Vụ Chủ tịch Công ty Vina Megastar Nguyễn Hoàng Long bị bắt vì tội chiếm đoạt tài sản của SeaBank với số tiền gần 30 tỷ đồng đang gây cú sốc lớn trên thị trường BĐS phía Bắc. Hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào những dự án của công ty này đứng trước nguy cơ mất trắng; ít nhất 2 ngân hàng dính vào vụ việc này và kèm theo đó là những dự cảm chẳng lành về hiệu ứng đổ vỡ domino trên thị trường BĐS.

Trái đắng đầu tư

Cho đến thời điểm trước khi ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt, thông tin về Tập đoàn Vina Megastar không nhiều. Theo thông tin được đăng tải công khai trên website của doanh nghiệp này, Vina Megastar thành lập năm 2001, là doanh nghiệp về ngành công nghiệp nặng, từ công nghệ luyện kim tới đóng tàu… với vốn điều lệ 700 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực BĐS, Vina Megastar được biết đến với công ty thành viên Megastar Land đang là chủ đầu tư khá nhiều dự án lớn trên địa bàn Hà Nội, như Vĩnh Hưng Dominium (được biết nhiều với cái tên 409 Lĩnh Nam), Hesco Dominium, công viên Nhân Chính… và cũng nhanh chóng nổi danh với những dự án này khi không ngừng bị kiện tụng hoặc bị thu hồi.

Từ cuối năm 2012 đã có dấu hiệu cảnh báo về việc suy kiệt tài chính khi doanh nghiệp vướng vào vụ lùng nhùng quanh việc bảo lãnh trái phiếu 150 tỷ đồng giữa Vina Megastar, SeABank và Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).

Tính đến nay, Vina Megastar có thể coi là bằng chứng điển hình cho trái đắng từ thời kỳ người người, nhà nhà đầu tư BĐS, các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để kinh doanh ngoài ngành.

Doanh thu của Vina Megastar năm 2008 - thời điểm chuẩn bị đầu tư vào thị trường BĐS - đạt 1.864 tỷ đồng, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng, sở hữu hàng loạt nhà máy như nhà máy cần trục Megastar tại Hưng Yên, nhà máy sản xuất gia công cơ khí tại huyện An Dương (TP Hải Phòng); nhà máy cần trục cảng và kết cấu thép tại huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh)… cùng hàng loạt công ty trong lĩnh vực công nghiệp như Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Megastar hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cơ khí, sản xuất sắt thép, cần trục; Công ty TNHH Megastar thương mại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu sắt thép; CTCP Năng lượng Megastar hoạt động trong lĩnh vực khai thác khí đốt, quặng, xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Tuy nhiên, nước cờ sai lầm vào thị trường BĐS đã đẩy doanh nghiệp ăn nên làm ra này sa lầy và đứng trước nguy cơ chết chìm trong vũng lầy của mình.

Để có tiền đầu tư vào các dự án lớn, ông Long đã thế chấp các dự án cho ngân hàng để vay vốn, số tiền ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, thời điểm thế chấp dự án để vay, một số dự án của Vina Megastar vẫn chưa được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép. Việc này đặt ra câu hỏi, vì sao các dự án chưa được cấp phép vẫn có thể được ngân hàng cho vay hàng trăm tỷ đồng, ai là người bảo lãnh và số tiền đó đã được sử dụng vào mục đích gì, do ai nắm giữ…

Theo nhiều chuyên gia, từ đây có thể hé lộ nhiều câu chuyện khác nữa trên thị trường tài chính. Chưa kể doanh nghiệp này còn huy động hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng, đặc biệt là 2 dự án 409 Lĩnh Nam và Hesco Văn Quán mà cho đến nay vẫn là bãi đất trống.

Đe dọa quyền lợi khách hàng

Miệt mài biểu tình, tranh đấu với chủ đầu tư từ nhiều năm nay, đây là giai đoạn hàng trăm khách hàng đã góp tiền mua dự án BĐS của Vina Megastar lâm vào tình cảnh tuyệt vọng trước nguy cơ có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã góp bởi nhà vẫn còn ở trên giấy, dự án đã mang đi thế chấp ngân hàng, hơn nữa doanh nghiệp chủ đầu tư còn lâm vào tình trạng kiệt quệ không thể chống đỡ được.

Theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Phó Giám đốc Công ty Luật Biển Đông, xét trên góc độ pháp luật, quyền lợi của người mua vẫn được đảm bảo, bởi Chủ tịch HĐQT bị bắt không có nghĩa doanh nghiệp này không còn trách nhiệm với khách hàng đã mua sản phẩm và người kế nhiệm sẽ phải gánh vác việc này.

