“Chưa bao giờ ngành VLXD lại khó khăn như hiện nay. Thị trường đang suy giảm một cách khốc liệt. Nếu như năm 2008, thị trường có khó khăn nhưng sau đó đã khôi phục được ngay. Còn hiện nay, khó khăn chưa biết đến lúc nào mới dừng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng nội. Nếu có thể khai thác hết mảng thị trường trong nước thì ngành VLXD sẽ bớt khó khăn hơn”, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng.

Nếu không có những biện pháp kịp thời, theo ông, kịch bản xấu nhất cho ngành sản xuất VLXD sẽ là gì ?

- Sản xuất ra không tiêu thụ được, DN có thể phá sản. DN phá sản thì người lao động thất nghiệp, không công ăn việc làm. Từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy xã hội khác…

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến thị trường trở nên khó khăn như vậy?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư. Trong một thời gian dài, chính sách tài chính ngân hàng đã gây nên nhiều chuyện bất ổn. Lãi suất ngân hàng cao đã đẩy chi phí DN tăng cao. DN làm gì để trả nổi lãi suất tới vài chục phần trăm. Trong khi đó, tiền huy động cao là giết sản xuất. Người ta không đầu tư vào sản xuất mà đem tiền gửi ngân hàng. Trong khi cái căn bản của nền kinh tế phải là do sản xuất mà ra, chứ không phải là do gửi ngân hàng. Sản xuất phải gắn liền với xây dựng, đầu tư công trình. Vì vậy, cần phải ưu tiên vốn cho sản xuất.

Ông từng nói cần phải đẩy mạnh Chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam trong lĩnh vực VLXD. Vậy hiện nay hiệu quả chương trình này đang ở mức độ nào?

- Hiện nay, ngành VLXD nước ta đã sản xuất được đủ các chủng loại sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, nhưng lại được nhập khẩu. Để phát huy nội lực, thì phải phát động mạnh mẽ phong trào công trình xây dựng Việt Nam dùng VLXD Việt Nam. Chính phủ cũng đã có chỉ thị các công trình sử dụng vốn ngân sách đều phải sử dụng vật liệu không nung, còn các công trình nhà cao tầng dùng gạch bê tông nhẹ, nhưng nhiều DN vẫn không dùng. Ngay cả những công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước lớn cũng vẫn dùng sản phẩm nhập ngoại.

Có ý kiến cho rằng, người dân chưa mặn mà với VLXD trong nước là do giá cao và mẫu mã chưa phong phú. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Cái đó còn tùy theo chất lượng sản phẩm. Có những sản phẩm DN trong nước sản xuất giá cao hơn hàng ngoại nhập, nhưng chất lượng cũng cao hơn. Nếu nhìn khách quan so với sản phẩm cùng loại, hàng Việt Nam giá không cao hơn. Chúng ta đã có những DN sản xuất ra sản phẩm giá rẻ cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc và đã thành công như Prime Group. Hiện mỗi năm Prime Group sản xuất 100 triệu m2 gạch.

Theo ông cần phải làm gì để bảo vệ ngành sản xuất VLXD trong nước, nâng cao hiệu quả chương trình này?

- Ngay từ trong thiết kế phải ghi rõ sử dụng VLXD loại nào. Tiếp đó, phải giám sát việc xây dựng theo thiết kế. Bên cạnh đó, cần kiểm tra chặt chẽ tình hình xuất nhập khẩu bằng hàng rào kỹ thuật. Việt Nam muốn xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ của nước ngoài. Vậy thì VLXD nhập khẩu cũng vậy, sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn kiên quyết không cho nhập. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng nội. Nếu có thể khai thác hết mảng thị trường trong nước thì ngành VLXD sẽ bớt khó khăn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.