Hàng loạt giải pháp “làm ấm” thị trường bất động sản (BĐS) đã được đưa ra với nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, GS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, vẫn tồn tại nhiều bất công cần tháo gỡ.

Cần rà soát lại nhà ở xã hội

Ông đánh giá thế nào về các giải pháp làm “ấm” thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng?

- Nguồn tín dụng chủ yếu là dưới 12 tháng, trên 12 tháng vẫn khó tiếp cận. Khó tiếp cận là do không có nguồn chứ không phải do thủ tục. Nếu dừng lại ở gói tín dụng 12 tháng chỉ phù hợp với những dự án gần hoàn thành, cần 1 năm nữa mới hoàn thành, bán để thu hồi vốn. Giải pháp được tính đến chủ yếu là hoãn nghĩa vụ tài chính như giãn thuế, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho bên cầu, gói kích cầu cho doanh nghiệp.

Các giải pháp đưa ra là đủ và trúng, vấn đề còn lại là ưu tiên thế nào? Ví dụ như một gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ ở đâu là điều rất quan trọng:

Thứ nhất là mua trực tiếp các BĐS phù hợp với nhu cầu địa phương bằng nguồn ngân sách địa phương làm nhà công vụ, nhà xã hội, nhà tái định cư. Nên mua lại những nhà mà theo kế hoạch, nhà đó phải được xây. Và mua thế nào cho công bằng, giá của nó phải hạ.

Thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho các dự án cần hỗ trợ. Thực hiện hỗ trợ phải rất minh bạch, nếu không những tiêu cực có thể lẩn khuất vào trong.

Thứ ba là đẩy mạnh cải cách hành chính trong mua bán nhà dự án. Thực tế thủ tục bán nhà còn nhiêu khê. Ví dụ như chung cư mini Nghị định 71 cho phép rồi nhưng Hà Nội vẫn nói mới quá chưa làm sổ được.

Thứ tư là các giải pháp phía Bộ Xây dựng đưa ra như cân đối lại nguồn cung nhà giá thấp, cao cấp, dừng dự án không phù hợp, chuyển đổi công năng nhà cao cấp, chia nhỏ giá trị thanh toán... là giải pháp rất cơ bản, quan trọng.

Việc mua những khu chung cư làm nhà ở xã hội, dù muốn hay không vẫn phải mua theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Điều này sẽ gây khó khăn cho những người mua nhà ở xã hội sau này, ý kiến của ông về vấn đề này?

- Với nhà ở xã hội, “bệnh” của Hà Nội là cách hạch toán “giá vẫn cao hơn giá” mà người mua chấp nhận. Vừa rồi có chuyện nhà ở thương mại còn thấp hơn giá nhà xã hội. Điều này buộc cơ quan nhà nước Hà Nội phải có điều chỉnh phù hợp... Tôi cho rằng cần phải rà soát lại nhà ở xã hội, theo rà soát sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Làm sao để nhà ở xã hội luôn có giá thấp hơn nhà ở thương mại vì được ưu đãi.

Hỗ trợ không phải là cho không

Trong thời điểm khó khăn chung như hiện nay nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khó khăn, sao lại ưu ái rất nhiều cho bất động sản?

- Thứ nhất là theo số liệu nhất định, nợ xấu là một trong những vấn đề của tính thanh khoản của ngân hàng thương mại. Để thị trường tiền tệ hoạt động trơn tru thì phải giải quyết nợ xấu. Khơi thông những điểm tắc nghẽn, trong khi đó BĐS lại nằm trong tỷ lệ nợ xấu rất cao. Sự tồn đọng của thị trường BĐS có thể gây tắc nghẽn dài ngày đối với thị trường tiền tệ. Vì vậy, quyết định giải quyết nợ xấu phải can thiệp đến thị trường BĐS. Vì vậy, BĐS được kéo vào cuộc và là trọng điểm.

Thứ hai là BĐS luôn gắn với rất nhiều thị trường khác như vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, khi có nhà, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm đồ dùng trong nhà cũng tăng lên. Như vậy thị trường BĐS phát triển nó kéo theo hàng loạt tiêu dùng của con người. Nó cũng đóng vai trò rất quan trọng trong thị trường hàng hóa nói chung. Nó có tác dụng kích thích cho thị trường trực tiếp sản xuất hàng hóa phát triển.

Có ý kiến còn cho rằng thị trường BĐS khi sung sướng thì hưởng một mình còn khi khổ thì bắt dân phải chịu chung?

- Đó là sự bất công, tôi đồng ý với quan điểm này! Thế nhưng lúc này không giải quyết thị trường BĐS thì nó còn gây ra những tổn hại nhiều hơn nữa. Ví dụ như câu chuyện của thị trường tiền tệ, câu chuyện cả nền kinh tế hiện nay đang ì ạch. Vấn đề ở chỗ Việt Nam với các nước phát triển khác nhau, ở các nước phát triển hỗ trợ không có nghĩa là cho không. Hỗ trợ nhưng khi anh kiện toàn, phát triển được thì anh phải trả lại phần mà trước đây Nhà nước đã hỗ trợ. Hỗ trợ nó chỉ đảm bảo là trước đây đã vay tiền ở một khu vực khác để giải quyết khó khăn cho BĐS. Khi phát triển thị trường BĐS phải trả lại cho lĩnh vực kia. Tính bất công ở các nước phát triển chỉ mang tính tức thời nhưng ở Việt Nam đôi khi hỗ trợ là cho không. Thực tế đã có trường hợp hỗ trợ là cho không.

Theo tôi, ta cần phải thay đổi quan niệm hỗ trợ với khu vực này hay khu vực khác của thị trường. Nó phải thể hiện ở chỗ là, anh khó khăn tôi cho anh vay nhưng cái tiền đó không phải là tiền anh được cho không. Được không chỗ hỗ trợ đó là quá bất công.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Mai Hạnh (Báo Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.