Các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đang phải tìm những hướng đi mới để đáp ứng được nhu cầu các chủ đầu tư dự án.

Vài năm qua, giá bất động sản giảm mạnh, thậm chí có lúc, có nơi chủ đầu tư còn phải "bán tháo”. Vì vậy, cùng với việc giảm giá để tăng giao dịch, các chủ đầu tư còn phải tiết giảm những chi phí không cần thiết; đặc biệt là những vật liệu cao cấp đã được thay bằng những vật liệu sản xuất trong nước có chi phí phù hợp hơn.

Ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước nhiều thách thức trong bổi cảnh BĐS tăng trưởng chậm như hiện nay

Báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết do sản xuất tiêu thụ các loại vật liệu gốm, sứ, kính xây dựng và vật liệu xây dựng phụ thuộc rất lớn vào các dự án bất động sản nên tiêu thụ khá chậm, lượng tồn kho cao.

Theo đó, tính đến hết tháng 2/2014, sản phẩm gạch ốp lát tồn kho khoảng 16 triệu m2, tương đương 2 tháng sản xuất. Kính xây dựng tồn kho khoảng 10- 12 triệu m2, tương đương 1,5 tháng sản xuất.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, trong tháng 2 vừa qua, tình hình sản xuất ngành thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 125,9 nghìn tấn, bằng 80,1% so với tháng trước, bằng 95,0% so với cùng kỳ tháng 2/2013. Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng sắt, thép thô giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, trong bối cảnh sức tiêu thụ yếu, hàng tồn chưa giải quyết được, nhiều nhà máy sản xuất thép buộc phải kéo giảm công suất xuống khoảng 60 - 70% để tránh tạo thêm áp lực lên nguồn cung ra thị trường. Tương tự, nhiều công ty sản xuất gạch ngói các loại cũng đang cố gắng duy trì công suất ở mức 80%.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đang phải vật lộn tìm ra các hướng đi, sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường nhà ở hiện nay.

Giám đốc kinh doanh Công ty Cửa sổ nhựa Eurowindow, ông Vũ Mạnh Dũng cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại thời gian vừa qua, nhằm thu được lợi nhuận tối đa, các chủ đầu tư đặc biệt chú trọng đến giá thành vật liệu xây dựng.

Do vậy, việc tìm kiếm giải pháp cho doanh nghiệp trong thời gian này không phải là điều dễ dàng. “Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, Eurowindow đã tìm cách hạ giá thành sản phẩm thông qua sử dụng những nguồn lực có sẵn như tự thiết kế, tự sản xuất và sử dụng một số nguyên liệu nội địa. Trong thời gian gần đây, doanh nghiệp cũng chuyển hướng tập trung hơn vào nhóm khách hàng cá nhân, thay vì chỉ tập trung vào các dự án khu chung cư, căn hộ như trước đây.”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng cho biết, mặc dù thị trường bất động sản chững lại song nhờ hướng đi kịp thời, doanh thu trong năm 2013 của Eurowindow vẫn đạt mức 1.700 tỷ đồng và dự kiến doanh thu năm 2014 vẫn đạt mức cân bằng và có thể tăng lên 1.800 tỷ.

Trong tình hình kinh doanh khó khăn, giá thành là cũng một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp chú trọng tìm hướng giải quyết và là yếu tố mang tính cạnh tranh cao.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần gạch Thạch Bàn Miền Bắc, ông Nguyễn Ánh Hào cho biết, với tình hình bất động sản hiện nay cùng với mức độ cạnh tranh cao, công ty đang tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm cắt giảm những chi phí trung gian không cần thiết và giải tán một số bộ phận làm việc không hiệu quả. “Chúng tôi cũng tập trung phát triển, khai thác những nguồn nguyên liệu nội địa để cải thiện giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Hào chia sẻ.

Mới đây, Thông tư 03 sửa đổi của Bộ Xây dựng có quy định tính diện tích căn hộ theo kích thước thông thủy, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột và hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ cũng đem lại không ít thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

Các công ty sẽ phải tìm kiếm giải pháp thay thế cho những sản phẩm thành vách truyền thống để có thể đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư trong việc tối đa hóa diện tích sử dụng hữu ích cho mỗi căn hộ.

Để gỡ khó cho ngành kinh doanh bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) đã chính thức công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư) để kỳ vọng "bơm” thêm vào thị trường này những nguồn tài chính mới ưu đãi hơn, hữu dụng hơn.

Với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng này, VNCB sẽ đóng vai trò là ngân hàng tổ chức cho các ngân hàng người bán, cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong khi đó, Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, gói tín dụng này sẽ tạo ra lãi suất và giá vật liệu xây dựng mềm hơn, đặc biệt mang lại hy vọng “rã đông” thị trường bất động sản hiện nay./.

CTV Thùy Anh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.