"Đất khóc” là cái từ mà hiện nay người dân phường Thanh Bình (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) dùng để khái quát và ám chỉ cho nỗi bức xúc của hai khu dân cư số 17 và 18.

Hai mươi năm về trước, khi hai tổ dân phố này mới là thôn, để có chỗ an táng cho thân nhân, người dân đã phải bỏ tiền ra để mua đất. Thế nhưng hiện nay, khu nghĩa địa duy nhất dùng để an táng người quá cố này đã đang bị Khu đô thị Tuệ Tĩnh "nuốt” mất.


Toàn bộ 1.209 m2 đất nghĩa trang nhanh chóng bị san phẳng
Nhọc nhằn tìm đất… chôn người
Đại diện cho nhiều người dân, ông Nguyễn Ngọc Giai, 47 năm tuổi Đảng, trú tại số nhà 262, đường Nguyễn Lương Bằng, Khu 18 phường Thanh Bình cho biết: Để có khu đất rộng 1.209 m2 làm nơi an táng cho người dân sau khi "khuất núi” của hai khu dân cư số 17 và 18 của phường hiện nay là cả một sự kì công.
Trước đó, khi Hải Dương chưa lên thành phố, khu vực hai tổ dân phố này là thôn Chợ Mát 2, phần lớn đất đai là cận kề, không có giá, chủ yếu là thùng vũng. Khi người dân tìm về đây để khai hoang, phục hóa, lúc này, đất đai để ở, sinh hoạt và canh tác thì không nói làm gì, nhưng căng thẳng nhất vẫn là đất để an táng cho người quá cố. Vì chưa có đất nghĩa trang, người dân đã phải an táng nhờ tại nghĩa trang của thôn Đức Minh. Nhưng một thời gian sau, đã nảy sinh việc tranh chấp đất an táng, người dân xã Đức Minh đã không cho người dân ở khu vực thôn Chợ Mát 2 an táng nữa.
Đứng trước thực trạng này, lúc đó Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Chợ Mát 2 đã làm việc với các ông Nguyễn Xuân Thử, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Văn Thụy, Chủ tịch xã Thanh Bình. Sau khi đưa ý kiến, khảo sát và thống nhất, lãnh đạo xã Thanh Bình thống nhất giao 1.209 m2 đất tại thôn Tân Kim cho người dân Chợ Mát 2 làm nơi an táng. Và để có diện tích an táng này, người dân ở khu Chợ Mát 2 phải trả lại cho người dân Tân Kim số tiền 70 nghìn đồng/hộ để họ làm đường.
Danh sách thu nộp tiền lúc ấy đã có 496 hộ dân đóng, với số tiền tương đương trên 34 triệu đồng. Theo người dân khu Chợ Mát 2, nay là Khu dân cư 17 và 18 của phường Thanh Bình thì thời gian này, 70 nghìn đồng tương đương với lương của một cán bộ về nghỉ hưu. Gạo lúc đó bán với giá 800 đồng/kg. Để có nghĩa trang này, người dân đã phải bỏ ra số tiền tương đương với gần 45 tấn gạo mới có chỗ chôn người. Hơn 20 năm qua, tưởng chừng với sự bỏ tiền và đóng góp như vậy, người dân hai khu dân cư trên sẽ an tâm với nơi "nhắm mắt, xuôi tay” lúc về già. Nhưng đâu ngờ, hiện nay họ đang đứng trước tình cảnh mất chỗ an táng.
Đô thị… "nuốt” nghĩa trang!
Ngày 19-9-2008, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3363 QĐ-UBND tỉnh về việc thu hồi 1.209 m2 đất trên để xây dựng Khu đô thị mới Tuệ Tĩnh. Chiểu theo quyết định này, đến ngày 25-5-2011, UBND TP Hải Dương ban hành tiếp Quyết định số 1544/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Đô xây dựng khu đô thị này.
Sau nhiều lần bị người dân khiếu nại, nhất là vấn đề đất đai an táng hết sức tế nhị này, người dân hai Khu dân cư 17 và 18 mới được chi trả 96.720.000 đồng cho 1.209 m2 đất. Không đồng ý với việc cho bao nhiêu phải lấy này, người dân tiếp tục khiếu nại và đã được chủ đầu tư nâng mức chi trả lên 137.826.000 đồng. Với số tiền này, chia cho 496 hộ đã có công đóng tiền để mua đất nghĩa trang từ những năm 1993, thì mỗi hộ chỉ được 277 nghìn đồng.
Trong khi đó, toàn bộ khu đất nghĩa trang này đã đang nhanh chóng trở thành "khu đô thị vàng” của thành phố. Hiện nay, tuy khiếu nại của người dân chưa được giải quyết xong, nhưng số đất trên đang được chủ đầu tư rao bán với giá từ 12 đến 14 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ cần thu hồi, đổ đất san lấp thì với diện tích 1.209 m2 này, chủ đầu tư đang có trong tay khoản lợi nhuận lên đến 14 tỷ đồng.
Ngoài việc đền bù, nỗi bức xúc nhất của người dân là không tìm đâu ra chỗ an táng cho người quá cố trên tổ dân phố mình. Theo hầu hết các hộ dân trên địa bàn hai Khu dân cư 17 và 18 này, vừa qua, để có "đầu ra” cho người "nhắm mắt xuôi tay”, thành phố đã có chủ trương hướng dẫn người dân đưa thân nhân vào nghĩa trang Cầu Cương để an táng. Nhưng theo người dân, hiện để vào được nghĩa trang này, mỗi hộ gia đình phải bỏ ra từ 15 đến 20 triệu đồng mới có chỗ để an táng, và "hợp đồng an táng” này cũng chỉ có giá trị trong 3 năm. Sau 3 năm, muốn "nằm lại” thì người dân tiếp tục phải kí một "hợp đồng” mới cùng giá trị trên.
Vì khủng hoảng chỗ chôn cất nên hiện nay không ít người dân ở hai khu tổ dân phố trên đành phải gạt nước mắt, đưa người thân về quê.
Đơn Thương (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.