Việc UBND Tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án Cảng tổng hợp Cái Lân có trái với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ hay không, cần được sớm làm rõ? Có hay không việc “lập lờ đánh lận con đen” ở dự án này nhằm chiếm đất bờ biển để “cho thuê”? TCT Lắp máy Việt Nam(Lilama) đã chính thức “cắt đuôi” không còn mối quan hệ gì với Công ty CP Cảng và vận tải Lilama.

Vậy, Cty Lilama Cảng – vận tải này có “mạo danh” doanh nghiệp nhà nước để “làm càn” hay không; theo tố giác của doanh nghiệp có yếu tố người nước ngoài tham gia vụ việc. Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ.

“Chia tay” tình cũ

Với danh nghĩa lấy đất để cho công ty nhà nước làm dự án cảng biển, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long liên tục ra các văn bản để giục giã hai doanh nghiệp khác là Công ty CP Quốc tế Sao Bắc và Cty TNHH Hoài Nam bàn giao, GPMB để cho doanh nghiệp Nhà nước lấy đất làm dự án. Tuy nhiên, qua điều tra, chúng tôi được biết: mối liên hệ giữa Cty CP Cảng và vận tải Lilama đã không còn mối ràng buộc gì với nhau. Cụ thể: Trong công văn số 397/TCT-HĐTV do ông Nguyễn Đình Hải, chủ tịch HĐQT ký ngày 8-10-2012 đã nêu rõ, Hội đồng thành viên của Tổng công ty Lắp máy quyết định thoái vốn đầu tư của TCT khỏi công ty này. Công văn nêu rõ, kể từ ngày các cổ đông ký biên bản, TCT yêu cầu chấm dứt toàn bộ tên, thương hiệu Lilama ở Công ty này. Rút lại người đại diện phần vốn của TCT. Như vậy,việc lấy danh nghĩa doanh nghiệp Nhà nước để hòng “chèn ép” hai doanh nghiệp tư nhân khác là có dấu hiệu vi phạm luật doanh nghiệp, vi phạm các quy định của pháp luật.

Tiếp nữa, việc ra Quyết định thu hồi hơn 223.400m2 đất tại phường Bãi Cháy (Tp. Hạ Long) của tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama nhưng kỳ lạ, cả một khu bờ bến lau sậy ngày xưa được hai doanh nghiệp đầu tư vào liền bị biến hóa thành số không, gây bất bình dư luận cũng như sự bức xúc của người lao động. Đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đi khắp nơi nhưng chưa lần nào phía UBND tỉnh Quảng Ninh trả lời thỏa đáng.

Không chấp nhận quyết định của UB

Trao đổi với phóng viên, đại diện cả hai doanh nghiệp đều cho biết: việc UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 210, ngày 21/01/2010 thu hồi 223.443m2 đất giao cho UBND Tp. Hạ Long bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân. Theo đó, Công ty TNHH Hoài Nam chính thức bị “cắt” 13.708m2 để phục vụ dự án xây dựng cảng. Ngay sau đó, UBND TP. Hạ Long cũng ra thông báo số 123 về kế hoạch giải phóng mặt bằng (GPMB), và mới đây nhất, ngày 16/10/2012, Tp. Hạ Long ra tiếp quyết định (số 268) thành lập tổ công tác triển khai thực hiện bồi thường GPMB phục vụ dự án cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân. Sau khi liên tục bị các văn bản của địa phương “tra tấn”, doanh nghiệp bị thu hồi đất hết sức hoang mang. Giám đốc Công ty TNHH Hoài Nam Nguyễn Quốc Hoài cay đắng nói: là một doanh nghiệp đóng góp nhiều thu nhập cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Vậy mà quyết định 210, quyết định 268 cũng như thông báo 123 của tỉnh Quảng Ninh và Tp. Hạ Long như “cái tát” vào mặt doanh nghiệp. Thực tế, dự án “Đầu tư xưởng chế biến dăm gỗ xuất khẩu” đã được tỉnh Quảng Ninh đồng ý và có quyết định cho doanh nghiệp này thuê đất trước đó, nay coi như “vứt” đi. Thực tế, phần đất bị thu hồi từ trước đến nay được tỉnh Quảng Ninh cho thuê đã hoạt động có hiệu quả. Được xây dựng bến bốc dỡ nguyên liệu phục vụ dự án, toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy được lưu chuyển thông qua bến tạm này và là nơi tập kết, chứa gỗ cây phục vụ toàn bộ nhà máy của Công ty TNHH Hoài Nam. Ông Hoài khẳng định: “Quyết định của tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất của chúng tôi giao cho doanh nghiệp khác đã tạo ra sự áp đặt, bất bình đẳng, không xem xét tới lợi ích chính đáng của nhà đầu tư”.

Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết: đến nay các thủ tục của Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama như công bố quy hoạch được duyệt, lập và trình duyệt thiết kế cơ sở công trình, giấy phép xây dựng… nhưng đến nay, tất cả các việc này đều không được chủ đầu tư thực hiện, mặc cho các đơn vị có đất trong ranh giới bị thu hồi phản đối rất nhiều lần, kiến nghị. Trong biên bản cuộc họp giữa Ban giải phóng mặt bằng Tp. Hạ Long với Công ty TNHH Hoài Nam và Công ty cổ phần quốc tế Sao Bắc mới đây, các doanh nghiệp bị thu hồi đất đều không đồng thuận với trình tự thu hồi đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Chu Bá - Nam Long (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.