, tọa lạc khắp nơi trên mảnh đất Vĩnh Yên thay thế các công trình cũ.

Đêm về, ánh đèn trang trí, đèn hoa ở các tuyến phố trung tâm, ánh sáng đèn đường đô thị tô điểm cho Vĩnh Yên đủ sắc màu vừa lung linh, vừa tạo ra những không gian sinh động.

Niềm vui của người Vĩnh Yên giờ đây như được nhân đôi, nhân ba bởi khắp phố phường được xây dựng, nâng cấp khang trang; hàng chục ngàn công nhân lao động trẻ trung ở khắp nơi đổ về làm việc ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động theo ca, kíp thay nhau liên tục suốt ngày đêm.

Sự có mặt của lao động trẻ trên đất Vĩnh Yên đã làm cho các buổi đêm ở đô thị này tất bật, nhộn nhịp là thường, các công viên và quảng trường, quán ăn đêm... trên các tuyến phố lúc nào cũng vang tiếng nói, tiếng cười của các chàng trai, cô gái trẻ trung.

Nơi đây đã bắt đầu những phong cách sống mới văn minh hiện đại.

Bước thăng trầm

Ông Trần Ngọc Oanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vĩnh Yên, cho biết thành phố đã tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc, ngân sách thành phố tập trung các nguồn lực để đầu tư nhằm xây dựng thành đô thị loại II, hướng tới thành phố xanh, chào mừng kỷ niệm 115 năm đô thị Vĩnh Yên (29/12/1899-29/12/2014)) và tạo tiền đề cho Vĩnh Yên trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của Vĩnh Phúc.

Điều này tạo một diện mạo mới cho đô thị, giúp người dân nói chung sản xuất kinh doanh, phát triển các loại hình dịch vụ thuận lợi hơn. Trên thực tế, cuộc sống dân cư đô thị đang đổi thay nhanh chóng nhờ nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị mang lại.

Ôn lại chặng đường hình thành và phát triển đô thị, ngày 29/12/1899, toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập tỉnh Vĩnh Yên, theo tên hai từ ghép của hai chữ đầu của phủ Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, tên gọi Vĩnh Yên được chính thức bắt đầu từ đây.

Trung tâm Tỉnh lỵ được đặt tại khu vực An Sơn (một vùng đất thuộc xã Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên ngày nay) với 5 làng cổ là: Cao Sơn, Sơn Tuyền, Đắc Thư, Đồng Thái và làng Đậu, do phát triển chậm nên sau 15 năm thành lập đô thị này vẫn vẻn vẹn vài km2.

Tháng 3/1968, tỉnh Vĩnh Phú được thành lập trên cơ sở sát nhập hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, lúc này Vĩnh Yên là một trong 3 thị xã của tỉnh. Ngày 1/1/1997 tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập, thị xã Vĩnh Yên trở lại là trung tâm tỉnh lỵ và đến tháng 12/2006, Chính phủ ra Nghị định số 146/2006/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, lúc này thành phố có diện tích tự nhiên 5.080,21ha và 122.568 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính.

Qua các giai đoạn hình thành và phát triển, người dân Vĩnh Yên luôn một lòng đoàn kết, vẫn giữ được giá trị truyền thống yêu nước của cha, ông. Không cam chịu cảnh nghèo, cán bộ và nhân dân Vĩnh Yên đã quyết tìm cho mình những giải pháp để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Sự chuyển mình

Bà Đỗ Thị Ngọc Thanh- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết, để có được một Vĩnh Yên phát triển toàn diện như ngày nay là nhờ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm chỉ đạo thành phố phải đồng lòng hợp sức cùng doanh nghiệp, gắn công tác xây dựng Đảng đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố những nhiệm kỳ gần đây, Vĩnh Yên đưa ra chủ trương là phải tận dụng mọi lợi thế và thời cơ, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, chủ động đào tạo nguồn lao động đủ mạnh về chất lượng và số lượng, tạo đà phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ.

Những cơ chế chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư đã được các doanh nghiệp biết đến và đầu tư về Vĩnh Yên, coi đây là một địa chỉ yên tâm sản xuất-kinh doanh.

