Trong lúc 10 nhà đầu tư khu du lịch kêu cứu, vì bị tỉnh Bình Thuận (BT) thu hồi đất đã xây dựng dự án (báo Lao Động ra ngày 16.7 đã phản ánh), thì các cơ quan chức năng tỉnh vẫn... luẩn quẩn trong mớ bòng bong của công tác thu hồi lại đất, đền bù 13 dự án khu du lịch.

Khách sạn du lịch tại khu du lịch Cty Đức Hạnh vừa xây xong, nhưng có nguy cơ bị đập bỏ. Ảnh: C.H

Nhiều trở ngại

Thực tế cho thấy, cách đây 4 năm, ngày 14.4.2008, Sở KHĐT tỉnh BT đã có văn bản thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, tiến độ hình thành dự án này vẫn... mịt mù. Trả lời báo chí xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh BT – phải thừa nhận “quá trình thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại khó khăn”. Cụ thể: Các DN đầu tư khu du lịch được tỉnh BT cho thuê đất vào thời điểm 2002, 2003; nhưng tiến độ, mức độ đầu tư thực tế có khác nhau.

Các khoản mục kê khai đầu tư vào đất, chi phí khác có liên quan không giống nhau, nên khó đưa ra một quy định chung về thẩm định mà phải kiểm tra, đánh giá đối với từng dự án. Hầu hết các khoản chi phí lớn như san lấp mặt bằng, khai phá đá, DN có kê khai, nhưng không có hồ sơ chi tiết và thiết kế ban đầu, nghiệm thu cụ thể; đơn vị hợp đồng thi công thì ở ngoài tỉnh hoặc chỉ là cá nhân, nên rất khó khăn cho công tác thẩm định.

Về chứng từ, tài liệu chứng minh, hầu hết các DN không cung cấp đầy đủ và báo cáo cho rằng bị thất lạc, hư hỏng; chứng cứ, thuyết minh không rõ nên không có cơ sở để đối chiếu, kiểm tra thẩm định theo quy định v.v... Hiện UBND tỉnh BT đã thành lập tổ thẩm định hồ sơ đền bù giải tỏa trong việc thu hồi đất của các dự án du lịch đề đầu tư xây dựng cảng Kê Gà. Ông Hòa cũng cho biết, đối với các chính sách khi áp dụng còn vướng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, UBND tỉnh BT đã có văn bản gửi Bộ TNMT, Bộ Tài chính để xin ý kiến.

Bồi thường thế nào?

Đất ở thôn Kê Gà trước đây UBND tỉnh BT đã giao cho các nhà đầu tư làm dự án du lịch, nay thay đổi mục đích sử dụng sang xây dựng cảng biển. Cú “lật kèo” này gây rất nhiều bất lợi, thiệt hại cho 13 DN trót đổ gần 1.000 tỉ đồng xây dựng các khu du lịch. Theo UBND tỉnh BT, UBND tỉnh chấp thuận “hoàn trả các chi phí thực tế đã đầu tư” cho các DN. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở KHĐT rà soát các vị trí dự án đã thu hồi, mời các chủ dự án nằm trong khu vực quy hoạch cảng, để giới thiệu các vị trí hoán đổi dự án. Đến nay đã có 4/10 chủ dự án đồng ý và được UBND tỉnh chấp thuận cho hoán đổi vị trí dự án... Thế nhưng, theo các chủ dự án, thiện chí trên của chính quyền tỉnh BT chỉ có thể giảm bớt một phần thiệt hại cho các DN, chứ không thể nói đã giải quyết thỏa đáng thua thiệt cho các DN.

Ông Nguyễn Đức Hiếu – GĐ Cty TNHH du lịch Thế Giới Xanh – cho rằng: “UBND tỉnh BT nói “hoàn trả các chi phí thực tế đã đầu tư” cho DN. “Chi phí thực tế” thế nào đây, khi cách đây 10 năm, thí dụ DN chỉ bỏ ra 30 tỉ đồng là có thể xây dựng một khu du lịch. Nhưng giờ đây, muốn xây dựng một khu du lịch phải tốn 100 – 150 tỉ đồng; thậm chí còn hơn nữa, do trượt giá tăng rất nhiều... Nhiều DN khác cùng cảnh ngộ với Cty Thế Giới Xanh cũng cho rằng, việc cơ quan chức năng tỉnh BT đòi hỏi DN phải trưng ra đầy đủ các chứng từ chi phí thật, thể hiện chi tiết đổ vốn xây dựng dự án là bao nhiêu, trong từng hạng mục... là không thể thực hiện được.

Bởi lẽ, xây dựng một dự án du lịch, có đến hàng ngàn chi phí, hạng mục, vật dụng... Không DN nào đủ thông minh biết được dự án của mình, sau 10 năm sẽ bị thu hồi, để giữ gìn từng hóa đơn, chứng từ để được bồi thường (nếu biết, chắc chắn không DN nào đầu tư vào tỉnh BT). Chính vì các lý do trên, có thể thấy rằng, việc thu hồi đất, bồi thường 13 dự án khu du lịch ở bãi biển Kê Gà, tỉnh BT sẽ còn nhiêu khê, không biết tới lúc nào giải quyết xong, thì nói chi đến dự án cảng Kê Gà.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.