May mắn cho những ai đã từng đặt kỳ vọng sau 30/6 – thời điểm các ngân hàng tất toán trạng thái và đóng tài khoản vàng – rằng giá vàng trong nước sẽ đi xuống; vì kỳ vọng đó đã phần nào trở thành hiện thực. Nhưng hiện thực trong ngắn hạn không có nghĩa là tương lai dài hạn.

Thực tế, từ sau 30/6, giá vàng trong nước đã điều chỉnh xuống, song mức điều chỉnh không thấp bao nhiêu, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch so với giá vàng thế giới.

Nhìn qua “sân đấu thầu”

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày 30/6, nhiều chuyên gia trước đây dự đoán giá vàng sẽ giảm sâu, nay đã thấy mình lạc quan sớm.

Một chuyên gia nói với DĐDN, trước đây, theo “nguyên lý” đơn giản thì ông hiểu rằng các ngân hàng bắt buộc phải bù đắp trạng thái âm để đóng trạng thái bằng cách bù trừ mua vàng, và khi không còn áp lực này nữa và tất toán được trạng thái, khối vàng mà NHNN cung ra, nếu tiếp tục đấu thầu sẽ về tay dân chúng. Nay ông thực sự không hiểu nổi số vàng đó chảy về đâu, khi NHNN vẫn tiếp tục và đã có tới 49 phiên đấu thầu gần như đều thành công, với khoảng 40 tấn vàng được cung ra thị trường. “Các tổ chức tiếp tục mua vàng như… cái thùng không đáy, đổ bao nhiêu nước cũng không đầy. Vì sao?

Thứ nhất, nếu các ngân hàng thực sự đã tất toán trạng thái, tại sao phải mua thêm vàng khi lực cầu cá nhân trên thị trường không lớn? Thứ hai, nếu ngân hàng mua để tích trữ phòng khi phân phối ra thị trường tương lai, đặc biệt vào dịp cuối năm khi mãi lực vàng tăng mạnh và dự báo đó cũng là thời điểm thị trường vàng quốc tế thường tăng, thì lấy gì đảm bảo mức tăng trên thị trường quốc tế và mãi lực trên thị trường trong nước đủ bù đắp mức chênh lệch hiện có – nếu NHNN quyết tâm giảm mức chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường, đưa giá vàng trong nước về gần ngang với giá vàng thế giới?” - vị này băn khoăn.

Theo ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng Kinh doanh sỉ Cty Vàng bạc Đá quý SJC, thời gian gần đây, thị trường khá vắng lặng, ngoại trừ những thời điểm giá vàng giảm quá mạnh thì người mua rồng rắn xếp hàng đi mua, còn lại, mãi lực lẻ tẻ, không có nhiều đột biến. Điều đó cũng cho thấy sức mua cá nhân trên thị trường không đáng kể. Dường như ở điểm này, nỗ lực để làm “xẹp” nhu cầu mua vàng từ phía người dân, chống vàng hóa trên thị trường của NHNN đã phần nào đạt được, (ngoại trừ lượng vàng được cung ra thị trường qua sàn đấu thầu luôn “nóng” - PV)

Thống kê tại thời điểm ngày 5/8, NHNN đã chính thức cung ra thị trường gần 12 tấn vàng thông qua đấu thầu kể từ sau 30/6. Còn nếu tính chung từ 28/3 đến 1/8 NHNN đã bán ra thị trường 1.323.400 lượng vàng, tương đương khoảng 50 tấn vàng. Quy đổi theo giá vàng thế giới hiện nay, số ngoại tệ chi cho nhập vàng đã lên đến khoảng 2 tỉ USD, tương đương hơn 40.000 tỉ đồng. Nếu theo báo cáo về thị trường vàng do nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered công bố đầu tháng 6/2013, thì qua 21 phiên đấu thầu với 20 tấn vàng bán ra, NHNN đã thu được khoản lợi nhuận lên tới 117 triệu USD (khoảng gần 2.500 tỉ đồng) tức trung bình mỗi tấn vàng bán ra, NHNN thu về nguồn lợi khoảng 122,5 tỉ đồng. Nguồn lợi này được tính toán dựa trên mức chênh lệch trung bình 5,2 triệu đồng/lượng của mức giá đấu thầu với giá thị trường quốc tế.

Từ đó suy ra, nếu vẫn tính dựa trên mức chênh lệch đấu thầu và giá quốc tế thời gian qua, sau 49 phiên đấu thầu và khoảng 50 tấn vàng đã bán ra, NHNN đã mang lại cho nguồn thu ngân sách gấp đôi con số được tính, khoảng 5.000 tỉ đồng?

Những giả thuyết...

Dù rất khó dự đoán các biến động của thị trường, không quá nhọc nhằn để giới kinh doanh và người dân mua bán vàng tạm thời đưa ra một kết luận: Sẽ không có ai, không tổ chức nào đi kinh doanh mà dại mua cao bán thấp! Trước đây, các ngân hàng và các tổ chức kinh doanh vàng có thể vẫn mua cao bán thấp mà không lo lỗ vì họ chủ động trạng thái tài khoản, có thể bù đắp bằng các công cụ giao dịch và sản phẩm phái sinh trên thị trường quốc tế. Nay, họ chỉ là một tổ chức trung gian phân phối, mua giá A và bán giá B để tìm kiếm lợi nhuận phân phối. Vậy thì, giá vàng đấu thầu đã và sẽ càng trở thành một tín hiệu quan trọng, thậm chí gần như là duy nhất để giới kinh doanh đưa ra các dự báo và mức giá niêm yết mua bán vàng mỗi ngày mở cửa.