Khoảng trên dưới 10 năm về trước, Vĩnh Yên vẫn còn là đô thị nghèo khó, hạ tầng đô thị yếu kém, số doanh nghiệp có năng lực tài chính, sản phẩm có giá trị lớn và có sức cạnh trang trên thị trường trên địa bàn Vĩnh Yên chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay thành phố đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp và hình thành cả ngàn doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh khác hoạt động trên địa bàn.

Riêng Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đang được coi là khu công nghiệp điển hình ở Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 97%. Hiện Khu công nghiệp này có 59 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút trên dưới 30.000 công nhân lao động với mức thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Ở khu công nghiệp này có không gian tưới mới, thoáng mát, ở đây tựa như "Nhà máy trong công viên, "Công viên trong nhà máy."

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay kinh tế-xã hội của thành phố có bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong liên tục trong 10 năm qua là 21,89%. Năm 2014 kinh tế tăng 18,4%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,2%, nông nghiệp 1,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước đạt hơn 4.000 USD/năm, gấp hơn 2,1 lần so với năm 2008; thu ngân sách cùng năm đạt gần 2.200 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển mạnh, có nguồn thu ngân sách ổn định thành phố Vĩnh Yên, nhất là tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đầu tư trở lại cho thành phố Vĩnh Yên toàn diện. Hầu hết các tuyến phố chính, các trục đường vào các khu công nghiệp đã được nâng cấp mở rộng với vật liệu là bêtông hoặc thảm nhựa, hai bên đường là hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh; hệ thống lưới điện ổn định đã giúp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tập trung hoạt động liên tục suốt ngày đêm, thành phố tràn ngập ánh sáng của đèn phố và đèn hoa.

Công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết được thực hiện nhanh, cùng với đó thành phố tập trung cấp giấy quyền sử dụng đất ở, ưu tiên ở các khu phố chính, gần khu công nghiệp tập trung. Điều này tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở kiên cố, mặt khác tạo lập mặt bằng kinh doanh để người dân thuận lợi phát triển các ngành nghề, dịch vụ để phục vụ cho hàng chục ngàn lao động ở khu công nghiệp, khu dân cư tập trung...

Công viên quảng trường Trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc rộng 26,2ha, có vị trí nằm tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên mới cơ bản hoàn thành tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Yên, tạo không gian sạch, đẹp, thông thoáng cho đông đảo người dân đến đây vui chơi, giải trí.

Quảng trường Trung tâm được Vĩnh Phúc coi là linh hồn của một đô thị, bởi vậy công tác quy hoạch, xây dựng đươck thực hiện khá thận trọng, coi trọng chất lượng các hạng mục công trình. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội công tác xây dựng hệ thống chính trị, công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, công tác tổ chức, cán bộ đạt được kết quả quan trọng. Năm 2001 có 66 tổ chức cơ sở Đảng và 3.608 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ thành phố có gần 6.000 đảng viên; 120/120 thôn, tổ dân phố đều có chi bộ trực thuộc.

Hướng tới thành phố xanh

Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vĩnh Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng Vĩnh Yên trở thành thành phố dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái phát triển bền vững chất lượng cao, có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ tương xứng với vị trí Trung tâm và trở thành lõi của đô thị Vĩnh Phúc.

Hình thành các khu đô thị xen kẽ với không gian mở-kết hợp công viên, vành đai xanh, hệ thống mặt nước để hình thành hệ thống đô thị thân thiện với môi trường, đáp ứng không gian sinh hoạt và nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của người dân.

Vĩnh Yên tiếp tục tranh thủ thời cơ, vận hội và sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại thành phố, đặc biệt là “Kế hoạch Hành động thành phố Xanh” theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) góp phần xây dựng Vĩnh Yên trở thành đô thị loại I, thiết thực chào mừng 120 năm đô thị Vĩnh Yên vào năm 2020, hướng tới thành phố xanh phát triển bền vững trong tương lai.

Thành phố Vĩnh Yên đang nỗ lực phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo ra nhiều công ăn việc làm tại chỗ, giúp người dân "ly nông bất ly hương"... Hiện nay, cán bộ và người dân thành phố tiếp tục làm theo lời Bác Hồ căn dặn: "Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc"./.

Nguyễn Trọng Lịch (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.