Vắng khách, giảm giá, giảm người phục vụ, thậm chí đóng cửa là tình trạng chung của các nhà nghỉ, khách sạn bình dân không chỉ ở Hà Nội mà cả các tỉnh có các khu vui chơi có tiếng.

Không đủ tiền điện, nước, phục vụ

Dạo một vòng các nhà nghỉ thuộc khu vực Gia Lâm, Long Biên - Hà Nội, tình trạng ế ẩm của các nhà nghỉ cũng diễn ra đã kéo dài cả năm nay. Càng đến cuối năm, các chủ kinh doanh còn kêu dữ hơn.

“Nhà tôi có 20 phòng, năm ngoái cũng đã khó khăn song vẫn đạt công suất 80% phòng hàng tháng. Sang năm nay khách lèo tèo, có tuần một hai lượt khách thuê theo giờ vài chục ngàn bạc rồi lại đi. Cứ thế này đến chuyển hướng kinh doanh thôi”, bà Trần Thị Lan, chủ nhà nghỉ H. Trà phường Ngọc Thụy, Gia Lâm chia sẻ.

Nằm ngay trong khu vực nhiều văn phòng, công sở kinh doanh, khách sạn M. Anh, ngõ 133 Trần Khát Chân, Hà Nội là bến đỗ của các khách nghỉ giờ tranh thủ.

Bà Ngọc, chủ khách sạn oang oang: “Khách sạn tôi mấy năm nay toàn đón khách theo giờ, buổi trưa có khi đông không còn phòng mà phục vụ. Tôi cũng chả quan tâm họ là ai, có giấy tờ đầy đủ là cho thuê, làm ăn sướng lắm. Dạo này vắng vẻ quá, không hiểu thượng đế đi đâu hết hay kinh tế khó khăn nên họ không còn thời gian tâm sự, hay họ tiết kiệm?”. Bà Ngọc cũng không ngại ngần kể, khách sạn của bà và mấy nhà nghỉ trong khu cũng thường đón khách là các cô cậu học sinh khoác cặp vào thuê phòng có khi chỉ 30 phút nhưng nay loại khách này cũng thưa vắng.

Không chỉ Hà Nội, nếu có dịp đến khu Ao cá, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh dịp này sẽ thấy ngay được sự ế ẩm, vắng vẻ của khu vực vốn được coi là sầm uất về dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, khách sạn ở Bãi Cháy.

Chị Thu Hòa, chủ nhà nghỉ H. Hoàng cho biết, trước đây cứ cuối tuần là các nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực này kín phòng, phải đặt trước mới còn chỗ. Các ngày trong tuần thì cũng có khách đi công tác, nghỉ ngơi đến thuê nên nhà nghỉ của chị Hòa với 14 phòng luôn duy trì từ 4 đến 6 nhân viên phục vụ, dọn dẹp và nấu ăn hay trông giữ xe, bảo vệ.


Các nhà nghỉ san sát trong khu Ao Cá giờ vắng hoe, các chủ nhà nghỉ bắc ghế ra vỉa hè ngồi buôn chuyện. Ông Nguyễn Văn Hòe, chủ nhà nghỉ P. Yến góp chuyện: “Nửa năm nay cả khu này sống cầm chừng, có nhà đóng cửa ra ngoài bãi thuê cửa hàng kinh doanh rồi. Chúng tôi cũng không biết nên chuyển nghề gì nên cứ cầm cự như thế này”.

Cho nhân viên nghỉ và tự mình vừa làm chủ vừa làm tớ, chị Thu Hòa than: “Tháng có vài khách thuê trọ một hai ngày, may thì đủ tiền điện, nước, giặt là nên không dám mướn người nữa, thôi thì chịu khó tự phục vụ khách”.

Chị Hòa và các chủ nhà nghỉ ở đây vô cùng lo lắng cho việc làm ăn kinh doanh bởi theo chị Hòa: “Mấy công trình xây dựng ở gần đây là nguồn khách chủ yếu của chúng tôi bởi chủ và kỹ sư, nhân công nơi khác đến làm hay thuê trọ, giờ tạm dừng thi công nghe nói do thiếu vốn nên các nhà nghỉ cũng ế ẩm theo. Không biết khi nào chúng tôi mới khôi phục được kinh doanh chứ cứ thế này không nuôi được cả con đang ăn học”.

