Đến nay, chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp chưa được hưởng những chính sách như được áp thuế GTGT bằng 0%, được miễn thuế thu nhập DN, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng đầu tư. Do không được hỗ trợ tín dụng nên giá thành của nhà thu nhập thấp tương đương với nhà thương mại (chỉ giảm chút ít do dược miễn tiền sử dụng đất).

Người thu nhập thấp không có chỗ ở, nhà đầu tư thiếu vốn, thiếu cơ chế, chưa được ưu đãi, thành phố băn khoăn với quy định “chỉ đối tượng có hộ khẩu ở các quận nội thành mới được xem xét mua nhà thu nhập thấp”... Những bất cập trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại Hà Nội đã được “định danh” nhưng…


Nhà thu nhập thấp: 3 năm, 8 dự án…


Là một thành phố với 6,4 triệu dân, là địa bàn “đóng đô” của nhiều cơ quan Trung ương, Bộ ngành, khu công nghiệp, vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang thực sự là “nan đề” đối với lãnh đạo Thủ đô. “Phản ứng” khá sớm trước vấn đề này, ngày 16/10/2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2007-2010”.


Vì sao nhà thu nhập thấp lại bán giá cao?

Đến nay, TP đã tiến hành đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách theo hình thức cho thuê tại ô đất CT19 và thuê mua tại ô đất CT21 (bằng nguồn vốn của DN, TP hỗ trợ lãi suất) thuộc khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên với khoảng 815 căn hộ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của khoảng hơn 3.200 người. Hiện nay, đã ký hợp đồng thuê nhà và bàn giao 269 hộ gia đình đủ điều kiện thuê nhà ở xã hội tại CT19 và phê duyệt danh sách thuê mua gồm 178 hộ tại CT21.


Bên cạnh đó, UBND TP đã phê duyệt 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP với khoảng 6.734 căn hộ (khoảng 22.436 người). Hiện các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao khoảng 3.000 căn hộ.


Đối với dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, TP Hà Nội đã đầu tư vốn ngân sách cho dự án đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại Kim Chung, huyện Đông Anh. Trên diện tích đất 20ha bên cạnh KCN Bắc Thăng Long, TP đã quy hoạch 24 đơn nguyên nhà 5 tầng phục vụ khoảng 10.000 công nhân. Dự án này hiện đã và đang đưa vào sử dụng, chỉ còn 2 đơn nguyên (DN1, DN5) đã được điều chỉnh thành 3 khối nhà 15 tầng.


Dự án nhà cho KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ do DN đầu tư và được TP hỗ trợ lãi suất với tổng số khoảng 1.144 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.000 người. Hiện chủ đầu tư đã xây xong toà nhà B (5 tầng) đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/2010, cung cấp 1.000 chỗ ở cho công nhân.


Thiếu vốn, thiếu ưu đãi, thiếu cơ chế


Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết về vốn. Hầu hết các dự án đều đang “chờ” vốn vay ưu đãi: Nhóm các nhà đầu tư nhà thu nhập thấp đề xuất vốn vay ưu đãi của năm 2012 khoảng 868 tỷ đồng, các nhà đầu tư dự án nhà ở cho công nhân cũng đề xuất khoảng 180 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất. TP cũng “đau đầu” tìm nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư cho dự án xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Bắc Thăng Long.


Trong khi đó, một nghịch lý khác là theo Quyết định 67/2009/QĐ-TTg (ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị) thì chủ đầu tư được áp thuế GTGT bằng 0%, được miễn thuế thu nhập DN, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, “đến nay các chính sách này đều chưa được áp dụng”, UBND TP Hà Nội nhận xét. Chỉ có duy nhất dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá, huyện Gia Lâm được vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển nhưng tiến độ giải ngân rất chậm.


Do không được hỗ trợ tín dụng nên giá thành của nhà thu nhập thấp tương đương so với nhà thương mại (chỉ giảm chút ít do dược miễn tiền sử dụng đất). Thêm nữa, khi vay vốn, các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp vẫn phải có tài sản thế chấp trong khi đó đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp được miễn tiền đất nên đất này không được coi là tài sản thế chấp.


UBND TP Hà Nội chỉ ra rằng, một trong những bất cập hiện nay là chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, công nghệ, quy mô toà nhà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (ngoại trừ quy định căn hộ không quá 70m2). Do vậy, hiện nay mỗi DN đầu tư với mức độ khác nhau dẫn đến giá bán khác nhau. Đối tượng mua nhà khó tiếp cận vì chưa có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc vay vốn để mua nhà và chỉ đối tượng có hộ khẩu ở các quận nội thành mới được xem xét mua nhà thu nhập thấp.


Việc phát triển quỹ nhà cho thuê còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do nguồn vốn ngân sách có hạn, chưa có chế tài bảo hộ cho nhà đầu tư khi người thuê nhà không có khả năng chi trả


UBND TP Hà Nội vừa có kiến nghị các cơ quan TW tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg để giảm giá bán căn hộ. Hà Nội đề nghị tìm kiếm nguồn vốn dài hạn trong ngoài nước để cho vay đầu tư phát triển quỹ nhà cho công nhân, đồng thời cho phép được áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế GTGT, thuế thu nhập DN đối với chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà công nhân; đề nghị cho phép bán có thời hạn quỹ nhà công nhân thuê cho các DN trong KCN theo thời hạn giấy phép đầu tư để sớm thu hồi, quay vòng nguồn vốn phát triển quỹ nhà cho công nhân.

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.