Sau khi “lập đỉnh” 18,58% vào năm 2011, lạm phát những tháng đầu năm 2014 đã được kiềm chế ở mức tương đối thấp. Đây là một trong những thành tích đáng kể của nền kinh tế. Dù vậy, trong một nền kinh tế “nhạy cảm” với lạm phát như Việt Nam, một bước đi nóng vội, chủ quan cũng có nguy cơ khiến lạm phát “bùng nổ” trở lại.

Việc “mạnh tay” kích thích tăng trưởng có thể khiến lạm phát quay trở lại. Ảnh: Khả Doanh

Lạm phát thấp nhất trong 13 năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân 7 tháng năm nay tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Thực tế, trong 7 tháng đầu năm nay, ngoại trừ tháng 1 là tháng có tết Nguyên đán thì lạm phát luôn thấp hơn 5% - mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Với xu hướng này, trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 7 tháng, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo: Lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%.

Cùng chung mức dự báo này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: Nếu không có biến động lớn, dự báo lạm phát cả năm đạt mục tiêu quốc hội đề ra, ở mức trên 5%. Đây là điều là rất tốt để

Chính phủ đạt các mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta không nên thấy lạm phát thấp mà lo lắng, đây là điều đáng mừng vì giá cả ổn định là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế, là động lực cho nhà sản xuất phát triển sản xuất.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8-2014 vừa được công bố mới đây, Ngân hàng HSBC nhận định áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. Theo đó, sau khi loại trừ những yếu tố biến động theo mùa khi giá dịch vụ tăng và yếu tố thời tiết ảnh hưởng lên nguồn cung thực phẩm và giá dầu thế giới, lạm phát cũng sẽ giữ trong khoảng từ 4,5% đến 6,5%.

Dù vậy, đằng sau con số đáng mừng trong việc kiềm chế lạm phát vẫn còn nhiều điều băn khoăn. “Soi” về lạm phát những tháng đầu năm, một số chuyên gia cho rằng: Tổng cầu giảm, sức mua yếu và người dân hạn chế chi tiêu do đề phòng những bất ổn, rủi ro có thể xảy ra… là những nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát thấp trong những tháng đầu năm.

Tại Hội thảo khoa học “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014”, do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm. Đó là do xác định chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu nên Chính phủ đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bình ổn giá cả thị trường. Ngoài ra, tổng cầu giảm vì sức mua yếu và người dân hạn chế chi tiêu do đề phòng những bất ổn, rủi ro có thể xảy ra cũng khiến lạm phát ở mức thấp.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, việc lạm phát giảm từ mức đỉnh điểm 23% vào tháng 8-2011 xuống còn khoảng 5% vào tháng 6-2014 cho thấy hoạt động kinh tế vẫn còn rất uể oải bởi vì tăng trưởng GDP vẫn còn ở mức thấp hơn so với tiềm năng ước tính. Bên cạnh đó, những áp lực ở phía cung là chưa đáng kể nhờ giá cả lương thực và giá cả các mặt hàng liên quan đến năng lượng ổn định. Có khả năng lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì dưới ngưỡng 7% trong năm 2014 theo chỉ tiêu đề ra của Chính phủ do tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức khiêm tốn và với giả định rằng sẽ không có cú sốc lớn nào từ phía cung.

Lạm phát còn tiềm ẩn

Hồi quý I-2014, khi lạm phát chỉ ở mức rất thấp là 0,8%, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận định: Việc đạt mục tiêu lạm phát dưới 7% trong năm 2014 có tính khả thi cao. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn tiềm ẩn và có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh trở lại nếu thiếu sự quan tâm đúng mức từ chính sách kinh tế vĩ mô. Cho đến nay, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều sự chuyển biến và còn dựa đáng kể vào gia tăng nguồn lực, đặc biệt là gia tăng đầu tư. Trong khi đó, các chính sách ít hướng đến phía cung của nền kinh tế trong dài hạn mà cần tập trung nhiều hơn vào quản lí tổng cầu trong ngắn hạn. Bối cảnh này khiến nền kinh tế luôn phải đối mặt với sự đánh đổi là muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn và ngược lại.

Thực tế là sau thời gian dài lạm phát được kiềm chế ở mức tương đối thấp, chính sách của Nhà nước đã hướng nhiều hơn đến thúc đẩy tăng trưởng. Điều này được thể hiện thông qua việc Quốc hội thông qua đề xuất nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% giai đoạn 2013-2014 và phát hành bổ sung 170 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2014-2016 vào tháng 11-2013 nhằm tạo thêm nguồn lực cho đầu tư công. Tương tự, việc thúc đẩy tín dụng trong 2 tuần cuối năm 2013 đã giúp tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, song trong khi năng lực hấp thụ của nền kinh tế chưa tương xứng thì điều này có thể để lại hệ lụy với lạm phát trong năm 2014.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 tổ chức 8-7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) đánh giá: Từ nay đến cuối năm còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, nước, dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí....).

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7%, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm. Đó là tiếp tục triển khai thực hiện Luật Giá và các văn bản dưới Luật (Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, các thông tư hướng dẫn...) trong phạm vi cả nước; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. “Trường hợp điều chỉnh giá, phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Lương Bằng (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.