Nguyên lý đó dẫn đến một “chân lý” khác được ngầm hiểu trên thị trường: Một khi giá vàng đấu thầu chưa điều chỉnh giảm mức chênh lệch so với giá vàng thế giới về ngay mốc “lý tưởng” khoảng 500.000 đ/lượng, thì mức độ chênh lệch trên dưới 10% đương nhiên vẫn sẽ kéo dài. Kéo dài bao lâu, nói như chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thì có thể vài ba tháng, còn theo TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TƯ thì không thể xác định cụ thể được, nhưng ít nhất cũng không thể ngắn hạn.

Ít nhất các tổ chức trung gian mua vàng trên thị trường hiện tại, cũng hiểu được nguyên lý này. Do đó cũng không quá khó để có thể đưa ra các kết luận tạm thời cho câu chuyện vàng đấu thầu vẫn chảy mạnh trong khi mãi lực mua trên thị trường vẫn yếu: Thứ nhất, phải chăng các ngân hàng chưa bù đắp dương được trạng thái vàng, dù vẫn đã đóng tài khoản như quy định (Vì vậy mới có chuyện các phiên đấu thầu tiếp được các thành viên bỏ thầu vét sạch song song với việc các ngân hàng đã nỗ lực tung những chương trình “giữ hộ vàng” trước khi bị NHNN hạn chế và cấp phép?). Thứ hai, phải chăng thị trường đang tái xuất hiện những nhà đầu tư, những nguồn lực “trữ” vàng dựa trên thực lực có khả năng dự báo được “mức độ liên thông mà cách biệt” giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế tiếp tục diễn tiến ít nhất trong trung hạn?

Trong cả hai giả thuyết, nếu “trúng” trường hợp nào thì tác động tương lai tới giá vàng, khả năng khiến giá vàng nhảy múa ngoài dự đoán cũng đều rất lớn. Thị trường đang chờ đợi những bước đi tiếp theo, sau khi Văn bản số 5478/NHNN-QLNH về việc cáo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng hàng ngày của NHNN có hiệu lực và đặc biệt là văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ báo cáo các giao dịch quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 20/2013/QĐ-TTg, quy định các giao dịch vàng có quy mô từ 300 triệu đồng quy đổi sẽ phải báo cáo. Bức tranh giao dịch vàng sẽ lộ diện đến từng… centimet. Khi đó, mọi chuyện sẽ trở nên tường minh nếu cơ quan quản lý có những thông điệp minh bạch tới thị trường, giải tỏa nghi án đầu cơ hay tâm lý “bán tín bán nghi” về chuyện các ngân hàng vẫn “thủng” tài khoản. Nhờ đó, tiếp tục “bình ổn thị trường” và kéo theo là “bình ổn giá”.

Theo cách nói của NHNN, có thể bình ổn thị trường mà không cần bình ổn giá. Có lẽ nên bổ sung điều này bằng một thực tế khác: Sẽ rất khó để bình ổn thị trường, nếu không có bình ổn niềm tin!

Áp lực vàng giảm giá

Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng đang giảm do USD tăng mạnh, giảm sức hấp dẫn đối với vàng như một tài sản thay thế. Hiện tại, USD tăng so với tất cả 16 đồng tiền khác mà Mỹ có giao dịch thương mại do các số liệu kinh tế sáng sủa mới công bố hôm qua. Giá vàng còn chịu áp lực giảm khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) thông báo lãi suất cơ bản khu vực đồng tiền chung sẽ giữ nguyên ở mức thấp trong thời gian dài. Điều này đẩy giá trị USD tăng. Về chuyển động trên thị trường, hôm qua, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán mạnh 5 tấn vàng sau 4 phiên giữ nguyên lượng vàng nắm giữ, không giao dịch mua bán. Quỹ này hiện nắm giữ 921,05 tấn vàng, trị giá 38,92 tỉ USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, quỹ SPDR Gold Trust đã bán ra tổng cộng 420 tấn vàng, riêng trong tháng 7 bán ra 41 tấn vàng. Trong khi năm ngoái, quỹ này mua ròng 96 tấn vàng. Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ giảm 3,6% trong tháng 7, tháng giảm ít nhất 4 tháng. Tài sản vàng các quỹ này nắm giữ giảm 25% từ đầu năm đến nay.

Theo công bố từ FED, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống thấp nhất 5 năm và sản xuất tháng 7 tăng tốc mạnh nhất hơn 2 năm qua. Ngoài ra, triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong năm nay. Như vậy, trong ngắn hạn, giá vàng sẽ còn nhiều biến động do thị trường còn nhiều biến động. Nhà đầu tư và người dân không nên chạy theo số đông khi mua – bán để tránh thiệt hại.

Lê Mỹ (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.