Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng Đặng Ngọc Dinh, nhận định, văn hóa hối lộ trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường giống như việc người dân quen với hiện tượng ngập lụt mỗi khi mưa lớn ở Hà Nội.
Báo cáo "Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai của Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển thực hiện đã được công bố ngày 19/1. Tại đây, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho rằng, tham nhũng liên quan đến đất đai đang là một thách thức của Việt Nam làm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội càng lớn. Theo ông, nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng chủ yếu là độc quyền ra quyết định của một số tỉnh và thiếu minh bạch thông tin.

Theo báo cáo, một số chính sách hiện tại khiến tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai trở thành nguồn lợi bất thường. Cụ thể, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi và định giá đất thấp hơn giá thị trường tạo ra những khoản lợi nhuận lớn đã góp phần nảy sinh tham nhũng. Thêm vào đó, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, mất nhiều thời gian đã kích thích người dân sẵn lòng chi thêm các khoản “lót tay” cho cán bộ để rút ngắn thời gian chờ đợi. Thậm chí các cán bộ cao cấp về hưu cũng khó có thể nhận được Giấy chứng nhận nhà đất nếu họ không đưa hối lộ. Điều này gây phiền phức cho những người dân nghèo không thể chi cho các dịch vụ kiểu này.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục quản lý đất đai lý giải nguyên nhân của tham nhũng là mỗi đơn vị có quá ít cán bộ quản lý về đất đai. Ví dụ, Bình Thuận có xã sở hữu tới 20.000-30.000 ha đất nhưng chỉ có một cán bộ làm về lĩnh vực địa chính. Do đó, để khắc phục tình trạng trên cần tăng cường cán bộ cho trong lĩnh vực quản lý đất đai.


Đất đai của Việt Nam đang trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Ảnh: Hoàng Lan.

Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), một thành viên tham gia nghiên cứu cho hay, văn hóa hối lộ trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường giống như việc người dân quen với hiện tượng ngập lụt mỗi khi mưa lớn ở Hà Nội. Chính quyền địa phương cấp tỉnh được tập trung quyền quyết định quá lớn làm nảy sinh những tiêu cực. Những cán bộ cấp tỉnh giữ toàn quyền giao đất thậm chí định ra giá cả. Do đó, theo giáo sư Dinh cần hạn chế quyền quyết định của cấp huyện, tỉnh.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tham nhũng còn do mức thu nhập của cán bộ quản lý đất đai còn thấp. Điều này dẫn đến việc họ thà sẵn sàng tham nhũng còn hơn là bị đói.

Ngoài ra, theo ông Võ, cơ chế trong quản lý đất đai của Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Chuyên gia về đất đai này dẫn chứng, Việt Nam định giá đất bồi thường thấp, người được giao đất sau khi bồi thường một cục tiền cho dân thì hết trách nhiệm. Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc áp dụng hình thức truy thu hàng năm. “Nhà đầu tư phải trả một khoản thuê đất hằng năm cho người có đất bị trưng dụng. Chính điều này đảm bảo sự công bằng và quyền lợi người mất đất hơn”, ông Võ nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, đất đai của Việt Nam đang trong tình trạng "tranh tối tranh sáng" và chống tham nhũng là một quá trình dài hơi, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. “Khó có thể hy vọng trong năm 2011 có một bước nhảy về chống tham nhũng nhưng chúng tôi tin rằng, mỗi năm tình trạng tham nhũng sẽ giảm đi”, ông Võ nói.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lại lạc quan về vấn đề chống tham nhũng khi Đại hội Đảng vừa có kết quả. “Tôi kỳ vọng những nhân sự cấp cao mới của đất nước có thể đưa ra những hành động để giải quyết các vấn đề thách thức như chống tham nhũng”, bà chia sẻ.

Báo cáo Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai của Việt Nam chỉ ra rằng, cuộc điều tra năm 2010 tiến hành tại 5 tỉnh nghiên cứu tính huống cho thấy, gần 80% những người được hỏi tin rằng, có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Trong đó 38% ý kiến cho rằng hình thức tham nhũng này rất phổ biến.

Trong câu hỏi: "Không khó tìm thấy tham nhũng trong quản lý đất đai, tỉnh nào cũng có tình trạng bán đất và giao đất trái phép" có tới 92% ý kiến đồng ý hoàn toàn hay một phần với ý kiến trên. Trong đó có tới 41% đồng ý hoàn toàn.

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland