Mặc dù dự kiến được khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) do Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt - SCIC làm chủ đầu tư vẫn nằm bất động.
Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích hơn 13.000 m2, chiều cao 150m.
Theo lời giới thiệu về dự án trên website của Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC (BSI), Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) là một tòa nhà văn phòng hạng A được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Tháp Tài chính Quốc tế còn là tòa cao ốc đầu tiên tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn Tòa nhà xanh (Green Building) và Tòa nhà thông minh (Intelligent Building), với thiết kế tổng thể hướng đến sự phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường.
Tọa lạc tại 220 đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nằm cạnh Trung Tâm thương mại Big C Thăng Long và kế bên Công ty thông tin di động VMS Mobiphone, dự kiến khi hoàn thành, 4 tầng trong tòa tháp sẽ trở thành trụ sở chính của hai thành viên góp vốn, hai Tập đoàn tài chính hùng mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, tòa tháp được xây dựng trên vị trí đắc địa trong quần thể Khu đô thị mới Mỹ Đình, khu vực đang chứng kiến những phát triển vượt bậc về khu đô thị kinh tế cũng như văn hóa.
Khu vực này quy tụ không chỉ một số lượng lớn các dự án căn hộ, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại mà còn các khối dịch vụ công cộng, ngày càng thu hút các đơn vị kinh doanh và tập trung đông dân cư.
Vì vậy, IFT hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm tài chính sầm uất, là địa điểm lý tưởng cho các định chế tài chính, ngân hàng, tập đoàn kinh tế đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước uy tín thiết lập quan hệ kinh doanh vững chắc và lâu dài tại Việt Nam.
Thời gian xây dựng dự án dự kiến kéo dài 3 năm, từ quý II/2012 đến quý II/2015. IFT sẽ là một tổ hợp 34 tầng, tổng chiều cao 150m với 2 tầng dành cho khu thương mại và bán lẻ, 1 tầng cho khu dịch vụ và 27 tầng còn lại dành cho khu văn phòng. Diện tích một mặt sàn đạt 4.000 m2, tòa tháp sẽ cung ứng cho thị trường bất động sản trong khu vực khoảng 140.000 m2 trong vòng 3 năm tới.
Dự án vẫn là bãi đất hoang. Ảnh: Châu Anh
Cũng theo chủ đầu tư dự án này, hiện nay dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với việc hoàn tất các thủ tục Lập dự án đầu tư và xin phê duyệt quyết định đầu tư, đồng thời tìm kiếm đối tác đầu tư trong dự án cũng như tìm kiếm các nhà thầu năng lực và kinh nghiệm.
Cũng trên website này, dự án sẽ gấp rút hoàn thành các thủ tục cần thiết để tiến hành khởi công dự án vào tháng 9 năm 2010.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 5 năm so với ngày dự kiến khởi công này, dự án vẫn nằm án binh bất động.
Theo quan sát của phóng viên VTC News, đến thời điểm hiện tại, ngoài khu nhà điều hành 1 tầng, và hệ thống hàng rào được xây dựng, đưa vào sử dụng từ lâu thì toàn bộ dự án vẫn là một khu đất hoang, để cỏ mọc um tùm.
Ngoài ra, bên trong dự án này cũng xuất hiện nhiều lán trông giữ xe được dựng tạm lên nhưng hiện cũng bị bỏ hoang một thời gian dài. Một phần lô đất này còn bị xẻ thịt cho thuê kinh doanh gốm sứ.
Khu nhà điều hành 1 tầng. Ảnh: Châu Anh
Sở hữu một trong những vị trí “đất vàng” khá đắc địa của Hà Nội nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm, dự án này đã khiến cho nhiều nhà đầu tư không tiếc nuối. Tuy nhiên, lý do vì sao dự án này nằm “bất động” trong nhiều năm qua vẫn là một ẩn số chưa có câu trả lời của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, những nghi vấn liên quan đến vấn đề tài chính của chủ đầu tư dự án này luôn là câu hỏi lớn đối với giới đầu tư bất động sản.
Trước hết, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC, theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, đây là một công ty liên doanh giữa 2 chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt và SCIC.
Theo phần hồ sơ doanh nghiệp, Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC là một công ty liên kết của Tập đoàn Bảo Việt. Trong liên doanh này, số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Bảo Việt là 40 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 50%.
Thông tin về liên doanh này khá ít ỏi, trên website của BSI, Công ty TNHH Đầu tư Bảo Việt – SCIC, được thành lập ngày 5 tháng 6 năm 2009, Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102039244. Công ty có trụ sở tại số 220 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Trên website của công ty này, phần dự án cũng chỉ có duy nhất 1 dự án là Tháp Tài chính Quốc tế (IFT).
Tuy nhiên, trong phần đối tác đầu tư chiến lược trong dự án, có thể thấy vấn đề huy động vốn cho dự án này có lẽ là nguyên nhân chính khiến dự án bị “bất động”.
Cụ thể, trong phần thông tin này nêu rõ: “Trong giai đoạn chuẩn bị này, vấn đề huy động vốn đầu tư cho dự án được Ban Lãnh đạo hết sức chú trọng. Hiện tại, dự án đã đạt được cam kết tài trợ vốn từ ba ngân hàng thương mại, trong đó, Vietinbank đã trở thành ngân hàng đầu mối trong việc kêu gọi huy động vốn cho dự án”.
Chủ đầu tư dự án đã và đang hết sức nỗ lực thu hút vốn đầu tư từ một số quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các công ty tài chính và quỹ đầu tư bất động sản, các đơn vị kinh doanh thể hiện sự quan tâm, thiện chí hợp tác và chia sẻ với chúng tôi cơ hội đầu tư trong dự án quy mô lớn này, cũng như những kinh nghiệm quý báu trong quá trình quản lý dự án, tư vấn xây dựng và các quy trình, công nghệ mới,… Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các đối tác chiến lược để cùng xây dựng một sản phẩm hợp tác thành công, hiệu quả, lâu dài”.
Như vậy, rõ ràng, việc huy động vốn vào dự án này đang là “điểm nghẽn” được chủ đầu tư cần phải tập trung tháo gỡ.
Ngoài ra, nhìn lại quá khứ, năm 2010, kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong công tác đầu tư xây dựng, đầu tư tài chính, thực hiện bồi thường bảo hiểm...
Cụ thể qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm. Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng “thả gà ra đuổi” như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Công ty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Công ty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến nay vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi công ty này đã nộp đơn xin phá sản.
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định, việc đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12/2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các công ty con mắc kẹt tại đây.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số công ty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31/12/2009, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập.
Như vậy, năm 2010 cũng là năm mà công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt cũng đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015.
Theo đó, SCIC thực hiện thoái vốn nhà nước tại 376 doanh nghiệp. Trong số này có Tập đoàn Bảo Việt. Theo công bố của Tập đoàn Bảo Việt, hiện SCIC nắm 22.154.400 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 3,26% cổ phần tại tập đoàn này.
Châu Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.