Đóng cửa cũng không xong

Nằm ngay trên mặt đường tiện cho việc giao dịch đi lại song cả năm làm ăn thưa thớt, chủ khách sạn H. Hồng trên đường Nguyễn Văn Cừ đã quyết định đóng cửa và cho thuê căn hộ 7 tầng làm văn phòng.

Cả tháng chỉ có mấy khách quen từ Hưng Yên lên Hà Nội công tác thuê phòng nên chủ nhà nghỉ V. Xuân trên đường Nguyễn Trãi cũng đang tính trưng biển cho thuê nhà.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ nhà nghỉ T. Lan ở Khu đô thị Linh Đàm đã đóng cửa nhà nghỉ hai tháng nay cho biết: “Nhà nghỉ gần 20 phòng không có khách chúng tôi vẫn phải duy trì dọn dẹp, đóng thuế rồi nhiều thứ chi phí khác. Ế ẩm cả năm nên phải tính chuyện chuyển hướng kinh doanh nhưng cho thuê văn phòng giờ cũng khó, nhiều văn phòng còn bị trả lại do doanh nghiệp khó khăn”.

Loay hoay mãi, chị Lan vẫn chưa biết làm gì với nhà nghỉ của mình, chị như ngồi trên đống lửa bởi cả một năm làm ăn thất bát. Chị cho biết, bây giờ đóng cửa cũng không xong vì máy móc, giường chiếu bỏ không, không sử dụng bảo quản là hỏng ngay. Cả một đống tiền.

Dịch vụ cho thuê phòng sa sút, chị Kiều Oanh, chủ nhà nghỉ K Oanh ở phố Khương Đình – Hà Nội đã chuyển sag kinh doanh nhà hàng. Chị lập luận: “Khó khăn mấy cũng vẫn phải ăn uống, tiếp khách nên dịch vụ ăn uống tuy không đắt hàng cũng vẫn có đồng ra đồng vào. Trước đây, dịch vụ nhà nghỉ ế ẩm vẫn phải duy trì không gian sạch sẽ, hoa tươi, người phục vụ, dịch vụ giặt là và các thứ đi kèm nên tốn kém lắm”.

Vắng khách vẫn tốn chi phí duy trì nên các chủ nhà nghỉ, khách sạn bình dân như ngồi trên đống lửa, Chỉ một khu phố nhỏ mà có đến gần 20 nhà nghỉ trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, hay Ao Cá phường Bãi Cháy, Hạ Long, sẽ có bấy nhiêu gia đình bị ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. Chuyển hướng kinh doanh hay đóng cửa thời điểm này đều không dễ dàng, câu trả lời các chủ nhà nghỉ, khách sạn vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
  • Được bơm tiền, đại gia BĐS chưa thoát cửa tử

    Được bơm tiền, đại gia BĐS chưa thoát cửa tử

    Bất cập lớn nhất của BĐS là sự mất cân đối cung - cầu trên thị trường BĐS từ quy mô, cấu trúc sản phẩm tới giá cả. Khi các DN BĐS chưa thực lòng tái cơ cấu thì có bơm tiền cũng khó cứu. <br/br>

  • Cứu bất động sản: BIDV và Agribank lên tiếng “xuống tiền”

    Cứu bất động sản: BIDV và Agribank lên tiếng “xuống tiền”

    Theo chỉ đạo giải cứu thị trường bất động sản của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết đẩy tín dụng cho khu vực này từ 20 đến 40 nghìn tỷ đồng, trước mắt giao cho 4 ngân hàng thương mại thực hiện. <br/br>

  • Nhức nhối tồn kho bất động sản

    Nhức nhối tồn kho bất động sản

    Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đều bị thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ xấu tăng, nợ vay lớn, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn... <br/br>

Theo Song Linh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.