Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận trong cả hai kỳ họp thứ 4 và thứ 5, song vẫn không thể đi đến đồng thuận trong nhiều nội dung đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thu hồi đất. Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng: Cần làm rõ cơ chế thu hồi đất cũng như giải quyết tốt vấn đề "hậu” thu hồi đất trong Luật Đất đai sửa đổi.
Ông Trần Ngọc Vinh
Trong các phiên thảo luận góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai, vấn đề thu hồi đất vẫn được sự quan tâm hàng đầu. Ông đã từng cho rằng đây là khâu mắc nhất, vậy mắc ở đâu thưa ông?

Tôi cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang có nhầm lẫn trong các khái niệm liên quan đến nội dung thu hồi đất. Đó là sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Đương nhiên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nên không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng với quyền sử dụng đất lại khác. Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992, Điều 58 quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì khẳng định quyền tài sản, chính là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp.

Vì vậy, khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết, vì lý do phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó. Do đó, điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất.

Có phải vì sự nhầm lẫn này, mà Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa tạo ra được một ứng xử bình đẳng hơn giữa Nhà nước và người dân trong vấn đề đất đai?

Tôi cho rằng như vậy. Doanh nghiệp và người dân đều là những chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, các chủ thể này phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cả về quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ. Người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị thu hồi tài sản bất cứ lúc nào. Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc cũng trong tình cảnh tương tự. Xét cho cùng đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng nên, không phải sở hữu của Nhà nước nhưng lâu nay chúng ta đã đánh đồng hai làm một để rồi thu hồi tất.

Vậy, cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản thuộc sở hữu của người dân gắn liền với đất? Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không? Nếu những câu hỏi này không được trả lời thỏa đáng trong sửa đổi Luật Đất đai lần này thì khó mà bảo đảm hài hòa được mục tiêu sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội với vấn đề an dân. Mà khi vấn đề an dân chưa được giải quyết thấu đáo, thì các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng khó có thể đạt được, chúng ta khó mà phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Vì lòng dân chưa thuận sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại.

Cũng liên quan đến thu hồi đất, vấn đề "hậu” thu hồi đất cũng chưa được cơ quan soạn thảo Luật quan tâm đúng mức, thưa ông?

Thu hồi đất chưa hợp lý khiến khiếu kiện triền miên là một cái "hậu” của thu hồi đất. Để tránh những khiếu kiện không đáng có phải có chính sách thỏa đáng. Theo tôi không đơn thuần chỉ là chuyện bồi thường thế nào, hỗ trợ tái định cư ra sao, mà còn phải là việc làm bền vững cho những người mất việc làm do bị thu hồi đất. Rõ ràng sửa đổi Luật Đất đai lẽ ra cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng cái cần sửa đổi nhất thì lại chỉ được đề cập một cách mờ nhạt và chung chung.

Vấn đề sinh kế của người dân ra sao khi đất, nhà của họ bị thu hồi cũng chưa được làm rõ. Khi tính toán bồi thường tái định cư, chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới kế sinh nhai cho người có đất bị thu hồi, phải có những quy định đặc thù để áp dụng cho các đối tượng có đất bị thu hồi trong diện chính sách như người già, người hết tuổi lao động… Bởi vì đối với các đối tượng này, chúng ta không thể áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề hay tìm việc làm mới được. Chứ như hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc cứ đưa người dân vào các khu tái định cư là xong. Chưa làm rõ những cơ chế này làm sao nhận được đồng thuận từ phía người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!
Lục Bình (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.