Dự án Hesco Văn Quán vẫn là bãi đất trống.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Vina Megastar, sẽ rất khó khăn bởi doanh nghiệp này đã chây ì, trốn tránh khách hàng từ nhiều năm nay, nghĩa là năng lực tài chính đã không còn nên dù có muốn, họ cũng đã lực bất tòng tâm.

“Để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên tiến hành khởi kiện ra tòa án. Có thể sẽ là tranh chấp dân sự nếu toàn bộ số tiền được chuyển về công ty theo như hợp đồng góp vốn, hoặc sẽ là hình sự nếu tòa án phát hiện người thu tiền của người dân sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, việc đòi lại được tiền sẽ không đơn giản, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp này phá sản sau khi người đứng đầu bị bắt, khách hàng sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng” - bà Bình nói.

Trên thực tế, Vina Megastar đã là “cái xác” từ thời điểm cuối năm 2012 - không lâu sau vụ lùm xùm quanh việc bảo lãnh trái phiếu 150 tỷ đồng. Hiện tại, việc liên lạc với ban lãnh đạo của Vina Megastar đều không kết nối được, số điện thoại ở văn phòng doanh nghiệp này hoặc không nghe máy, hoặc không kết nối. Với những gì đang diễn ra, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo như thế nào, hẳn là điều khó đoán định.

“Đau” cũng phải chấp nhận

Trao đổi với ĐTTC về vụ việc Vina Megastar liệu có xảy ra hiệu ứng đổ vỡ domino trên thị trường BĐS, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng sự đổ vỡ dây chuyền là có thể nhưng không đến mức đáng lo ngại. Theo GS. Võ, thực tế thị trường BĐS còn nhiều trường hợp giống như Vina Megastar, nghĩa là doanh nghiệp đã đứng trên bờ vực, tồn tại hay phá sản chỉ trong gang tấc. Theo đó, nếu thời gian sắp tới có nhiều doanh nghiệp nữa lâm vào tình cảnh tương tự cũng hoàn toàn không có gì ngạc nhiên. Thị trường BĐS có quá nhiều khiếm khuyết, đầu tư BĐS qua hình thức góp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro đã được cảnh báo từ rất lâu. Chừng nào nợ xấu, tồn kho BĐS còn cao, việc một doanh nghiệp nào đó “ngã ngựa”, kéo theo những đổ bể thiệt hại phía sau là chuyện hoàn toàn dễ hiểu bởi đây là một quy luật tất yếu.

Vào thời điểm hiện tại, thị trường BĐS đang nguội lạnh, vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho cao chưa được giải quyết, gói 30.000 tỷ đồng không giành cho phân khúc này, công ty mua bán nợ chưa chính thức đi vào hoạt động, các biện pháp hỗ trợ khơi thông cũng chưa tác động trực tiếp vào… nên đổ vỡ không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng cũng không nên lo lắng quá, bởi sự đổ vỡ, nếu có cũng chỉ nằm trong khối nợ xấu, BĐS tồn kho, ở những doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”, không thể lan rộng. Và đây cũng là cách, dù đau đớn, có thể khiến BĐS lành mạnh nhanh hơn. Theo đó cứ để cho doanh nghiệp yếu kém chết hẳn, đau cũng phải chịu. Có thể coi đây là bài học “xương máu” cho thời kỳ đầu tư BĐS tràn lan, vươn rộng ra khỏi ngành nghề kinh doanh chính. Có doanh nghiệp may mắn vẫn còn cơ hội thu hẹp kinh doanh, khôi phục lại, nhưng cũng có doanh nghiệp không thể cứu vãn được. Sai lầm đầu tư phải trả giá theo đúng quy luật của thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém nhường chỗ cho những “mầm non” mới, phát triển khỏe mạnh, đúng hướng, đó là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất hiện nay là quyền lợi của hàng trăm nhà đầu tư, Nhà nước nên hỗ trợ họ như thế nào? Phải nói rằng trong từng thời điểm, nhà đầu tư BĐS có những toan tính riêng, trong số những người mua nhà, có không ít là đầu cơ và nhiều người đã thừa nhận sai lầm kinh doanh của mình. Thị trường sau thời gian dài vận động ngấm ngầm nay đang tiến hành đào thải, sự đào thải chắc chắn còn khốc liệt. Việc Nhà nước có thể làm để hỗ trợ nhà đầu tư là từ ngày 9-7 công ty mua bán nợ chính thức đi vào hoạt động song song với những chính sách điều tiết thị trường. Đây có thể là một cửa thoát cho nhà đầu tư đang “sống dở chết dở” hiện nay.

Khôi Nguyên (thực hiện)

Hoài Trâm (Sài gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.